Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sức ép chưa từng có dồn lên quan hệ Mỹ - Israel

Phe Dân chủ cấp tiến đang gia tăng sức ép nhằm buộc chính quyền Tổng thống Joe Biden cứng rắn hơn với Israel sau cuộc chiến 11 ngày ở Dải Gaza.

Việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn đạt được giữa Isael và Hamas, chấm dứt chiến sự 11 ngày ở Dải Gaza, là không đủ đối với phe cấp tiến trong đảng Dân chủ.

Thay vào đó, họ quyết tâm thay đổi chính sách của Washington trong quan hệ giữa Mỹ với Israel, theo The Hill. Nhóm này chỉ trích chính sách ngày càng thiên hữu của Tel Aviv, đồng thời kêu gọi áp đặt điều kiện lên các khoản hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Israel.

Phe cấp tiến "ra tay"

Đứng sau làn sóng tại Quốc hội Mỹ đòi hỏi quyền bình đẳng cho người Palestine là các nghị sĩ cấp tiến của đảng Dân chủ.

Từ nội bộ đảng Dân chủ, chỉ trích nhắm vào Israel giờ đã được đưa ra Hạ viện và Thượng viện. Hôm 21/5, phe cấp tiến đảng Dân chủ đã trình Quốc hội Mỹ dự thảo nghị quyết ngăn chặn hợp đồng bán vũ khí cho Israel trị giá 735 triệu USD.

"Hơn bất kỳ lúc nào trong quá khứ, tôi nghĩ giờ là lúc quan hệ Mỹ - Israel chịu áp lực mạnh mẽ, chỉ trích đối với hành động của Israel cũng lớn hơn trước", Aaron David Miller, đại diện Mỹ từng tham gia đàm phán tiến trình hòa bình Trung Đông, cho biết.

Israel khong kich Gaza anh 1

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders bảo trợ dự thảo nghị quyết ngăn Mỹ bán vũ khí cho Israel. Ảnh: AP.

Các nhóm cấp tiến tin rằng đang có sự thay đổi quan điểm của công chúng Mỹ theo hướng ngày càng có lợi cho họ. Phe cấp tiến muốn áp đặt điều kiện lên các khoản viện trợ hay hợp đồng vũ khí mà Mỹ bán cho Israel, buộc nhà nước Do Thái nhượng bộ người Palestine.

"Áp đặt điều kiện đối với viện trợ quân sự cho Israel là một chính sách nhận được ủng hộ rộng rãi trong cử tri Cộng hòa, nhưng nó không được ủng hộ trong đa số chính trị gia Cộng hòa ở Washington", Waleed Sahid, giám đốc truyền thông Ủy ban hành động chính trị Justice Democrats, nói.

Hạ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez cùng Thượng nghị sĩ Bernie Sanders là những người dẫn đầu nỗ lực ngăn chặn hợp đồng bán vũ khí 735 triệu USD cho Israel.

"Trong nhiều thập niên, Mỹ đã bán hàng tỷ USD vũ khí cho Israel mà chưa từng yêu cầu họ tôn trọng các quyền cơ bản của người Palestine. Khi làm như thế, chúng ta đã trực tiếp tước đoạt mạng sống, nơi ở và quyền cơ bản của hàng triệu người", Ocasio-Cortez phát biểu.

Dự thảo nghị quyết được Thượng nghị sĩ Sanders trình lên Thượng viện, ngăn Mỹ bán vũ khí cho Israel, nhiều khả năng sẽ không được thông qua. Dù vậy, nó vẫn được các nhà hoạt động của phe cấp tiến coi là một thời khắc "lịch sử".

Mới đây, 140 nhóm cấp tiến đã gửi thư tới Tổng thống Joe Biden kêu gọi Nhà Trắng phản đối chính sách của Israel đối với người Palestine ở Jerusalem và Bờ Tây mà phe này miêu tả là "tội ác chiến tranh".

Bức thư này được gửi đi sau nhiều tuần căng thẳng leo thang cùng đụng độ bạo lực giữa người biểu tình Palestine và cảnh sát Israel ở Jerusalem. Chính những vụ đụng độ này là cái cớ để Hamas kích động bạo lực với hàng loạt rocket bắn vào Israel.

Cáo buộc "apartheid"

Hàng nghìn quả tên lửa Hamas bắn tùy tiện vào lãnh thổ Israel đã khiến sự chú ý của Điện Capitol, từ chỗ nên cứng rắn như thế nào với Israel, sang tranh luận về quyền tự vệ của nhà nước Do Thái.

Phe Cộng hòa chỉ trích ông Biden đã không bảo vệ đồng minh Israel. Tổng thống Biden đã xoay sở thuyết phục Israel ngừng bắn, đồng thời tránh phải đưa ra một đề nghị công khai vốn là điều chưa từng có trong quá khứ.

"Nếu Biden may mắn, ông ấy sẽ có thể tiếp tục cách làm ấy", ông Miller nhận xét.

Ông Miller cho biết dù liên minh Mỹ - Israel chưa rơi vào khủng hoảng, nhưng sự đoàn kết vốn là nền tảng cho quan hệ song phương "đang nằm dưới sức ép lớn chưa từng có".

Israel cho biết nước này đã làm mọi thứ có thể để tránh thương vong cho thường dân Palestine trong các cuộc không kích Dải Gaza. Israel cũng lên án Hamas đã tiến hành các hoạt động quân sự ngay tại khu trung tâm dân cư dông đúc.

Israel khong kich Gaza anh 2

Một cuộc không kích của Israel nhắm vào Dải Gaza. Ảnh: Getty.

Trong 11 ngày xung đột, hệ thống phòng không Vòm Sắt đã bắn hạ 90% rocket của Hamas. Nhưng vẫn có 13 người Israel thiệt mạng, hàng triệu người phải di tản xuống hầm tránh bom.

Các nhóm ủng hộ Israel tại Mỹ phản đối việc áp đặt điều kiện lên viện trợ quân sự cho Israel, bởi viện trợ này là cần thiết giúp Israel răn đe Hamas, kiềm chế hoạt động của tổ chức mà Mỹ đã đưa vào danh sách khủng bố. Viện trợ cũng giúp tăng cường sức mạnh của Israel chống lại đe dọa từ các tổ chức khủng bố ở khu vực, cũng như trong cuộc đối đầu với Syria và Iran.

JDCA, nhóm vận động ủng hộ Israel, cho rằng hợp đồng vũ khí 735 triệu USD không liên có liên hệ với cuộc xung đột hiện nay ở Dải Gaza, bởi đã được Nhà Trắng thông qua nhiều ngày trước khi chiến sự bùng phát.

Hợp đồng này cũng là một phần trong bản ghi nhớ hợp tác giữa Mỹ và Israel ký năm 2016, theo đó Washington cam kết bán 38 tỷ USD vũ khí cho Israel trong 10 năm, trong đó có khoản chi 500 triệu USD mỗi năm cho Vòm Sắt.

"Hợp đồng này phù hợp với bản ghi nhớ, và vì thế chúng tôi ủng hộ tiếp tục triển khai thực hiện. Chúng tôi cũng không ủng hộ việc sử dụng hỗ trợ quân sự cho Israel làm công cụ để điều chỉnh quan hệ giữa Israel và Palestine", Halie Soifer, CEO của JDCA, cho biết.

Các nhóm ủng hộ Israel cũng như phe cấp tiếp đều thừa nhận đa phần đảng Dân chủ, trong đó có Tổng thống Biden và các quan chức cấp cao trong chính quyền, phản đối việc áp đặt điều kiện lên viện trợ quân sự cho Israel.

Nhưng lúc này, các nhóm cấp tiến đang tìm cách tạo thêm nhiều thay đổi để có thể mang lại biến chuyển căn bản trong lập trường của đảng Dân chủ.

"Tất cả những gì còn thiếu là một bước đi sai lầm của chính phủ Israel đủ để châm ngòi cho một làn sóng mới trong đảng Dân chủ ủng hộ người Palestine và chấm dứt chủ nghĩa apartheid tại Israel", Robert McCaw, giám đốc quan hệ chính phủ tại tổ chức vận động quyền lợi cho người Arab có tên CAIR, nhận định.

"Apartheid" là chế độ phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc tàn bạo từng tồn tại ở Nam Phi trong quá khứ.

Chính quyền Tổng thống Biden cũng như chính phủ Israel bác bỏ cáo buộc apartheid nhắm vào người Palestine. Nhưng các nghị sĩ cấp tiến đã liên tục dùng khái niệm apartheid để chỉ trích chính sách của Israel.

"Những gì xảy ra trong hai tuần qua đã khiến một số thành viên Quốc hội đánh giá lại những cáo buộc về apartheid tại Israel. Vấn đề là chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục làm ngơ trước hành vi của Israel đối với người Palestine trong bao lâu? Tôi nghĩ là sẽ không còn lâu nữa", ông McCaw nhận xét.

Vì sao ông Biden chưa lật ngược chính sách của ông Trump ở Israel?

Dù từng chỉ trích ông Donald Trump, Tổng thống Mỹ Joe Biden tới nay vẫn chưa đảo ngược các quyết sách gây tranh cãi của người tiền nhiệm trong vấn đề Israel - Palestine.

Hàn Quốc sẽ xích gần với Bộ Tứ để đối phó Trung Quốc?

Khả năng Hàn Quốc gia nhập Bộ Tứ, cùng Mỹ, Australia, Nhật và Ấn Độ, sẽ là chủ đề thảo luận khi Tổng thống Joe Biden tiếp người đồng cấp Moon Jae In tại Nhà Trắng cuối tuần này.

Iran rúng động vì vụ cha mẹ chuốc thuốc mê, sát hại 3 con

Cặp vợ chồng người Iran bị bắt vì chuốc thuốc mê, sau đó giết hại và chặt xác con trai. Hai người thừa nhận cũng giết con gái và con rể bằng cách tương tự trong quá khứ.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm