Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàn Quốc sẽ xích gần với Bộ Tứ để đối phó Trung Quốc?

Khả năng Hàn Quốc gia nhập Bộ Tứ, cùng Mỹ, Australia, Nhật và Ấn Độ, sẽ là chủ đề thảo luận khi Tổng thống Joe Biden tiếp người đồng cấp Moon Jae In tại Nhà Trắng cuối tuần này.

Từ lâu, Mỹ đã đề nghị Hàn Quốc hợp tác sâu rộng hơn trong các chính sách đối phó với Trung Quốc. Nhưng Seoul lại chỉ muốn giữ quan hệ với Bộ Tứ ở mức độ vừa phải nhằm tránh đối mặt phản ứng từ Bắc Kinh, theo Nikkei Asia.

Rủi ro nếu gia nhập Bộ tứ

Trong hội nghị thượng đỉnh kéo dài 4 ngày hồi tháng 3, các lãnh đạo Bộ tứ đã quyết định thành lập một số nhóm công tác tập trung vào vaccine, công nghệ cao và biến đổi khí hậu.

Washington kêu gọi Seoul và các đối tác khác tham gia các nhóm làm việc này, một nguồn tin ngoại giao cho biết. Chính quyền Tổng thống Moon Jae In chỉ chấp nhận tham gia các nhóm công tác, trong khi chưa xem xét khả năng chính thức gia nhập Bộ Tứ.

Bộ Tứ là cơ chế đối thoại của 4 nước thành viên chia sẻ các giá trị tự do và dân chủ chung. Nhóm này có mục tiêu đối trọng với sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Dù Mỹ là đồng minh duy nhất của Hàn Quốc, chính quyền Tổng thống Moon Jae In lại theo đuổi chính sách ngoại giao đặc biệt, theo đó Seoul sẽ không hoàn toàn ngả về Washington để đối phó Bắc Kinh.

Giống như mọi quốc gia tầm trung ở khu vực, Hàn Quốc rất lo ngại rơi vào cuộc đối đầu của các cường quốc, mà chỉ muốn theo đuổi các ưu tiên chính sách của riêng mình. Với Hàn Quốc, ưu tiên này là Triều Tiên.

Han Quoc gia nhap Bo tu anh 1

Gia nhập Bộ tứ có thể ảnh hưởng tới nỗ lực lôi kéo Trung Quốc thúc đẩy cải thiện quan hệ liên Triều. Ảnh: Reuters.

Chính sách đối ngoại của chính quyền Moon Jae In ưu tiên cải thiện quan hệ với Triều Tiên là cách để thúc đẩy phi hạt nhân hóa và duy trì hòa bình lâu dài trên bán đảo.

"Chừng nào Triều Tiên còn nằm ở trung tâm chính sách đối ngoại của Hàn Quốc, Seoul sẽ vẫn cần duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc - đối tác lớn nhất của Triều Tiên. Điều này giải thích lý do Seoul lúc này duy trì chính sách tương đối mềm mỏng với Bắc Kinh", Kuyoun Chung, chuyên gia từ Đại học Kangwon, bình luận.

Năm 2016, người tiền nhiệm của ông Moon là bà Park Geun Hye từng cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. Trung Quốc khi đó đáp trả bằng một loạt biện pháp kinh tế cứng rắn, trong đó có hạn chế du lịch, khiến nền kinh tế Hàn Quốc điêu đứng.

Đòn trừng phạt năm 2016 cho thấy nền kinh tế Hàn Quốc dễ bị tổn thương đến mức nào nếu va chạm với Trung Quốc.

Mới đây, Trung Quốc cũng đề nghị Hàn Quốc tham gia sáng kiến an ninh dữ liệu toàn cầu do Bắc Kinh bảo trợ, một cách nhằm giữ Seoul không tham gia sáng kiến về mạng lưới an ninh của Mỹ.

Bài toán vaccine

Dù vậy, chính phủ Hàn Quốc vẫn để ngỏ khả năng hợp tác với Bộ Tứ, bởi xu hướng chống Trung Quốc ở mức cao trong xã hội nước này.

Seoul cho biết chưa từng nhận được đề nghị chính thức gia nhập Bộ Tứ. Tuy nhiên, trong bối cảnh Mỹ liên tục đề nghị trợ giúp, Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ dần ngả về phía tham gia một số hoạt động hợp tác với Bộ Tứ.

Dĩ nhiên, sự tham gia của Hàn Quốc với Bộ Tứ cũng đòi hỏi nhượng bộ từ Washington.

Tổng thống Moon Jae In muốn chính quyền ông Biden theo đuổi cách tiếp cận tích cực trong vấn đề Triều Tiên và sớm quay trở lại bàn đàm phán vấn đề phi hạt nhân hóa với Bình Nhưỡng.

Kế hoạch đầu tiên của nhà lãnh đạo Hàn Quốc là đề nghị Tổng thống Biden tiếp tục tôn trọng và thực hiện theo thỏa thuận chung mà người tiền nhiệm Donald Trump đạt được với nhà lãnh đạo Kim Jong Un hồi tháng 6/2018 ở Singapore.

Thỏa thuận giữa hai ông Trump - Kim nêu rõ Bình Nhưỡng "cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên".

Nếu Triều Tiên thực sự theo đuổi hướng đi này, Hàn Quốc sẽ tìm cách thuyết phục Mỹ chấp nhận phi hạt nhân hóa theo từng giai đoạn, bao gồm dỡ bỏ từng phần các lệnh cấm vận quốc tế như một cách khích lệ Bình Nhưỡng.

Han Quoc gia nhap Bo tu anh 2

Vấn đề vaccine sẽ ảnh hưởng tới chính sách của Hàn Quốc đối với Bộ tứ. Ảnh: Reuters.

Hỗ trợ vaccine Covid-19 cho Hàn Quốc cũng sẽ nằm trong chương trình nghị sự cuộc hội đàm ngày 21/5.

Lúc này, Tổng thống Moon Jae In đang đứng trước làn sóng chỉ trích của phe đối lập bởi nỗ lực mua vaccine tiến triển chậm chạp. Hàn Quốc đặt mục tiêu 70% dân số được nhận liều vaccine đầu tiên vào tháng 9. Nhưng với tốc độ tiêm chủng hiện nay, kế hoạch này nhiều khả năng sẽ đổ bể.

Mỹ đã bắn tín hiệu cho biết sẽ ưu tiên hỗ trợ vaccine cho các nước Bộ Tứ. Washington được cho là sẽ quyết định số liều vaccine hỗ trợ cho Hàn Quốc dựa trên thái độ của Seoul cũng như mức độ hợp tác với Bộ tứ.

Số liều vaccine mà Hàn Quốc nhận được, dù là viện trợ của Mỹ hay thu mua từ các nhà sản xuất quốc tế, sẽ có tác động rất lớn tới cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra đầu năm 2022.

Một số chuyên gia tin rằng Tổng thống Moon Jae In cuối cùng sẽ phải tăng cường hợp tác với Bộ Tứ vì các tính toán và sức ép chính trị nội bộ.

Hiện nay, Hàn Quốc cũng đang chuẩn bị hợp tác với Mỹ trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Các lãnh đạo của hai tập đoàn lớn là Samsung Electronics và SK Hynix sẽ tháp tùng Tổng thống Moon tới Washington.

Nhóm tháp tùng ông Moon dự kiến tham dự một cuộc họp tại Bộ Thương mại Mỹ để thảo luận về kế hoạch cho các khoản đầu tư và ổn định nguồn cung.

Nếu Hàn Quốc xích lại gần hơn với Bộ Tứ, phản ứng từ Trung Quốc sẽ là khó tránh khỏi.

Triều Tiên cảnh báo truyền đơn của Hàn Quốc chứa nCoV

Triều Tiên cảnh báo người dân trong nước tránh xa các truyền đơn do phía Hàn Quốc phát tán qua biên giới vào ngày 6/5, cho rằng chúng có thể mang virus corona.

Số người chết vì Covid-19 ở Malaysia tăng kỷ lục

Malaysia ghi nhận 44 người chết vì Covid-19 ngày 15/5, đánh dấu ngày có nhiều ca tử vong nhất ở nước này kể từ đầu đại dịch.

Tổng thống Biden đề nghị Israel ngừng tấn công Dải Gaza

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 17/5, Tổng thống Joe Biden cho biết ông ủng hộ một lệnh ngừng bắn giữa quân đội Do Thái và lực lượng Hamas.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm