Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Vì sao ông Biden chưa lật ngược chính sách của ông Trump ở Israel?

Dù từng chỉ trích ông Donald Trump, Tổng thống Mỹ Joe Biden tới nay vẫn chưa đảo ngược các quyết sách gây tranh cãi của người tiền nhiệm trong vấn đề Israel - Palestine.

Israel khong kich Gaza anh 1

Trong những ngày cuối nhiệm kỳ năm 2016, cựu Tổng thống Barack Obama ra một quyết định ít người có thể hình dung. Khi đó, thay vì phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an lên án việc Israel mở rộng các khu định cư người Do Thái ở Bờ Tây và Đông Jerusalem, Washington đã bỏ phiếu trắng.

Vài ngày sau khi nghị quyết này được thông qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo số phận của giải pháp "hai nhà nước cùng tồn tại" ngày càng mong manh, nếu các khu định cư Do Thái tiếp tục ăn sâu vào lãnh thổ của người Palestine.

"Chúng ta không thể bảo vệ và hỗ trợ Israel nếu giải pháp hai nhà nước bị hủy hoại ngay trước mắt", ông Kerry tuyên bố, theo New York Times.

Suốt 4 năm dưới thời cựu Tổng thống Trump, Washington cơ bản làm ngơ trước các khu định cư Do Thái. Ông Trump ca tụng Thủ tướng Benjamin Netanyahu là một trong những lãnh đạo nước ngoài mà mình ưa thích.

Hành động của chính quyền Trump càng thôi thúc Israel mở rộng thêm các khu định cư.

Israel khong kich Gaza anh 2

Cựu Tổng thống Trump ủng hộ mạnh mẽ các chính sách của chính quyền Thủ tướng Netanyahu. Ảnh: Reuters.

Sau khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Biden đứng trước một loạt lựa chọn phức tạp. Đầu tiên, ông phải đánh giá bước đi nào của người tiền nhiệm có thể đảo ngược, bước nào thì không.

Tiếp đến, Nhà Trắng cần xác định sẽ im lặng đến bao lâu, trong bối cảnh các khu định cư Do Thái càng ngày càng mở rộng. Và cuối cùng, liệu giải pháp "hai nhà nước" có còn khả thi?

Tới nay, ông Biden vẫn ngần ngại phải tham gia vào cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Điều này đồng nghĩa chính quyền mới của Mỹ hầu như chưa làm gì nhiều để đảo ngược tình hình các khu định cư Do Thái mở rộng, hay phản đối các cuộc không kích của Israel vào Dải Gaza.

Đến nay, quan điểm của Tổng thống Biden là hành động quân sự của Israel chính đáng, bởi Hamas đã tấn công trước khi bắn hàng nghìn quả rocket qua biên giới.

"Tôi mong đợi và hy vọng rằng cuộc xung đột sớm muộn cũng sẽ kết thúc, nhưng Israel có quyền tự vệ chính đáng, khi họ hứng chịu hàng nghìn quả rocket bắn vào lãnh thổ", Tổng thống Biden tuyên bố.

Tại Liên Hợp Quốc, Mỹ liên tiếp ngăn cản nỗ lực của một số nước muốn thông qua nghị quyết kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức.

Hôm 17/5, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Netanyahu, Tổng thống Biden lần đầu cho biết ông ủng hộ ngừng bắn. Tuy nhiên, ông Biden chỉ đề nghị chấm dứt các cuộc không kích của Israel vào Dải Gaza cũng như việc Hamas tấn công bằng rocket.

Đại sứ quán Mỹ ở Jerusalem

Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, có lẽ một trong những quyết định được cho là "thiên vị" nhất đối với Israel là chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem, đồng nghĩa công nhận thánh địa này là thủ đô của nhà nước Do Thái.

Jerusalem, nơi ba cộng đồng Hồi giáo, Do Thái giáo và Thiên chúa giáo chung sống, sẽ là vấn đề gai góc trong mọi cuộc đàm phán về giải pháp hai nhà nước.

Những người ủng hộ thành lập nhà nước Palestine từ lâu tuyên bố quyền kiểm soát Đông Jerusalem là không thể mặc cả.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Biden tuyên bố việc Tổng thống Trump dời đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem là hành động "thiển cận". Nhưng đồng thời, ông Biden cũng thừa nhận sẽ không đưa đại sứ quán trở lại Tel Aviv.

Israel khong kich Gaza anh 3

Đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv. Ảnh: Reuters.

"Di dời đại sứ quán trở lại sẽ rất phức tạp, ông ấy sẽ phải bỏ ra nhiều vốn liếng chính trị", Lara Friedman, chủ tịch Quỹ Hòa bình Trung Đông, nhận xét.

Bà Friedman tin rằng chính quyền Tổng thống Biden đã thừa hưởng một chính sách thiên lệch về phía Israel. Và giờ đây, khi chính quyền Israel của Thủ tướng Netanyahu ngày càng mạnh tay đối với người Palestine, chính sách ấy khó mà tiếp tục đứng vững.

Tình hình ở Dải Gaza biến chuyển quá nhanh. Lúc này, việc thảo luận về giải pháp "hai nhà nước" là điều khó tưởng tượng, theo ông Yousef Munayyer, chuyên gia từ Trung tâm Arab tại Washington.

"Chính quyền ông Trump về cơ bản đã chôn vùi tương lai của giải pháp 'hai nhà nước', còn ông Biden vẫn chưa thể tìm được hướng đi cho tương lai", ông Munayyer cho biết.

Cao nguyên Golan và các khu định cư

Hồi tháng 3/2019, cựu Tổng thống Trump chính thức thừa nhận chủ quyền đối với cao nguyên Golan, vùng đất mà quân đội Do Thái chiếm từ tay Syria sau cuộc chiến tranh năm 1967.

Động thái của ông Trump khi đó vấp phải sự phản đối của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong khi không đồng minh nào của Mỹ ủng hộ - trừ Israel.

Trong nước, các chính trị gia Dân chủ nói quyết định của ông Trump đi ngược lại luật pháp quốc tế, vốn không thừa nhận chủ quyền hình thành dựa trên chiếm đóng bằng vũ lực.

Trong tuyên bố năm 2019, Thủ tướng Netanyahu và ngoại trưởng Mỹ khi đó là ông Mike Pompeo dường như mở ra một khái niệm mới trong nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực của luật pháp quốc tế.

"Khi họ thừa nhận chủ quyền tại cao nguyên Golan, họ muốn tạo ra một nguyên tắc mới trong luật pháp quốc tế, rằng một quốc gia có thể giữ lại phần đất họ đã giành được thông qua chiến tranh tự vệ - nếu được Mỹ đồng ý. Nếu theo cách lập luận ấy, Israel cũng có thể giữ lại Bờ Tây", bà Friedman nói.

Israel khong kich Gaza anh 4

Xe tăng Israel nã pháo vào vị trí lực lượng Hamas ở Dải Gaza. Ảnh: New York Times.

Chính quyền Tổng thống Biden cho thấy họ không có ý định đảo ngược những gì đã diễn ra dưới thời Trump.

Hồi tháng 2, Ngoại trưởng Antony Blinken tuyên bố việc kiểm soát cao nguyên Golan "thực sự quan trọng với an ninh của Israel". Ông Blinken cho biết Washington chưa có ý định xem xét lại bước đi hồi năm 2019 của chính quyền Trump.

Dưới thời ông Trump, đại sứ Mỹ tại Israel lần đầu tiên tới thăm khu định cư Do Thái ở Bờ Tây. Trước đó, Washington chưa từng cử quan chức tới các khu định cư Do Thái, nhằm tránh công nhận tính hợp pháp của những khu định cư.

Tổng thống Biden từng lên án các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây, nơi người Palestine coi là lãnh thổ không thể thiếu của nhà nước tương lai.

Tuy nhiên, ông Biden đến nay chưa có hành động thực sự để ngăn Tel Aviv tiếp tục mở rộng các khu định cư, tương tự những người tiền nhiệm.

Chuyên gia Munayyer cho rằng việc chính quyền Biden không hành động chẳng khác nào gián tiếp ủng hộ Israel tiếp tục xâm lấn phần đất của người Palestine.

"Chính sách của Mỹ, bất kể là của chính quyền Clinton, Bush, Obama, hay Trump, đều khuyến khích xu hướng thiên hữu hóa trong nền chính trị Israel, bởi không đe dọa hậu quả (cho việc mở rộng các khu định cư Do Thái)", ông Munayyer bình luận.

Mỹ bán lô vũ khí khổng lồ cho Israel

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã phê chuẩn hợp đồng bán vũ khí dẫn đường chính xác cao cho Israel trị giá 735 triệu USD.

Tổng thống Biden đề nghị Israel ngừng tấn công Dải Gaza

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 17/5, Tổng thống Joe Biden cho biết ông ủng hộ một lệnh ngừng bắn giữa quân đội Do Thái và lực lượng Hamas.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm