“Chạy nhanh lên, sắp tới 18h rồi!”
Một shipper la lớn với đồng nghiệp khi đang lao đi trên đường Trường Sa.
Buổi chiều trở nên vội vàng hơn kể từ khi thành phố siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch. Trước 18h mỗi ngày, nếu còn đơn hàng các shipper phải tranh thủ giao thật sớm. Một số người chọn phương án tắt app từ 15h để thong thả trở về nhà.
"Người dân lo nhiễm 1 thì anh em shipper sợ gấp 10 lần"
“Chị ơi, em tới trước chốt phong tỏa rồi, chị ra nhận hàng giúp em”, kết thúc cuộc điện thoại, shipper Hoàng Phong đặt túi rau củ lên bàn để người trực chốt phun khử khuẩn, rồi đứng đợi.
Bén duyên với công việc giao hàng từ đầu năm 2020, Hoàng Phong cho biết anh chưa từng phải đối mặt với giai đoạn làm việc nào căng thẳng như hiện tại. “Nếu người dân ở trong nhà lo sợ lây nhiễm 1, thì anh em shipper chúng tôi sợ gấp 10 lần”, Phong nói.
Mỗi ngày, các shipper như Phong phải tiếp xúc với hàng chục con người, chưa kể việc di chuyển liên tục từ khu vực này sang khu vực khác, khiến rủi ro về dịch bệnh tăng cao hơn.
Hôm qua tôi vừa đến bệnh viện 175 để xét nghiệm, đây là lần thứ 6 rồi, riết rồi mũi mất cảm giác.
Shipper Hữu Khoa
Để bảo vệ chính mình, Phong và các đồng nghiệp của anh cố gắng giữ khoảng cách với khách hàng, treo sẵn trên xe 1 bình xịt cồn sát khuẩn, thường xuyên rửa tay và luôn luôn mang khẩu trang.
Sắm thêm 1 tấm kính chắn giọt bắn, Hoàng Danh nói: “Bảo vệ cho mình là bảo vệ cho khách hàng và người thân của mình”. Hiểu rõ những nguy cơ của nghề nghiệp, mỗi buổi tối sau khi kết thúc công việc anh hạn chế tiếp xúc với người nhà, sát khuẩn và bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng.
Hoàng Danh nỗ lực bảo vệ bản thân khi làm việc trong thời điểm dịch bệnh phức tạp. Ảnh: Toàn Nguyễn. |
Để có thể hoạt động trong thời gian này, ngoài giấy thông hành tài xế giao hàng cần có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Anh Hữu Khoa chia sẻ: “Hôm qua tôi vừa đến bệnh viện 175 để xét nghiệm, đây là lần thứ 6 rồi, riết rồi mũi mất cảm giác”.
Đối diện với rủi ro dịch bệnh, những ngày gần đây shipper còn đối diện với nỗi lo từ các chốt kiểm dịch. Sự thiếu nhất quán trong định nghĩa “hàng hóa thiết yếu” khiến nhiều tài xế ngỡ ngàng khi nhận giấy phạt.
“Nhiều người nghĩ rằng shipper đi làm trong mùa dịch thì tiền nhiều lắm. Trên thực tế, số tiền chúng tôi kiếm được đôi khi không bằng thời điểm dịch chưa bùng phát”, anh Khoa cho biết nguyên nhân là vì hàng quán đóng cửa, tài xế mất đi nguồn thu lớn từ việc giao đồ ăn, thức uống; đồng thời lượng shipper chuyển sang giao hàng nhiều hơn, đơn hàng cũng được chia đều cho mọi người.
Lúng túng giữa "rừng" quy định
Kể từ 0h ngày 9/7, đóng cửa tất cả hàng quán bán mang về. Tài xế giao hàng được phép hoạt động tuy nhiên phải có giấy thông hành qua ứng dụng và giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Kể từ 18h ngày 26/7, người dân TP.HCM hạn chế ra đường sau 18h mỗi ngày. Đồng nghĩa các shipper chỉ hoạt động từ 6h đến 18h mỗi ngày.
Cũng từ ngày 26/7, mỗi shipper chỉ được hoạt động trên 1 địa bàn quận, huyện, TP Thủ Đức. Đồng thời phải có bảng tên và đeo băng tay nền xanh đậm có chữ “shipper”.
Ngày 29/7, cho phép shipper di chuyển liên quận, huyện và TP Thủ Đức khi vận chuyển hàng hóa thiết yếu cho người dân trong các khu phong tỏa, khu cách ly, cơ sở y tế, cơ sở thu dung, cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19.
Thành phố liên tục thay đổi các quy định về hoạt động của shipper để phù hợp với biện pháp chống dịch. Ảnh: Duy Hiệu. |
Trong một thời gian ngắn, quy định về hoạt động của shipper ở TP.HCM liên tục được thay đổi nhằm phù hợp với các biện pháp chống dịch của thành phố. Tuy nhiên, việc này khiến các tài xế không khỏi lúng túng.
Anh Vũ An (45 tuổi) kể: “Bữa đầu tiên giãn cách, tôi nhịn đói từ trưa đến tối vì không tìm được chỗ nào bán thức ăn”. Được đồng nghiệp hướng dẫn, ngày hôm sau người đàn ông tìm đến các cửa hàng tiện lợi để mua mì ăn liền.
Bữa đầu tiên giãn cách, tôi gần nhịn đói từ trưa đến tối vì không tìm được chỗ nào bán thức ăn.
Shipper Vũ An
Tốc độ giao hàng trong mùa giãn cách cũng là một thử thách không nhỏ. Đặc biệt đối với các nhân viên công ty giao hàng. Hoàng Danh cho biết anh phải chịu áp lực thời gian đến kho hàng, rồi từ kho giao cho khách.
“Có khi giao 1 đơn hàng, mà phải đi qua 3-4 chốt kiểm dịch, mà chốt nào cũng dừng lại để kiểm tra giấy tờ. Nếu trễ thời gian công ty quy định, chúng tôi bị phạt 50.000 đồng/đơn”, Danh chia sẻ.
Cuộc chạy đua với thời gian càng trở nên cam go, khi shipper chỉ được phép hoạt động từ 6h - 18h mỗi ngày.
Xương sống của thành phố những ngày phong tỏa
Hơn 1 tháng nay, nhiều người dân TP.HCM hầu như không ra khỏi nhà, họ mua sắm các nhu yếu phẩm và lương thực thông qua kênh mua sắm online. Hơn ai hết người dân hiểu tầm quan trọng của các shipper.
Chị Quỳnh Ngân cho biết khi thành phố liên tục áp dụng giãn cách điều chị quan tâm nhất là các shipper có bị siết chặt hoạt động hay không. “Shipper thật sự quan trọng với tôi vào thời điểm này. Nếu họ không hoạt động, buộc tôi phải ra ngoài mua lương thực”, chị nói.
Đồng quan điểm, anh Nguyễn Nam, chủ cửa hàng kinh doanh online ở Bình Thạnh cho biết các cửa hàng online phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động của tài xế giao hàng.
Anh Võ Thanh Tuấn cho biết anh tuyệt đối không tiếp xúc với ai trong quá trình làm việc để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình. Ảnh: Toàn Nguyễn. |
Bảo vệ chuỗi cung ứng hàng hóa được xem là át chủ bài để thành phố vừa chống dịch vừa đảm bảo cuộc sống người dân và duy trì kinh tế. Tuy nhiên, lực lượng shipper - mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng - lại chưa được đánh giá đúng tầm.
Không ít tài xế giao hàng mong muốn sớm được tiêm vaccine, để an tâm hơn trong công việc. Hoàng Danh nói: “Tôi làm việc cả ngày ngoài đường, sợ bị lây nhiễm lắm chứ. Chỉ mong được tiêm vaccine càng sớm càng tốt”.
Bình luận