Buổi sáng đầu tháng 7, ông Minh Quân bê chiếc bàn nhỏ ra trước cửa nhà, ngồi hóng mát. Con đường Trường Sa vốn nhộn nhịp nay lác đác vài chiếc xe. Phía bờ kè giăng chằng chịt dải băng cảnh báo trên những hàng cây. Nhìn quang cảnh thành phố đìu hiu đến xa lạ, người đàn ông 56 tuổi không khỏi buồn rầu.
Lát sau, bà Bé bưng ra 2 ly cà phê, ngồi cạnh chồng. Vợ ông Quân trầm tư: “Nhanh quá, hơn 1 tháng giãn cách rồi. Hồi đó xe chạy đông thì thấy ồn ào, mấy bữa nay vắng lặng quá, tự nhiên thấy không quen”.
Kể từ khi dịch Covid-19 tái bùng phát cuối tháng 5, TP.HCM có hơn 5.000 ca nhiễm, trên 40.000 người đang được cách ly và hơn 500 điểm bị phong tỏa. Đầu tàu kinh tế đứng trước nhiều thách thức khi trở thành ổ dịch lớn thứ 2 cả nước, chỉ sau Bắc Giang.
Cố lên!
“Từ 0h ngày 31/5, toàn thành phố giãn cách xã hội, riêng Gò Vấp và phường Thạnh Lộc ở quận 12 bị phong tỏa”, cậu con trai thông báo cho mẹ, trong lúc đọc bản tin trên điện thoại.
Năm ngoái, khi cả nước thực hiện giãn xã hội, gia đình bà Bạch Liên tức tốc mua 10 thùng mì ăn liền, cùng nhiều thực phẩm đóng hộp, vì lo chợ và siêu thị sẽ đóng cửa. Rút kinh nghiệm, lần này bà chọn mua những món đồ thật sự cần thiết.
Chiều 30/5, siêu thị Emart (Gò Vấp) chật kín người đến mua sắm. Hai mẹ con bà Liên cực nhọc chen vào dòng người để chọn những món đã ghi chú. Bất chấp khuyến cáo không tụ tập quá 10 người nơi công cộng, lượng người đổ về siêu thị mỗi lúc một đông.
Hình ảnh đối lập trong ngày đầu giãn cách ở TP.HCM. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Sáng 31/5, TP.HCM bước vào ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội. Đô thị bắt đầu vắng vẻ, khác với cảnh tấp nập người trên đường sáng thứ 2 thường nhật.
Tuy nhiên, ùn tắc lại xuất hiện tại cửa ngõ ra vào Gò Vấp. Cảnh tượng người xe chật kín tại các chốt kiểm dịch, khiến nhiều người lâm vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan. Sau đó rào chắn được tạm gỡ để dòng xe thông qua chốt. Những ngày sau đó người dân ra vào quận Gò Vấp làm quen với việc khai báo y tế, tình trạng ùn tắc được khắc phục.
Liên tiếp những ngày đầu tháng 6, người dân TP.HCM, đặc biệt ở các phường trên địa bàn quận Gò Vấp bắt đầu được xét nghiệm tầm soát.
“Chị hai cố lên, không có gì đáng sợ hết. Cố lên!”.
Bé gái 4 tuổi động viên chị đang chuẩn bị được lấy mẫu. Trước sự cỗ vũ nhiệt tình của em, cô chị tỏ ra tự tin hơn, nhắm mắt lại để chiếc tăm bông từ từ đưa vào mũi. Xong xuôi, cô bé chạy ra chỗ bố mẹ đang đứng đợi. Đến lượt em gái được lấy mẫu, chị gái không quên tiếp sức: “Cố gắng lên Mây, không đau đâu Mây”.
Khu vực lấy mẫu sáng đèn đến tận 1h hôm sau, ai nấy rã rời sau một ngày đẫm mình trong chiếc áo bảo hộ. Dẫu vậy, ngày hôm sau mọi người lại có mặt đúng giờ để tiếp tục công việc.
"Chúc bình an"
Trung tuần tháng 6, TP.HCM liên tiếp ghi nhận nhiều ca nhiễm trong ngày. Số dãy trọ, khu dân cư bị phong tỏa mỗi lúc một tăng. Hầu hết công việc của người dân bị đình trệ, thu nhập giảm đáng kể.
Lúc ngặt nghèo, có thể sẻ chia với nhau là chuyện nên làm.
Ông Nguyễn Đức Dương
Trong con hẻm 607 đường Tân Sơn (phường 12, Gò Vấp), ông Nguyễn Đức Dương tất bật sắp xếp từng bao gạo lên xe đẩy, để phân phát cho từng hộ trong xóm trọ.
Người chủ nhà 51 tuổi trăn trở tìm cách san sẻ với mọi người, ông quyết định hỗ trợ mỗi gia đình trong khu trọ 10 kg gạo, một số nhu yếu phẩm và 500.000 đồng. Với ông Dương, nghĩa cử đó không phải điều to tát, đáng kể. "Lúc ngặt nghèo, giữa đất khách quê người có thể sẻ chia với nhau là chuyện nên làm”, ông nói.
Ông Dương trao quà cho từng hộ dân trong khu nhà trọ. Ảnh: Chí Hùng. |
Không ít chủ nhà trọ sẵn sàng giảm 50%, thậm chí miễn tiền phòng cho người thuê. Bên cạnh đó, hàng loạt chương trình thiết thực được tổ chức nhằm giảm gánh nặng cho người dân trong khu vực phong tỏa. Tại phường Trung Mỹ Tây (quận 12), những chương trình như "Phiên chợ 0 đồng", ATM gạo, "Đi chợ giúp dân" được duy trì nhằm hỗ trợ hộ dân trong vùng phong tỏa.
Khắp ngả đường phố xuất hiện nhiều điểm tiếp tế lương thực với lời chào: “Tủ lạnh cộng đồng. Miễn phí rau, thịt. Ai cần xin tự nhiên lấy, ai dư xin mời ủng hộ”, “Đặc sản ATM lướt ống. Xin hân hạnh được phục vụ trong mùa dịch. Xin mời và chúc bình an”, “Khoai lang tím bà con Đồng Tháp ủng hộ Sài Gòn”...
"Chúng tôi sắp kiệt sức rồi"
Ngày 13/6, nhận định dịch bệnh còn phức tạp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo TP tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng. Riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) nới lỏng từ Chỉ thị 16 xuống 15.
Bước sang đợt giãn cách thứ 2, tình trạng phát hiện F0 qua công tác tầm soát ngày một tăng. Người dân thành phố đối diện với một thực tế có thể bị cách ly hoặc phong tỏa khu vực dân cư bất cứ lúc nào
Biết đến bao giờ mới được ổn định cuộc sống, kinh tế. Chúng tôi sắp kiệt sức rồi.
Chị Thanh Mai
Sáng 14/6, chị Kiều Linh đến cửa hàng trên đường Trần Quang Khải (quận 1) để sửa điện thoại. Chiều hôm đó, chị quay lại theo lịch hẹn của nhân viên thì nhìn thấy cửa hàng đã bị phong tỏa. Không lâu sau, báo chí đăng tin tìm người đến các chi nhánh cửa hàng điện thoại này. Sau khi thông báo cho y tế phường và xét nghiệm, chị Linh được đưa đến khu cách ly tập trung.
Vượt qua 2 lần xét nghiệm, cuối cùng chị Linh được trở về nhà. “Chỉ thời gian ngắn, tôi trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Lo lắng, hồi hộp rồi lại mừng vui. Sẽ nhớ mãi sự quan tâm của các y bác sĩ trong khu cách ly. Ai nấy cũng vất vả lắm rồi”, chị kể.
Trước khi rời khỏi khu cách ly, các anh dân quân vẫy tay chào: "Hẹn gặp nhau ngoài đường, đừng gặp lại ở nơi như thế này nhé".
Bên cạnh đó, hàng nghìn người dân ở khu phong tỏa còn đối mặt với tình trạng cách ly chồng cách ly. Điển hình là cư dân ở chung cư Ehome 3 (phường An Lạc, quận Bình Tân). Ngày 30/5, block A6 của chung cư bị phong tỏa do phát hiện 2 ca nhiễm liên quan đến chuỗi lây điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng.
Tiếp đó, ngày 5/6, block A3, A4 bị phong tỏa sau khi ghi nhận ca chỉ điểm của chuỗi lây nhiễm. Đến 13/6, ngành y tế phát hiện thêm 4 ca nhiễm trong cùng một gia đình ở block A9, toàn bộ chung cư bị phong tỏa đến ngày 27/6.
Chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn của thành phố mang lại niềm hy vọng cho người dân. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Ngày 20/6, quận Bình Tân quyết định phong tỏa toàn khu phố 2, 3, 4 (phường An Lạc) trong đó có Ehome 3, nghĩa là thời gian cách ly của cư dân tại chung cư này phải kéo dài đến ngày 4/7.
Chưa dừng tại đó, ngày 27/6, 2 trường hợp nghi nhiễm được phát hiện ở khu vực này, cư dân Ehome 3 thêm một phen lo lắng. Chị Thanh Mai trăn trở: “Không biết đến bao giờ mới được gỡ phong tỏa, để còn ổn định cuộc sống, kinh tế. Chúng tôi sắp kiệt sức rồi”.
Tiền nợ vẫn chưa trả hết, phí sinh hoạt thì tăng cao, tôi gần như kiệt quệ.
Anh Trí Nghĩa
Giữa chuỗi ngày xám xịt, chiến dịch tiêm vaccine cho người dân như một điểm sáng đầy hy vọng. Đợt tiêm chủng lớn nhất của thành phố với tốc độ triển khai thần tốc trong 7 ngày (20-27/6) được kỳ vọng là bước ngoặt lớn trên lộ trình miễn dịch cộng đồng.
Ngày 20/6, hàng nghìn công nhân ở TP.HCM được tiêm vaccine Covid-19. Đăng Khoa (36 tuổi) tỏ ra lạc quan, anh nói: "Hiện nay các khu công nghiệp có nguy cơ lây nhiễm rất cao, tôi được tiêm vaccine nên cảm thấy an tâm hơn”.
Trải qua 30 ngày, người dân thành phố bắt đầu làm quen với nhịp sống giãn cách. Mặt khác, mọi người bắt đầu đối diện với những áp lực về kinh tế, cuộc sống.
Người lao động thu nhập thấp, người già neo đơn là những nhóm người dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, không có nghĩa những tầng lớp dân cư khác không gặp khó khăn. Lao động trẻ mất việc, lao động nhập cư, doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh... đang "thấm đòn" với Covid-19.
Anh Trí Nghĩa (35 tuổi) vốn là hướng dẫn viên du lịch nhưng bị mất việc từ giữa năm 2020. Để có thu nhập trang trải cuộc sống và chăm sóc bố mẹ, anh chuyển sang phụ bán cà phê và kinh doanh online. Tuy nhiên, kể từ khi thực hiện cách ly xã hội, quán xá đóng cửa, kinh doanh ế ẩm, thu nhập của anh giảm đáng kể.
“Nhà tôi mới sửa hồi đầu năm, giờ tiền nợ vẫn chưa trả hết. Phí sinh hoạt thì tăng cao. Tôi gần như kiệt quệ”, anh buồn rầu nói.
Trong căn nhà cấp 4 ở Bình Thạnh, chị Lê Hồng sống cùng bố mẹ đã trên 70 tuổi và một con nhỏ. Thất nghiệp hơn 2 tháng nay, người mẹ đơn thân loay hoay với hàng tá chi phí. Đọc thông tin thành phố tiếp tục thực hiện Chỉ thị 10 sau ngày 29/6, chị nửa đùa nửa thật nói: “Trước đây ở TP.HCM sợ nhất kẹt xe, giờ giãn cách chỉ sợ kẹt tiền".
Bình luận