Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Vaccine nghĩa tình' của người Sài Gòn giữa vùng phong tỏa

Nhờ cô hàng xóm chăm sóc, Xù đã sinh hai chú cún xinh xắn khi chủ nhà đi cách ly. Bé Nguyên nhớ thương ba nhiều nhưng nén lòng lại để ba yên tâm làm việc trên tuyến đầu chống dịch.

tinh nguyen vien vung dich anh 1

"Hôm nay sinh nhật của con, mẹ mua cho con cái bánh kem có hình chú mèo xinh xắn. Con số 10 tròn trĩnh lấp lánh. Mẹ thổi nến cùng con và nói "con ước đi". Ngay lúc này đây, con ước dịch bệnh qua nhanh không có ca nhiễm mới để ba về với con. Nhớ ba quá!".

Tân Phú, 28/5/2021

"Ngày 1/6: Ba vẫn chưa về nhà. Mẹ đưa cho con xem ảnh ba trong bộ đồ bảo hộ màu xanh, ẩn sau chiếc khẩu trang là đôi mắt mệt mỏi, chắc ba thức đêm nhiều. Thương ba!

Chiều nay, mẹ chuẩn bị nhiều thức ăn, mẹ bảo ba sẽ về vì hôm nay là ngày của con gái... Mẹ dọn mâm lên bàn và nói ba đang đi trên đường, 5 phút nữa ba về. Con bật nhạc lên nhảy múa, chờ đợi. Điện thoại của mẹ reo. "Ba gọi". Nhưng chỉ nghe mẹ "dạ dạ" rồi cúp máy. "Ba gần tới nhà, giờ quay lại trạm rồi vì có ca nhiễm mới"...

Tân Phú, 1/6/2021

tinh nguyen vien vung dich anh 2

Nhật ký xa bố của Thảo Nguyên. Ảnh: Trung tâm y tế quận Tân Phú.

Dòng nhật ký được Thảo Nguyên viết nắn nót bằng mực tím trên trang giấy học trò, nhiều đoạn điểm xuyết một chiếc nơ hay đóa hoa, là tâm tư của cô con gái 10 tuổi gửi đến bố đang công tác tại Trạm y tế phường Sơn Kỳ (quận Tân Phú). Dù Trạm chỉ cách nhà vỏn vẹn 2 km, nhưng tình hình dịch bệnh phức tạp, hai bố con Thảo Nguyên đã hơn 1 tuần chưa gặp nhau.

Nhớ bố rất nhiều, Thảo Nguyên vẫn luôn vui tươi để bố yên tâm công tác. Em viết: "Nhưng con không thể ích kỷ, con hiểu mọi người đang cần ba và các cô chú. Ba và các cô chú vững vàng lên nhé!".

“Đừng đi, nguy hiểm lắm!”

Tình cờ nhìn thấy mẩu tin tuyển tình nguyện viên hỗ trợ các điểm cách ly trong thành phố, Thiên Ân đắn đo hồi lâu rồi quyết định đăng ký. Sáng hôm sau cô nói chuyện này với bố mẹ. Mẹ giận lắm.

“Trời ơi, bệnh này nguy hiểm chết người. Bố mẹ không cho phép con đi!”, giọng mẹ đanh thép.

Thiên Ân trở về phòng, trong lòng ngổn ngang suy nghĩ. Mẹ nói có lý, đang yên đang lành tự nhiên đến vùng dịch, rồi không may mắc bệnh phải làm sao. Nhưng nhớ đến câu chuyện của vị bác sĩ 80 tuổi viết thư tham gia chống dịch, Ân vững tâm với lựa chọn của mình, cô gái 19 tuổi quyết định sẽ… lén đi hỗ trợ vùng dịch.

tinh nguyen vien vung dich anh 3

Các tình nguyện viên trẻ, đa phần là học sinh, sinh viên độ tuổi mười chín, đôi mươi. Ảnh: Hà Vĩnh Thành.

Hôm 4/6, Ân hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm ở quận 12. Gần 23h công việc kết thúc, một mình chạy xe từ quận 12 về nhà ở Bình Thạnh, cô bị lạc đường.

Từ ngày giãn cách, đường khuya trở nên vắng vẻ, im lìm. Đi một đoạn dài, Ân mới thấy chốt giao thông để hỏi đường. Thế rồi lại đi lạc. May mắn có anh tài xế công nghệ hộ tống Ân từ quận 12 về đến nhà an toàn.

Đến nhà đã gần 1h khuya. Ân bất ngờ khi thấy đèn trong nhà còn sáng. Bố mẹ vẫn thức đợi, mẹ nói: “Con cố gắng vì mọi người, nhưng phải giữ gìn sức khỏe, nghen”, giọng mẹ nhỏ xíu trong đêm.

Hai chú cún chào đời trong hẻm phong tỏa

"Chị không thể vào trong!", chú dân phòng đưa tay chặn lại, trong lúc chị Khả Hân bối rối hướng mắt về phía căn nhà phía cuối hẻm 178/18 Bình Quới (Bình Thạnh).

"Đó là nhà em gái tôi, cả gia đình nó vừa được đưa đi cách ly tập trung dưới Củ Chi. Trong nhà còn 6 con chó và mấy con ngỗng, có cách nào giúp tụi nó không anh?", chị Hân không giấu được sự lo lắng.

Cuối tháng 5/2021, gia đình em gái chị Hân được đưa đến khu cách ly tập trung, vì di chuyển khá gấp nên 6 chú chó cùng mấy con ngỗng không kịp gửi cho ai chăm sóc. Ngay khi biết được thông tin, chị Hân lập tức đến nhà em gái, tuy nhiên con hẻm đã bị phong tỏa.

Đứng hồi lâu trước hẻm, trên tay còn nguyên túi thức ăn, chị Hân hỏi thăm người dân xung quanh với hy vọng có ai đó sẽ giúp được mấy chú chó và ngỗng đang bị nhốt trong nhà suốt 3 ngày qua. Sau đó, người phụ nữ đã đăng dòng tin lên mạng xã hội để tìm sự trợ giúp.

tinh nguyen vien vung dich anh 4

Hai chú cún con đã chào đời khỏe mạnh, dù mẹ chúng đã phải nhịn đói 3 ngày trước khi được giải cứu. Ảnh: Khả Hân.

May mắn, lời kêu cứu đã được hồi đáp. Chị hàng xóm tên Trinh cho biết mấy ngày qua nghe tiếng kêu của bầy cún trong nhà nhưng không có chìa khóa nên cũng không có cách nào để giúp. Sau khi nhận thức ăn, chìa khóa nhà, chị Trinh mang đồ bảo hộ vào bên trong cung cấp lương thực. “May quá, tụi nó vẫn khỏe mạnh sau nhiều ngày nhịn đói”, chị Hân thở phào.

Mỗi ngày chị Trinh sẽ sang nhà cho bầy cún và ngỗng ăn, đồng thời cập nhật tình hình cho chủ nhà. Ngày 2/6, chị báo tin vui có hai chú chó con vừa chào đời, và đều khỏe mạnh.

Những "siêu nhân" mặc áo phòng hộ

Chiếc tăm bông dài thọc sâu vào mũi, bé Nhi nhíu mày, tay ôm chặt chú vịt vàng, kiên quyết không mè nheo. Sau khi hoàn tất việc lấy mẫu xét nghiệm, Nhi cầm hộp sữa dâu đưa cho Quỳnh Mai - tình nguyện viên:

- Em cho chị nè!

Quỳnh Mai cảm ơn em bé, nhưng đang làm việc không thể nhận. “Nếu không vì dịch bệnh, mình sẽ ôm bé một cái”, cô bạn cười. Cũng giống như tình nguyện viên khác, Mai không được sự chấp thuận của bố mẹ khi tham gia hỗ trợ tại vùng dịch. Mỗi ngày Mai viện một lý do. Có ngày sang nhà bạn học bài, hôm đi làm nghiên cứu khoa học.

Cô sinh viên 20 tuổi hóm hỉnh nói: “Sau này có con em sẽ kể về ngày tháng này. Rằng thời xưa ông bà chống giặc, còn thời của má thì chống dịch”.

Vào cao điểm, có lúc Mai cùng các anh chị lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 2000 người dân, mệt đến lả đi. Dẫu vậy, chưa một tình nguyện viên nào bỏ cuộc. “Bạn bè hỏi tụi em sao mà khỏe vậy. Nhưng mỗi ngày thấy số ca nhiễm tăng cao tụi em không thể không cố gắng”, Mai nói.

Những thanh niên tình nguyện như Mai, có bạn mỗi ngày đạp xe gần chục km từ Tân Bình sang Gò Vấp, có người ở tận Nhà Bè, Thủ Đức cũng không ngại đường xa. Vất vả là vậy, nhưng mỗi lần có lời kêu gọi hỗ trợ chỉ vài phút sau là đủ số lượng.

"Cây táo nở hoa" giữa hẻm cách ly

Đọc báo thấy các hộ dân trong khu vực bị phong tỏa gặp nhiều khó khăn, mất thu nhập lại không được ra ngoài mua thức ăn. Thế là bà con trong con hẻm nhỏ đường Vũ Tùng (Bình Thạnh) bàn nhau mỗi nhà hùn một ít tiền mua 700 kg khoai gửi cho người dân sống trong khu cách ly.

Khoai về tới xóm, đàn ông, đàn bà cùng chung tay gói thành từng phần, rồi cử thanh niên trai tráng chở đến tận nơi cho người dân. Một công đôi chuyện, vừa giúp mọi người thêm bữa no, vừa giúp giải cứu khoai cho nông dân miền Tây.

tinh nguyen vien vung dich anh 7

Sắp tới cả xóm còn dự định làm 500 phần bánh mỳ để gửi đến bà con khu cách ly. Ảnh: Dung Nguyễn.

Từ ngày dịch Covid-19 bùng phát, người thành phố làm quen với một khái niệm mới: hẻm cách ly. Cũng từ lúc con hẻm được giăng dây, bà con trong hẻm thương nhau nhiều hơn. Dù trước đó có lúc lời qua tiếng lại.

Hôm trước, có đoàn thiện nguyện ghé qua gửi tặng mỗi nhà một ít gạo, thịt, rau củ. Buổi chiều, sau khi có kết quả âm tính lần 1, cả hẻm ăn mừng bằng cách nấu một nồi canh sườn chia cho mỗi nhà một tô lớn. Trong hẻm cách ly niềm vui cũng li ti vậy.

Vừa qua, phường Tân Hưng Thuận (quận 12) phát động cuộc thi trồng cây táo. Mỗi hộ dân sống trong hẻm cách ly được tặng 1 cây táo Mỹ cùng phân bón. Các gia đình sẽ chăm sóc cây táo cho đến hết thời gian cách ly. Hàng ngày người dân có nhiệm vụ cập nhật tình hình cây táo cho kỹ thuật viên qua điện thoại. Hết phong tỏa, ban giám khảo sẽ chấm và trao giải.

Giữa chuỗi ngày xám xịt, ý tưởng dễ thương về cây táo giúp người dân có thêm hoạt động giải trí. Cũng khiến ta liên tưởng đến câu thơ của Lưu Quang Vũ: “Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa/tại sao cây táo lại nở hoa”.

Toàn Nguyễn

Bạn có thể quan tâm