Ngồi thẩn thơ một lúc lâu giữa căn phòng trọ thân quen, Nhân giật mình bởi tiếng gọi của bà chủ nhà trọ: “Cháu ơi taxi tới rồi”. Suýt nữa quên mất hôm nay phải về quê, người thanh niên vội kiểm tra tư trang lần cuối, ngắt các thiết bị điện, đóng cửa phòng và chào tạm biệt chủ nhà.
18h ngày 24/7, taxi chở Nhân ra ga Sài Gòn. Từng con đường, góc phố thân quen trôi nhanh trong im lìm. Thành phố mà anh từng biết, chưa bao giờ buồn đến như thế.
Bất giác, mắt Nhân cay xè, anh nói: “Hơn 10 năm từ ngày vào thành phố đi học, rồi ở lại làm việc, tôi chưa từng nghĩ có ngày sẽ rời thành phố trong hoàn cảnh éo le như vậy”.
Chuyến tàu bất đắc dĩ
Chiều tối 24/7, ga Sài Gòn nhộn nhịp khác hẳn không khí đìu hiu của chuỗi ngày giãn cách. Hàng trăm sinh viên, người lao động Hà Tĩnh có mặt tại sân ga để chuẩn bị các thủ tục cho chuyến tàu trở về quê hương.
Đây là chuyến tàu đầu tiên đưa người Hà Tĩnh rời khỏi TP.HCM trong bối cảnh dịch bệnh tăng nhanh.
Nhiều người dân có mặt tại ga từ sớm để làm thủ tục. Ảnh: Nguyễn Toàn. |
Vợ chồng anh Nguyễn Xuân Hùng có mặt ở sân ga từ sớm. Trong lúc người vợ loay hoay điền thêm thông tin cá nhân trước khi nhận vé tàu, anh đứng trông chừng hành lý và hai cô con gái.
“Vợ chồng tôi vào TP.HCM bán hàng rong đã gần 10 năm nay, chưa bao giờ phải trải qua tình cảnh khó khăn như hiện tại. Từ ngày dịch bùng phát cả gia đình phải sống chắt chiu từng đồng. Mình thì không sao, nhưng hai nhỏ thì tội lắm”, anh Hùng nói và cho biết đã đắn đo việc về quê để tránh rủi ro về bệnh tật.
Sau khi nhận được thông tin về chuyến tàu 0 đồng từ hội đồng hương huyện Can Lộc, vợ chồng anh Hùng đã lập tức đăng ký. Anh nói: “Bất đắc dĩ lắm mới phải rời thành phố. Vì con cái học trên này, về quê cũng không có công việc. Nhưng trong thời điểm này, chúng tôi không đủ khả năng để trụ lại thành phố”.
Chuyến tàu sẽ ưu tiên những trường hợp gia đình có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn không nghề nghiệp, sinh viên nghèo. Ảnh: Nguyễn Toàn. |
Trước đó, chiều 23/7, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết UBND TP.HCM đã giao các sở ngành thành phố phối hợp đưa người dân Hà Tĩnh đang sinh sống và làm việc ở TP.HCM về địa phương theo đề nghị của UBND tỉnh Hà Tĩnh.
“Đã có hơn 10.000 lượt đăng ký. Tuy nhiên, trong chuyến đầu tiên chúng tôi ưu tiên cho những hoàn cảnh thật sự khó khăn và phụ nữ đang mang thai, gia đình có trẻ em. Trong thời gian tới các chuyến tàu sẽ liên tục hoạt động đưa hơn 10.000 người trở về, góp phần giảm áp lực chống dịch cho thành phố”, ông Trần Thanh Tịnh, thành viên hội đồng hương Hà Tĩnh chia sẻ.
Nhằm tạo điều kiện cho người dân thuận tiện di chuyển ra bến tàu, Hội đồng hương Hà Tĩnh tại TP.HCM ký hợp đồng vận chuyển với các đơn vị taxi để chở người dân từ nhà, các vị trí tập trung để lên ga Sài Gòn. Các xe taxi này đã được Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cấp phép hoạt động trong trường hợp cần thiết để vận chuyển đúng đối tượng theo danh sách.
Tạm biệt, chúc bình an
"Xin kính mời các hành khách đi trên chuyến tàu SE14 khởi hành lúc 20h45 đến khu vực soát vé để chuẩn bị lên tàu", thông báo được phát liên tục trên loa. Bà Lê Thị Đào (45 tuổi) chăm chú lắng nghe, rồi nán lại một chốc để nhìn sân ga. Người phụ nữ bồi hồi cho biết đây là lần đầu tiên được biết ga tàu hỏa trông như thế nào.
3 tháng trước, bà Đào rời Hà Tĩnh vào TP.HCM làm lao công với mong muốn kiếm ít tiền gửi về phụ giúp con cháu. Dịch bệnh bùng phát, 2 tháng nay phải loay hoay với cuộc sống thiếu thốn nơi đất khách.
“Ở quê khó khăn quá mới phải vào thành phố đi làm, vậy mà vừa vào thì gặp dịch bệnh. 2 tháng qua tôi sống trong lo lắng, một thân một mình ở nơi xa lạ, biết bám víu vào ai. Hôm nhận thông báo được về quê, tôi mừng muốn khóc”, bà Đào nói, tay nắm chặt tấm vé tàu.
Chuyến tàu đầu tiên đưa 700 hành khách về quê. Ảnh: Nguyễn Toàn. |
“Đến giờ lên tàu rồi cô”, một thanh niên đồng hương chỉ dẫn cho bà Đào đến chỗ soát vé. Người phụ nữ nặng nhọc ôm hành lý đi về phía đoàn người, tạm biệt cơ duyên ngắn ngủi với thành phố phồn hoa.
Không khí trên tàu khá ngột ngạt, chị Thu bế đứa con nhỏ ra bên ngoài cho thoáng đãng. Vừa dỗ dành đứa trẻ, chỉ tâm sự: “Tôi đi làm công nhân, chồng tôi làm xe ôm. Nếu cố gắng vẫn đủ chăm lo cho các con. Nhưng 3 tháng nay thất nghiệp, chúng tôi phải vay mượn khắp nơi để sống. Giờ thì kiệt quệ rồi, chúng tôi phải về thôi”.
20h15, tàu sắp rời bến, thông báo được phát trên loa với tần suất dày đặc hơn. Mặc dù không sinh ra ở TP.HCM nhưng nhiều người dân đã học tập và trưởng thành trên mảnh đất này. Lời tạm biệt vội vàng nói ra khiến không ít người xao xuyến. Lê Nhân nói: “Với tôi thành phố là ân nhân, dù ở nơi đâu tôi luôn mong thành phố sẽ sớm bình an”.
Sau cuộc điện thoại với gia đình, Nhân tắt máy, anh hướng mắt ra phía ngoài cửa kính, nhìn sân ga dần chìm vào tĩnh lặng.
Đoàn tàu SE14 chở 700 người sẽ xuất phát tại Ga Sài Gòn vào lúc 20h45 phút ngày 24/7, đến Ga Yên Trung huyện Đức Thọ vào lúc 5h ngày 26/7. Sau khi về đến Hà Tĩnh, người dân sẽ được cách ly tập trung 14 ngày. Ảnh: Nguyễn Toàn. |