- Alo, tôi nghe!
- Dạ, số điện thoại của cô Phước phải không?
- Đúng rồi, tôi Phước đây. Loa rè quá, tôi không nghe rõ.
- Dạ, con ở bên Hội đồng hương Bình Định, hồ sơ của cô đã được xét duyệt. Cô sắp xếp tư trang và xét nghiệm Covid-19 để chuẩn bị về quê nhé!
- Thật không cháu, có thật cô được về quê không cháu?
Giọng bà Phước nghẹn lại khi nghe tin được trở về nhà. Nỗi nhớ quê và tháng ngày đơn độc nơi đất khách như vắt kiệt tâm trí của người phụ nữ. Bà xếp vài bộ đồ bỏ vào chiếc balo sờn quai, gọi điện thoại cho chủ nhà để trả phòng trọ.
Đây là lần đầu tiên bà Phước và nhiều đồng hương khác về quê bằng máy bay.
Không còn tiền trả nhà trọ
Rời Bình Định vào TP.HCM làm thợ hồ hơn 4 năm nay, ông Nguyễn Hữu Đạt chưa từng trải qua giai đoạn nào khó khăn như hiện tại. Các công trình tạm ngừng, đi lại hạn chế, lương thực thiếu thốn, cả ngày ông chỉ quanh quẩn trong phòng trọ.
“Sáng ăn mì gói chế nước sôi, trưa ăn mì gói xào, tối nhai mì sống rồi uống nước. Bữa nào hên thì được người ta cho cơm từ thiện”, người đàn ông 50 tuổi kể lại cuộc sống những ngày qua, nhẹ tênh mà chua chát.
Những tưởng dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát, ông Đạt gắng gượng bám trụ ở thành phố để kiếm tiền gửi về quê. Vậy mà, số ca nhiễm ngày một tăng khiến ông lo lắng.
Sáng ăn mì gói chế nước sôi, trưa ăn mì gói xào, tối nhai mì sống rồi uống nước
Ông Nguyễn Hữu Đạt
Từ ngày thành phố giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, nhiều lao động tự do như ông Đạt gặp khó khăn. Bà Dương Thị Xuân (63 tuổi) cho biết đã nghỉ bán vé số từ cuối tháng 6. Mất thu nhập, bà cũng mất khả năng chi trả tiền nhà trọ.
“Tôi đành phải trả lại phòng, rồi qua nhà người bà con ở nhờ, sẵn tôi giúp việc nhà cho họ”, bà Xuân chia sẻ.
Nhiều năm liền cây trái mất mùa, lũ quét khiến gia đình mất trắng đàn gia súc, bà Xuân chấp nhận vào thành phố mưu sinh để phụ giúp con cháu. Thế nhưng giờ đây, nỗi mong mỏi lớn nhất của bà là được trở về nhà. Ôm chiếc balo nặng trĩu trong người, bà nói: “Lỡ có chuyện gì... có con cháu ở bên vẫn tốt hơn”.
Từ ngày thất nghiệp, bà Xuân phải trả nhà trọ vì không còn khả năng chi trả. Ảnh: Nguyễn Toàn. |
Trước những trăn trở của người dân, chiều 18/7, tỉnh Bình Định thông qua kế hoạch đón khoảng 1.000 lao động gặp khó khăn ở TP.HCM về quê. Tỉnh thuê máy bay đón bà con miễn phí. Về đến quê, họ được cách ly tập trung, xét nghiệm y tế. Toàn bộ chi phí sẽ do tỉnh chi trả.
Trong 2 ngày 18-19/7, các thành viên trong Hội đồng hương Bình Định đã nỗ lực kết nối với các hoàn cảnh cần giúp đỡ. Anh Vũ Khánh Vương, thành viên hội đồng hương huyện Hoài Ân, cho biết số lượng người đăng ký rất lớn nên mọi người phải cân nhắc kỹ lưỡng.
“Chúng tôi làm việc thâu đêm, dù khá mệt nhưng khi thấy mọi người được về quê, ai nấy cũng hạnh phúc”, anh Vương nói với Zing.
Chuyến bay đặc biệt
12h ngày 20/7, bà Phước trả phòng trọ, rồi được người hàng xóm chở ra sân bay Tân Sơn Nhất.
“Đây là chỗ nào vậy con?”, bà Phước nhíu mắt nhìn tòa nhà trước mặt. Người hàng xóm bật cười rồi nói: “Đây là sân bay đó cô, giờ cô đi bộ vào trong, thấy ai là người Bình Định thì cô hỏi người ta hướng dẫn lên máy bay nhé”.
Bà Phước sượng sùng: “65 tuổi đầu cô mới đi máy bay, có biết sân bay nó ra làm sao. Cô tưởng nó giống cái sân vận động ở quê”. Nói rồi bà chào tạm biệt hàng xóm, đi vào bên trong, không quên ngó nghiêng xem máy bay đang đậu nơi nào.
Nhiều người dân có mặt tại sân bay từ sớm để chuẩn bị về quê. Ảnh: Nguyễn Toàn. |
Mặc dù 18h40, máy bay mới cất cánh, tuy nhiên từ trưa, nhiều người đã có mặt tại sân bay. Khác với không khí nhộn nhịp thường ngày, sân bay mùa giãn cách vắng lặng. “Mọi người đến nhận đồ bảo hộ mặc vào rồi xếp hàng điểm danh nhé”, một người trong ban tổ chức nói to để cả đoàn cùng nghe.
Bà Phước nhận bộ đồ bảo hộ, vừa mặc vừa tấm tắc khen: “Sân bay đẹp ghê. Sống tới tuổi này cô đâu có dám mơ mình được vào trong này. Mình nghèo, tiền đâu mà đi”.
65 tuổi, bà Phước là trụ cột chính trong gia đình. Sau khi chồng qua đời, bà một mình nuôi mẹ và đứa con trai bị bệnh tâm thần.
Bà Phước bật khóc khi nhớ về gia đình. Ảnh: Nguyễn Toàn. |
“2 tháng nay không đi làm được, nóng ruột lắm. Nằm ở nhà là nhớ mẹ, nhớ con. Rồi không biết lấy tiền đâu mà sống, cô khóc hoài”, bà Phước kể. Hiểu hoàn cảnh gia đình, chủ phòng trọ chỉ thu 200.000 đồng mỗi tháng, đồng thời kết nối nhà hảo tâm giúp đỡ cơm gạo qua ngày.
Hôm hàng xóm chạy qua báo tin Bình Định có chuyến bay hỗ trợ người lao động về quê, bà Phước mừng như trúng số.
Sống tới tuổi này, cô đâu có dám mơ mình được vào sân bay. Mình nghèo, tiền đâu mà đi
Bà Lý Thị Phước
Mưa chiều nặng hạt, mọi người nép vào phía mái hiên. Dẫu phải đợi khá lâu để được về nhà, nhưng ai nấy đều rạng rỡ.
Chị Thủy ôm đứa con gái 7 tháng tuổi vào lòng, nói: “Chồng tôi bỏ theo người phụ nữ khác mấy tháng nay. Chỉ còn 2 mẹ con đùm bọc nhau. Tình hình dịch phức tạp quá, cháu còn nhỏ nên về quê sẽ an tâm hơn”.
Trời ngớt mưa, anh Việt Ái, Phó chủ tịch Hội đồng hương Bình Định, hướng dẫn mọi người vào bên trong làm thủ tục. “Về đến nơi, bà con sẽ được cách ly tại khu cách ly tập trung 7 ngày, nếu có kết quả âm tính thì trở về nhà tiếp tục tự cách ly thêm 14 ngày. Chương trình lần đầu tổ chức, chắc chắn sẽ có sơ sót, mong bà con nếu ai chưa được hỗ trợ thì cảm thông cho Hội”, anh Việt Ái chia sẻ.
Mong sớm trở lại để nói lời cám ơn
Ngồi trong phòng chờ, ông Minh Huề gọi về cho hai đứa con ở nhà, tụi nhỏ ríu rít hỏi thăm đủ điều. Ông cười sảng khoái: “Ừ, người ta cách ly sao thì ba cách ly giống vậy”.
Ông Huề và 3 đồng hương vào TP.HCM bán vé số gần 10 năm. Từ lâu, họ đã xem thành phố như quê hương thứ hai của mình.
“Những ngày qua, người dân giúp đỡ chúng tôi từ ký gạo, bó rau. Tôi luôn mong sớm trở lại thành phố, để làm việc và nói lời cảm ơn tất cả mọi người”, ông Huề tâm sự.
Người dân 4 huyện Hoài Ân, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh và An Lão được về quê trong đợt đầu tiên. Ảnh: Nguyễn Toàn. |
“Đất lành chim đậu. Đâu phải tự nhiên mà dân tứ xứ tìm đến đây lập nghiệp”, ông Đạt ngả mình vào chiếc balo, bồi hồi nói tiếp: “Chỉ là lần này thành phố kiệt sức rồi, chúng tôi phải về để giảm bớt gánh nặng. Nơi này đôi khi chỉ là quê hương tạm bợ, nhưng thử hỏi có ai không quyến luyến”.
Sắp đến giờ bay, ai nấy cũng nôn nao. Bà Phước thấm mệt sau một ngày dài chờ đợi. Cả đêm hôm trước không ngủ được, cứ nhắm mắt một chút, bà lại tỉnh dậy xem đồng hồ.
Lúc chờ máy bay cất cánh, lòng bà vẫn bồi hồi. Bà Phước nói chỉ an tâm chừng nào đặt chân lên mảnh đất quê hương.
19h50 ngày 20/7, chuyến bay đưa 192 người dân Bình Định đã đáp xuống sân bay Phù Cát. Ảnh: Đức Lập. |