Chiều 8/7, nhận được tin từ đại lý vé số, ông Tiến lập tức về nhà thu gom hết vé số đem đi trả. Vợ chồng ông Quý buồn thiu nhìn nhau, không biết mấy ngày tới lấy đâu ra tiền gửi về cho mấy đứa nhỏ. Bà Sáu Lan ôm cái chân đau, thất thần nhìn lên trần nhà, thở ra.
Trong 15 ngày, mọi người không phải tất bật bữa cơm chiều cho kịp giờ đi bán, cũng không cần rảo bước hàng chục km để chào mời từng tờ vé số.
Trong 15 ngày, người thành phố tạm gác giấc mơ đổi đời.
UBND TP.HCM yêu cầu tạm dừng hoạt động bán vé số của đại lý vé số và bán vé số dạo trên địa bàn thành phố, tạm dừng các dịch vụ ăn uống mang về trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 9-7.
Căn nhà buổi chiều
Nằm sâu trong con hẻm dưới chân cầu Nguyễn Văn Cừ (quận 1) là căn nhà trọ của hơn 30 người bán vé số ở TP.HCM. Người ở đây có đặc điểm chung là đến từ Phú Yên, cao tuổi hoặc khuyết tật. Không khó tìm thấy những "căn nhà vé số" như thế này ở thành phố. Họ hoạt động theo mô hình một người đứng ra làm quản lý, thuê nhà, lãnh vé số từ đại lý và chia cho các thành viên còn lại đi bán.
Ngày thành phố giãn cách, ông Ngô Văn Tiến trở về nhà với gương mặt thất vọng: “Ngoài chợ bữa nay nẫu (họ, người ta - tiếng địa phương - PV) bán giá cắt cổ quá! Ai đời bán 2 trái cà 7.000 đồng, bó cải ngọt gần 20.000 đồng”. Ông Quý lắc đầu, nói: “Thời buổi khó khăn, mà nẫu thất đức quá!”. Cả chục con người ngồi đợi, cuối cùng trưa hôm đó đành ngậm ngùi ăn cơm mắm tiêu.
Những người lao động lớn tuổi từ miền Trung vào TP.HCM bán vé số. Ảnh: Nguyễn Toàn. |
Vì nghèo, vì kiếm tiền nuôi con cháu, hay trang trải cuộc sống tuổi già, có rất nhiều lý do để những người nông dân miền Trung tìm đến thành phố làm việc. Họ chấp nhận sống trong những căn nhà trọ chật hẹp, ẩm thấp để giảm chi phí sinh hoạt.
Sống ở nơi mà chỗ ngủ cũng là chỗ ăn, bà Sáu Lan (75 tuổi) kể: “Ngủ xếp lớp như cá mòi vậy cháu. Mỗi người được vài ô gạch, cựa mình cũng chật. Mà kệ, mọi người đi bán mệt rồi nên ngủ ngon”.
Ngủ xếp lớp như cá mòi, cựa mình cũng chật. Mà kệ, mọi người đi bán mệt rồi nên ngủ ngon.
Bà Đỗ Thị Lan
17h mỗi ngày, sau khi nhà đài có kết quả xổ số, các thành viên trong nhà lần lượt nhận vé dò, vé số mới rồi tỏa ra khắp ngả đường. Mọi người phải đi thật nhanh, đôi khi thật xa để bán hết 100-150 tờ vé số. Và họ trở về nhà khi đã sang ngày mới.
Cuộc sống ở nơi này, trước và sau 17h là hai thái cực khác nhau. Thế nhưng, từ khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, buổi chiều ở căn nhà trọ không còn tất bật. Mọi người lặng lẽ nhìn nhau, buồn không thành tiếng.
Đau đáu hướng về quê nhà
Hết ngồi lại nằm, xoay qua trái rồi lật sang phải, ông Thành Quý vẫn không nguôi nỗi lo trong lòng. Sau đợt lũ năm ngoái, vợ chồng ông trở lại thành phố bán vé số, kiếm ít tiền gửi về cho cậu con trai học lớp 11 và người cha đang bệnh.
Hơn nửa năm tích cực đi bán, vợ chồng gom góp được 12 triệu đồng, định bụng qua rằm tháng 5 sẽ gửi về quê. Vậy mà, hôm 23/6 ông Quý bị lừa mất hết cả tiền lẫn vé số. Vợ ông - bà Dung thẫn thờ nói: “Mình nghèo mà nó còn lừa. Tôi khóc hết nước mắt, vẫn phải ráng đi bán để có cái ăn”.
Người đàn ông thở dài: "Vợ chồng tôi tính đi bán gom lại tiền rồi gửi về cho cha chữa bệnh. Vậy mà mới bán được hơn chục ngày thì phải nghỉ ở nhà".
Trong căn nhà nhỏ này, mỗi con người đều có gánh nặng riêng. Ảnh: Nguyễn Toàn. |
Từ ngày dịch bùng phát trở lại, hàng quán đóng cửa gần hết, người bán vé số chật vật hơn. Bà Như Mai (62 tuổi) cho biết: “Kinh tế khó khăn, đâu ai dư giả để mua vé số. Nhiều bữa tôi đi bộ từ 5h chiều tới 4h sáng mà vẫn chưa bán hết. Về nhà ngủ một chút rồi 6h dậy đi bán cho kịp”. Dẫu cực, người đàn bà này chưa ngày nào nghỉ bán, bởi đứa con trai mắc bệnh tâm thần ở quê vẫn đợi tiền thuốc.
Kinh tế khó khăn, đâu ai dư giả để mua vé số. Nhiều bữa tôi đi bộ từ 5h chiều tới 4h sáng mà vẫn chưa bán hết.
Bà Như Mai
Đồng cảnh ngộ, bà Lan (60 tuổi) vẫn từng ngày mưu sinh ở đất khách, vừa tự chăm lo cho bản thân vừa gửi tiền về cho người chồng khuyết tật. Trách nhiệm với gia đình khiến tâm trạng của mọi người trĩu nặng trước chuỗi ngày thất nghiệp.
“Thôi, mùa dịch mà có chỗ ở, có miếng ăn là phước rồi” - người trong nhà tự an ủi nhau. Giờ đây, căn nhà còn 10 người ở lại thành phố, họ bị kẹt lại vì không kịp lên chuyến xe về quê.
Hy vọng
“Người thành phố mình sống tình cảm lắm. Hôm trước bên ủy ban phường xuống hỗ trợ cho mỗi người 1,5 triệu đồng. Rồi các nhà hảo tâm gửi gạo, rau củ quả cho, không lo đói nữa”, bà Đào Thị Lê (60 tuổi) mỉm cười, chỉ vào mấy bao gạo và mớ rau xanh vừa được tặng.
Bà Như Mai tiếp lời: “Nẫu biết mình khổ, nên nẫu thương. Mà nhà đâu có tủ lạnh, rau củ chỉ để đủ ăn, còn lại đem chia cho hàng xóm. Giờ ai cũng khó hết à”. Trong căn nhà nhìn đâu cũng thấy những mảng tường hoen ố, ngóc ngách nào cũng nhếch nhác, ngột ngạt, vậy mà tấm lòng con người lại rộng mở, ân tình.
Trong những ngày giãn cách, mọi người thường xuyên cập nhật tin tức, trông mong ngày được đi bán trở lại. Ảnh: Nguyễn Toàn. |
Trưa hôm qua có người ghé gửi 10 phần cơm chay, mọi người hồ hởi, vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon.
Ông Tiến với lấy chiếc điều khiển tivi, bật chương trình thời sự cho cả nhà cùng xem. Đài đang phát thông tin về tình hình dịch bệnh trong nước. Bà Lan chăm chú lắng nghe, rồi quay sang hỏi ông Tiến: "Ủa, người ta có báo chừng nào mình được đi bán lại không chú Bốn?".
Bình luận