Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Biệt đội bà bầu nấu cơm tặng shipper giữa dịch Covid-19 ở TP.HCM

"Bầu bì và rất ngại dịch bệnh, nhưng chúng tôi vẫn muốn làm gì đó giúp những người khó khăn hơn, đặc biệt là các anh, chị shipper vì hàng quán đã đóng cửa", chị Minh Lệ nói.

Hơn 12h trưa, Vũ vừa chuyển xong một đơn hàng, thông thường vào giờ này anh sẽ ghé vào một tiệm cơm hay quán bún phở nào đó, mua một phần rồi tìm góc vỉa hè mát mẻ thưởng thức bữa trưa. Nhưng từ ngày TP.HCM thực hiện giãn cách, quán ăn đồng loạt đóng cửa, việc tìm một phần cơm trưa là điều không dễ dàng.

Chạy dọc tuyến đường Phan Xích Long, cuối cùng Vũ cũng tìm thấy một cửa hàng tiện lợi đang hoạt động. Mua phần mì trộn, chàng shipper trẻ hóm hỉnh nói: “Chắc mấy ngày tới phải làm bạn với mì gói dài dài”.

Xóm bà bầu

6h sáng, con hẻm nhỏ trên đường Núi Thành (quận Tân Bình) được đánh thức bởi tiếng cười râm ran của “biệt đội bà bầu”. Trong số họ, có người mang bầu ở tháng thứ 8, người đang đợi chuyển phôi thai, người theo chăm sóc con gái thụ tinh ống nghiệm... Tất cả bận rộn chuẩn bị những phần cơm miễn phí cho người lao động ở TP.HCM.

Chúng tôi muốn làm gì đó giúp những người khó khăn hơn.

Minh Lệ

Chị Minh Lệ có bầu vào tháng thứ 8 nên gặp khó khăn trong việc nấu nướng. Dù vậy, chị cho biết bản thân cảm thấy may mắn khi mùa dịch vẫn có nhà ở, có cơm để ăn. “Chính vì vậy, dù bầu bì và rất ngại dịch bệnh, chúng tôi vẫn muốn làm gì đó giúp những người khó khăn hơn. Đặc biệt là các anh chị shipper vì hàng quán đã đóng cửa”, chị nói.

Nhiều người cùng suy nghĩ với chị, thế là cả xóm quyết định cùng nhau nấu nướng để chuẩn bị suất ăn cho người lao động.

com mien phi anh 1

Những phần cơm được chuẩn bị chu đáo cho người lao động ở TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Con hẻm này từ lâu được người dân gọi với cái tên thân thương: Xóm bà bầu. Đây là xóm trọ của những gia đình hiếm muộn từ mọi miền đất nước, họ đến đây mang theo niềm hy vọng về thiên chức làm mẹ. Đồng cảnh ngộ nên người trong xóm dễ đồng cảm với nhau.

“Hễ có người kêu gọi là chúng tôi giúp sức liền”, bà Xuân (62 tuổi) hào hứng nói với chất giọng địa phương. Bà lên thành phố gần 7 tháng nay để chăm sóc cô con gái đang thụ tinh ống nghiệm.

Ban đầu, thành phố với người đàn bà xứ biển này là một vùng đất thờ ơ, nhà ai nấy ở, cổng kín tường cao. Thế nhưng khi thành phố “trở bệnh”, nhìn mọi người gắn kết với nhau, bà cảm nhận rõ tình thân ở mảnh đất này.

9h30 sáng, sau khi các công đoạn nấu nướng đã hoàn tất, mọi người phân công vị trí để đóng gói. Bà Xuân phụ trách xới cơm, cụ Thương thêm rau xào, chị Lệ thêm tàu hũ kho và nước chấm, bé Bảo (10 tuổi) là con trai của chị Lệ chịu trách nhiệm đóng nắp hộp.

Cho đi để được hạnh phúc

Đêm hôm trước, nhà hảo tâm chuyển đến 100 kg rau muống nhờ gửi tặng bà con khó khăn. Thế là cả xóm thức đến khuya phụ nhau lặt rau, cột thành từng bó để sáng hôm sau phát cho mọi người.

Hơn 10h sáng, 70 suất cơm và rau muống được chuyển ra phía ngoài đường Núi Thành (quận Tân Bình). Nhằm đảm bảo quy định theo Chỉ thị 16 cũng như giữ an toàn cho các bà bầu, xóm quyết định cử ra một thanh niên làm nhiệm vụ trao các suất cơm cho mọi người.

Hàng quán đóng cửa hết, hôm qua tôi phải nhịn đến tối.

“Ở đây tặng cơm phải không cháu?”, người shipper lớn tuổi e dè hỏi. “Dạ đúng rồi chú. Đây, con gửi chú”. Người đàn ông cúi đầu cảm ơn, rồi nói: “Tôi ngại quá, chạy qua chạy lại mấy lần mà không dám ghé vào. Hàng quán đóng cửa hết, hôm qua tôi phải nhịn đến tối, về nhà đổ mì ăn”.

Không riêng ông, nhiều shipper ở TP.HCM đang loay hoay với bữa cơm trong mùa giãn cách. Công việc di chuyển liên tục ngoài đường, chưa kể nắng mưa hay nguy cơ lây nhiễm, họ còn phải trăn trở về miếng ăn. Có người ghé vào cửa hàng tiện lợi ăn tạm chiếc bánh ngọt, hay ly mì. Một số chịu khó chạy về nhà, hoặc nhịn đói.

Anh Minh Hùng (40 tuổi) tâm sự: “Không phải chúng tôi không mua nổi hộp cơm, mà bây giờ không có ai bán”. Chính vì thế, những phần cơm của xóm bà bầu thật sự có ý nghĩa với họ.

Trời về trưa, những hộp cơm vơi dần. Một phụ nữ lớn tuổi đến xin một phần, lát sau bà quay lại đắn đo hỏi: “Tôi có thể đổi hộp cơm này lấy bó rau muống không? Vì nhà tôi vẫn nấu ăn được. Tôi muốn nhường suất cơm này cho người khác”.

Anh shipper chạy đến bảo: “Tôi mới ăn no ở nhà. Mà tôi tính xin 2 phần để xíu nữa đi trên đường gặp ai khó tôi tặng cho họ có được không?”.

Dù không thể trực tiếp đứng tặng từng hộp cơm, bó rau cho mọi người, nhưng các thành viên trong xóm bà bầu vẫn vui khi được nghe kể lại niềm hạnh phúc của người nhận. Cả xóm hồ hởi quyết định lần sau sẽ nấu nhiều hơn, để có thêm nhiều người nữa cùng hạnh phúc.

Người TP.HCM: Thà đau một lần rồi thôi, dây dưa đến bao giờ hết dịch

“Thà đau một lần rồi thôi, nếu không quyết liệt đến bao giờ mới hết dịch”, người dân bày tỏ sự ủng hộ trước quyết định áp dụng Chỉ thị 16 của TP.HCM.

Một tháng 'đánh vật' với Covid-19 của mẹ con Tỏi

5 thành viên trong gia đình lần lượt dương tính với nCov. Bệnh chuyển biến quá nhanh, mỗi người được điều trị tại một nơi, riêng Tỏi vì còn quá bé nên được điều trị cùng mẹ.

Người TP.HCM giữa chuỗi ngày giãn cách: Bao giờ trở lại bình thường?

Cách ly chồng cách ly, ca nhiễm nối ca nhiễm. Người dân TP.HCM đang trải qua chuỗi ngày giãn cách với câu hỏi: Bao giờ nhịp sống trở lại bình thường?

14 ngày sống cạnh ổ dịch nguy hiểm nhất TP.HCM

“Tôi choáng lắm! Ngay trước cửa nhà mình. Nguy cơ quá cao. Tôi cố nhớ xem mình có lần nào tiếp xúc, hay đi ngang qua họ hay không”, bà Trần Thị Hảo nhớ lại.

Toàn Nguyễn

Bạn có thể quan tâm