Chiều 7/7, dòng người đổ về các khu chợ và siêu thị ở TP.HCM mỗi lúc một đông. Quầy hàng tươi sống, lương thực khô luôn trong tình trạng quá tải. Bất chấp khuyến cáo về giữ khoảng cách trong mùa dịch, người dân không ngại chen lấn để mua được món hàng dự trữ.
Ngồi bệt xuống sàn trong lúc đợi thanh toán, chị Vũ Minh mệt mỏi nói: “Tôi nghe tin thành phố sẽ phong tỏa, nên đi làm về liền chạy ra siêu thị”.
Mỗi người ráng một chút
Chiều tối 7/7, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhận định thành phố đang trải qua cuộc chiến thật sự, phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để phòng, chống dịch. Theo đó, ông Phong thông báo: "Thành phố áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng từ 0h ngày 9/7, thời gian áp dụng 15 ngày".
Thà ăn cơm chấm muối 2 tuần, còn hơn phải nằm viện thở bình oxy.
Đinh Hà
Trải qua hơn 1 tháng thực hiện giãn cách, cuộc sống và kinh tế của người dân TP.HCM bị xáo trộn. Tuy nhiên, không ít người bày tỏ sự ủng hộ trước quyết định "mạnh tay" của thành phố.
Liên tục cập nhật tình hình dịch bệnh qua báo chí, chị Đinh Hà (thành phố Thủ Đức) chia sẻ: “Đội ngũ y tế có hạn, mọi người cũng đã kiệt sức rồi. Giờ mỗi người ráng một chút, ở nhà cố gắng tiết kiệm. Thà ăn cơm chấm muối 2 tuần, còn hơn phải nằm viện thở bình oxy”.
TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng từ 0h ngày 9/7. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Đài Trang là sinh viên vừa ra trường, dịch bệnh bùng phát khiến cô gặp trở ngại khi tìm kiếm công việc cũng như trang trải cuộc sống ở thành phố. Tuần trước, dãy nhà trọ cô ở bất ngờ bị phong tỏa do có ca nhiễm Covid-19, sinh hoạt hàng ngày vì vậy mà chật vật hơn. Đề cập đến quyết định giãn cách xã hội của thành phố, Trang nói: “Dịch bệnh ngày càng phức tạp, tôi tin đây là biện pháp cần thiết. Lần này được thông báo trước, tôi thấy chủ động hơn”.
Trước cảnh tượng người dân đổ về các khu chợ và siêu thị, Đài Trang cho biết cô thông cảm với người lớn tuổi vì họ không nắm rõ các quy định của Chỉ thị 16 nên lo lắng. Mặt khác cô không ủng hộ việc người trẻ ồ ạt mua đồ dự trữ rồi đăng lên mạng xã hội, tạo làn sóng hoang mang.
Đồng tình với quan điểm này, anh Lê Hoàng Phúc (Bình Tân) chia sẻ: “Chỉ thị 16 đâu cấm mọi người đi chợ. Hàng hóa thì thành phố đã đảm bảo không thiếu cho dân. Việc chen nhau mua sắm chỉ khiến dịch bệnh phức tạp hơn”.
Áp dụng Chỉ thị 16 lúc này là hợp lý, lẽ ra nên áp dụng sớm hơn.
Lê Hoàng Phúc
Thay vào đó, gia đình anh Phúc chọn phương án đặt thực phẩm qua kênh online, gần 1 tháng qua hầu như anh không phải đến siêu thị. Nói về quyết định của thành phố, anh cho biết: “Áp dụng Chỉ thị 16 vào lúc này là hợp lý, lẽ ra nên áp dụng sớm hơn. Thời gian này mọi người cố gắng ở nhà để cơ quan chức năng có thời gian truy vết hết F0, song song đó có thời gian để tiêm vaccine”.
Bên cạnh đó, người dân vẫn còn nhiều trăn trở. Chị Ngọc Huyền (chuyên viên nhân sự) lo lắng vì công nhân của công ty đa phần ở Nhơn Trạch (Đồng Nai).
“Tôi không biết họ có được vào thành phố làm việc hay không. Công ty đã có phương án cho công nhân ở lại làm việc, nhưng không phải ai cũng chấp nhận”, chị Huyền chia sẻ. Ngoài ra, người lao động thu nhập thấp cũng hy vọng sớm nhận được trợ cấp để trang trải thời gian này.
Còn được ở nhà là còn may mắn
Đối mặt với tình cảnh cách ly chồng cách ly, hơn một tháng qua các hộ dân ở chung cư Ehome 3 (phường An Lạc, quận Bình Tân) không còn xa lạ với chuyện phong tỏa.
Trần Hằng sống tại block A3, nhớ như in hành trình cách ly “trường kỳ” của gia đình mình: “Chưa đầy 1 tháng chúng tôi nhận 3 lệnh cách ly y tế. Lần đầu cách ly 7 ngày, lần thứ hai là 5 ngày và lần thứ ba thêm 14 ngày”.
Không áp dụng biện pháp mạnh thì bao giờ TP mới trở lại cuộc sống bình thường?
Hồng Ngân
Ngày 5/7, nội khu chung cư Ehome 3 được gỡ bỏ phong tỏa, ngoại trừ block A3 vẫn tiếp tục bị cách ly y tế. Đồng nghĩa, từ 0h ngày 9/7, gia đình Hằng sẽ nằm trong 3 vòng phong tỏa, gồm phong tỏa block chung cư, phong tỏa của phường An Lạc (Bình Tân) và phong tỏa thành phố.
Làm quen với những chuyến xe cứu thương bất chợt đến trong đêm, thay vì lo lắng, Hằng đã chọn cách bình tâm bước qua mùa dịch. Cô dành thời gian nấu những món ăn ngon cho chồng và con gái. Với Hằng, còn được ở nhà đã là điều may mắn.
Người dân TP.HCM chấp nhận cuộc sống giãn cách, đợi chờ ngày thành phố không còn dịch bệnh. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Trải qua đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ cuối tháng 5/2021, người dân ở Gò Vấp cũng làm quen với nhịp sống giãn cách. Khu chợ tự phát trên tuyến đường Phạm Văn Bạch vốn sầm uất nay vắng lặng, dây giăng kín lối. Nhìn quan cảnh đìu hiu, Hồng Ngân (29 tuổi) cho biết cô dần chấp nhận không khí này.
“Tới lúc này ai cũng khó khăn, nhưng nếu không áp dụng biện pháp mạnh thì bao giờ mới trở lại cuộc sống bình thường?” Ngân nói.
Từ ngày 27/4 đến sáng 8/7, TP.HCM ghi nhận 8.385 ca bệnh. Nơi đây dẫn đầu cả nước về số ca mắc Covid-19, phần lớn được phát hiện trong khu cách ly, phong toả.
Dịch Covid-19 tại Việt Nam có xu hướng lan rộng từ TP.HCM sang Bình Dương, Đồng Nai, Long An và nhiều tỉnh, thành phố miền Trung và khu vực Tây Nam Bộ.
TP.HCM trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng ca nhiễm. Các chuyên gia nhận định biến chủng Delta cùng mật độ tập trung dân cư đông đúc, nhiều khu công nghiệp, chợ đầu mối là những nguyên nhân khiến ổ dịch tại đô thị 13 triệu dân khó kiểm soát.
Bình luận