Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Tâm thế chủ động của người TP.HCM trước lần giãn cách thứ 5

Bước vào đợt giãn cách thứ 5 liên tiếp, người dân TP.HCM đón nhận với tâm thế chủ động hơn. Mọi người xác định đây sẽ là cuộc chiến dài hơi.

gian cach xa hoi anh 1

- Bao giờ hết dịch vậy mấy đứa?

Nhóm xét nghiệm lưu động nhận được câu hỏi từ người dân khu chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình. Phớt lờ khuyến cáo hạn chế tụ tập, người dân ở đây vẫn đứng bàn tán về tình hình dịch bệnh. Có người không mang khẩu trang, có người kéo khẩu trang xuống cằm để nói cho dõng dạc. Đàn ông phì phèo thuốc lá, đàn bà bế cả con nít ra ngoài.

Một nhân viên y tế nhắc nhở: “Cô chú vào nhà đi, khu vực của mình đang có nhiều ca nhiễm, bản thân phải tự bảo vệ mình thì mới mong sớm hết dịch được”.

Siết chặt là điều nên làm

Chiều 23/7, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM. cho biết thành phố đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng số ca nhiễm trong khu vực cách ly, phong tỏa không ngừng tăng cao. Trước diễn biến phức tạp, thành phố thông báo sẽ kéo dài giãn cách cho đến ngày 1/8 với các biện pháp mạnh hơn nữa nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh.

Chỉ ra đường khi thật cần thiết, không tụ tập quá 2 người nơi công cộng, đóng cửa tất cả hàng quán bán mang về... không thể phủ nhận giãn cách xã hội khiến cuộc sống có phần bất tiện.

Anh Huỳnh Yên làm kiến trúc sư ở TP.HCM đã hơn 10 năm, đặc thù công việc thường xuyên phải đi công trình, vì vậy anh không nấu ăn tại nhà. Ngày 8/7, sau khi biết thông tin hàng quán sẽ đóng cửa, người đàn ông lập tức đến siêu thị mua chiếc nồi cơm điện để “sinh tồn” qua chuỗi ngày giãn cách.

“Muốn ăn thì phải lăn vào bếp”, anh kiến trúc sư hóm hỉnh kể về những bữa ăn của mình. Nấu cơm, luộc khoai, nấu canh, kho thịt... đều bằng chiếc nồi cơm điện này. Ngoại trừ những lúc đi nhận rau củ ở quê gửi lên, anh chỉ ở trong nhà.

“Dịch bệnh ảnh hưởng đến tất cả, đâu riêng một ai. Mình sống cả đời, ráng nhẫn nhịn 1-2 tháng đâu phải là điều quá khó”, anh Yên nói.

Trải qua năm tháng chiến tranh, đứng giữa lằn ranh giữa sự sống và cái chết, ông Tuấn Thanh, cựu chiến binh chia sẻ: “Đương nhiên so sánh là khập khiễng. Nhưng mọi người hãy xem đây là một cuộc chiến thật sự, dù không có súng đạn”.

Chị Lê Huyền (32 tuổi) cũng bày tỏ tán thành với quyết định kéo dài giãn của thành phố. “Tôi tin đây là quyết định bắt buộc trong thời điểm hiện tại. 15 ngày qua người dân còn chủ quan lắm. Trong xóm tôi bà con vẫn tụ tập trò chuyện với nhau, có người không mang khẩu trang, buồn buồn thì mở loa kẹo kéo hát karaoke, bất chợt thèm món gì đó là lao ra đường. Nếu muốn thỏa mãn điều mình thích thì bao giờ mới kiểm soát được dịch”, chị Huyền nói.

Bên cạnh các biện pháp mạnh nhằm kiểm soát dịch, nhiều người mong muốn thành phố tiếp tục hỗ trợ cho những đối tượng gặp khó khăn, đặc biệt là người mất việc làm, người vô gia cư.

Từ khi dịch bùng phát, nhóm thiện nguyện của chị Phi Diệp (30 tuổi) đã tìm cách hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm và thuốc men cho một số khu vực phong tỏa và người vô gia cư. “Tuy nhiên, chỉ có thể hỗ trợ bà con cầm cự trong thời gian ngắn. Với những hẻm sâu, ít người đến tiếp tế, việc kéo dài giãn cách là gánh nặng đối với họ”, chị Diệp nói.

"Nếu không may bị lây nhiễm thì cũng vui vẻ"

Bước vào đợt giãn cách thứ 5 liên tiếp, người dân TP.HCM chuyển từ tâm thế bị động sang chủ động đón nhận thông tin và đối phó với dịch bệnh.

Làm việc ở nhà đã hơn một tháng nay, Bùi Huy (ởquận Bình Thạnh) cho biết không gian sinh hoạt bí bách, cộng với việc không thể gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp khiến tâm lý anh có phần bất ổn.

Để cải thiện tình trạng này, Huy bắt đầu tập thể dục và hạn chế đọc thông tin tiêu cực trên mạng xã hội. “Tôi cũng không còn đếm ngày kết thúc giãn cách nữa, bởi mục tiêu cuối cùng làm kiểm soát được dịch bệnh chứ không phải 10 ngày hay 15 ngày giãn cách”.

gian cach xa hoi anh 4

Anh Lưu chọn cách bình tĩnh để đối diện với dịch bệnh. Ảnh: Phạm Ngôn.

Tham gia hỗ trợ cho người lao động khó khăn, hơn một tháng nay anh Nguyễn Văn Lưu (thành viên Foodbank Việt Nam) đối diện với không ít rủi ro về lây nhiễm. Thay vì lo lắng, anh Lưu chọn cách bình tĩnh đối diện với mọi tình huống.

Anh trang bị các dụng cụ bảo vệ cho bản thân, tăng cường sức đề kháng. Ngoài việc luôn đeo khẩu trang khi ra đường, sát khuẩn mọi lúc mọi nơi, anh thường xuyên súc miệng bằng nước muối, tắm rửa sạch sẽ mỗi khi về đến nhà, đồng thời tăng cường thực phẩm giàu vitamin C.

“Trong balo khi nào cũng để sẵn vài bộ áo quần, một ít thuốc cảm, 1 lọ vitamin C và dầu gió. Nếu không may bị lây nhiễm thì cũng vui vẻ, sống tích cực để điều trị bệnh”, anh Lưu chia sẻ.

Lòng người luôn rộng mở với nhau

TP.HCM đang đối diện với những áp lực chưa từng có từ dịch bệnh. Đội ngũ y tế kiệt sức, bệnh viện quá tải, người lao động mất việc lao đao với các chi phí sinh hoạt... Lúc này, mỗi người dân sinh sống ở mảnh đất này cần cảm nhận rõ trách nhiệm của mình.

Không ít người đăng ký trở thành tình nguyện viên, dấn thân vào tâm dịch, hỗ trợ đội ngũ tuyến đầu. Nhiều bếp cơm được mở ra cung cấp hàng nghìn suất ăn cho các bệnh viện và khu dân cư bị phong tỏa.

“Thành phố tạm đóng cửa, nhưng lòng người thì luôn rộng mở với nhau. Rồi thành phố sẽ lại bình yên”, tình nguyện viên Lê Kiệt nói trong lúc mặc bộ đồ bảo hộ, chuẩn bị bước vào vùng phong tỏa.

gian cach xa hoi anh 5

TP.HCM bình yên trong những ngày giông bão. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Buổi trưa cuối tháng 7, một shipper dừng xe tại ngã tư Lê Văn Sỹ - Phạm Văn Hai khi bất chợt nhìn thấy tấm bìa dựng bên vệ đường, bên trên viết dòng chữ “Tự bơm xe”.

Nhìn xung quanh, không khí im lìm, anh có chút tò mò. Đột nhiên, một người phụ nữ ở trong nhà nói vọng ra: “Bơm xe đi con. Máy bơm của anh sửa xe nhà bên này, để ở đó cho ai cần thì tự bơm”.

Anh cúi đầu cảm ơn. Người phụ nữ mỉm cười nói: “Dịch giã nguy hiểm, đi làm cẩn thận nghe con”.

TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7 đến ngày 1/8. Sau 14 ngày đầu áp dụng Chỉ thị 16, số ca nhiễm mỗi ngày tại TP.HCM vẫn liên tục tăng. Từ 9/7 đến 6h ngày 23/7, TP.HCM ghi nhận 40.255 ca nhiễm, trung bình mỗi ngày phát hiện 2.780 ca.

Từ 27/4 đến tối 23/7, TP.HCM ghi nhận 50.474 ca mắc Covid-19, là tâm dịch lớn nhất trên cả nước.

Hiện, TP điều trị 36.569 trường hợp dương tính mới, trong đó có 562 bệnh nhân nặng đang thở máy và 11 bệnh nhân được can thiệp ECMO, có 441 trường hợp tử vong. Ngày 22/7, TP.HCM có 2.046 bệnh nhân xuất viện.

Người dân cần làm gì khi TP.HCM siết chặt Chỉ thị 16

Trong một tuần then chốt tiếp theo, UBND TP.HCM yêu cầu người dân bảo đảm nghiêm giãn cách giữa cá nhân với cá nhân, gia đình với gia đình.

Chủ tịch UBND TP.HCM: 'Quyết không để lây nhiễm chéo ở khu phong tỏa'

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh hai nhiệm vụ chính hiện nay là giảm số ca F0 và nâng cao năng lực điều trị, giảm thiểu tử vong.

Toàn Nguyễn

Bình luận

Bạn có thể quan tâm