Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Sếp Vietnam Airlines: Giá vé máy bay tăng hợp lý

Lãnh đạo Vietnam Airlines đánh giá mức tăng của giá vé máy bay thời gian qua là hợp lý, trong tầm kiểm soát và đảm bảo sự hài hòa chung.

Vietnam Airlines anh 1

Đây là chia sẻ của ông Đặng Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HoSE: HVN) - tại phiên họp cổ đông thường niên 2024 diễn ra sáng nay (21/6) của hãng bay này.

Cụ thể, ông Tuấn cho biết trong 4 tháng đầu năm nay, giá vé máy bay của hãng đã tăng khoảng 15-17%, tùy thời gian và địa điểm bay.

Tuy nhiên, giá vé tính đến tháng trước vẫn nằm trong khoảng 76% so với mức giá trần quy định. Thậm chí trên nhiều đường bay, giá vé của hãng hàng không quốc gia Việt Nam chỉ tương đương 43% giá trần.

Giá vé máy bay tăng trong tầm kiểm soát

Lãnh đạo Vietnam Airlines lý giải giá vé máy bay tăng cao là do hãng "không bay một mình". Tại thị trường quốc tế, hãng đang phải cạnh tranh với 53 hãng bay khác, nếu tính cả các đơn vị liên danh thì lên tới hơn 153 hãng. Vì vậy, hãng không thể tự quyết định giá vé.

Việc niêm yết giá vé máy bay cũng phải căn cứ vào hiệu quả kinh tế. Hãng không bán đắt nhất để chỉ phục vụ cho 1-2 khách nhưng cũng không dìm giá xuống rẻ nhất để lãi chỉ trăm nghìn. Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng phải tính toán điều tiết giá vé máy bay theo kế hoạch phát triển thị trường trong tương lai.

Thực tế, theo ông Đặng Anh Tuấn, giá vé máy bay không chỉ tăng ở Việt Nam mà còn xảy ra khắp toàn cầu từ năm 2022. Tuy nhiên, thời gian và mức tăng có sự khác nhau.

Vào năm 2022, thế giới đã tăng vé máy bay khoảng 30-40%, nhưng Việt Nam mới chỉ bắt đầu tăng vào những tháng đầu năm nay. Giá vé tăng đến từ nhiều nguyên nhân như chi phí đầu vào, nguyên liệu, tỷ giá USD tăng mạnh; chưa kể tới việc thiếu tàu bay và những ảnh hưởng khác.

"Hiện các hãng hàng không thế giới tính toán với 1 khách vận chuyển chỉ lãi cao nhất khoảng 15 USD, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chỉ có lãi 1,2 USD và riêng thị trường Việt Nam còn thấp hơn như vậy", ông Tuấn chia sẻ.

Vietnam Airlines anh 2

HĐQT Vietnam Airlines trong phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 sáng 21/6. Ảnh: HVN.

Theo ông Tuấn, điều này cho thấy việc tăng giá vé là để bù đắp chi phí hoạt động nhưng xét tổng thể vẫn chưa đủ. Bởi hãng còn phải chủ động chuẩn bị chi phí cho cả những biến cố lớn có thể xảy ra, đơn cử như giai đoạn đại dịch Covid-19, Vietnam Airlines đã phải chịu ảnh hưởng rất nặng nề.

Tại đại hội, cổ đông cũng đặt câu hỏi "khi nào giá vé máy bay giảm", lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết các hãng hàng không nước ngoài đã nhận định chỉ khi cung và cầu bằng nhau thì giá vé mới giảm.

"Vietnam Airlines là doanh nghiệp Nhà nước, vì thế cần làm hài hòa giữa quyền lợi của hành khách, doanh nghiệp và Nhà nước. Mức giá tăng trong thời gian qua được đánh giá là hợp lý, trong tầm kiểm soát và tính toán để đảm bảo sự hài hòa, cân đối cho các quyền lợi trên", ông Tuấn nhấn mạnh.

Sớm đưa cổ phiếu HVN về vùng an toàn

Cũng trong phiên họp sáng nay, không ít cổ đông đặt câu hỏi về lộ trình khắc phục tình trạng bị cảnh báo và có khả năng bị hủy niêm yết của cổ phiếu HVN.

Giải đáp vấn đề này, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa cho biết vài ngày gần đây, mã HVN của hãng đã tăng giá mạnh. Đây hoàn toàn là do yếu tố thị trường, tâm lý của nhà đầu tư và cổ đông quan tâm tác động tới thị giá.

"Về phía tổng công ty, Vietnam Airlines hoàn toàn không tác động. Hãng chỉ làm đúng chức năng là công khai minh bạch các kết quả kinh doanh đúng theo quy định", ông nói.

Theo ông Hòa, trước đó, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và căng thẳng địa chính trị làm đứt gãy nguồn cung ứng nên toàn bộ ngành hàng không, trong đó có Vietnam Airlines bị ảnh hưởng, dẫn tới tình hình tài chính khó khăn.

Dựa trên nguyên nhân chủ yếu là khách quan nên phía Vietnam Airlines đã báo cáo cấp thẩm quyền để có đánh giá phù hợp với mã cổ phiếu HVN của hãng.

Vietnam Airlines anh 3

Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết hãng gặp khó khăn chủ yếu do nguyên nhân khách quan nên đã báo cáo cấp thẩm quyền để có đánh giá phù hợp với mã cổ phiếu HVN. Ảnh: Nam Khánh.

Cùng với đó, Vietnam Airlines đang triển khai một loạt giải pháp để cải thiện dòng vốn và khả năng tài chính doanh nghiệp.

Thời gian qua, Vietnam Airlines đã xây dựng và đang tiếp tục hoàn thiện đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025, đồng thời kiến nghị các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn.

Đến nay, HĐQT chưa phê duyệt đề án do các cơ quan có thẩm quyền vẫn đang trong quá trình xem xét, và hãng đang tích cực phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện.

Trong thời gian chờ các cấp có thẩm quyền phê duyệt, ông Hòa cho biết Vietnam Airlines đã chủ động triển khai các giải pháp tự thân để tái cơ cấu toàn diện như điều tiết linh hoạt sản xuất kinh doanh sát với diễn biến thị trường; tận dụng mọi cơ hội để tăng nguồn thu và dòng tiền.

Mặt khác, hãng cũng thực hiện triệt để tiết kiệm, cắt giảm chi phí; cơ cấu lại các khoản nợ vay; triển khai tái cơ cấu tài sản thông qua bán/thanh lý tàu bay cũ, đẩy mạnh tái cơ cấu một số danh mục đầu tư; tái cơ cấu tổ chức, tinh gọn bộ máy...

Đặc biệt, Vietnam Airlines đã báo cáo các cấp có thẩm quyền phương án gia hạn khoản vay tái cấp vốn trị giá 4.000 tỷ đồng thêm 3 năm.

"Các giải pháp nội lực cũng như việc tháo gỡ khó khăn của cấp có thẩm quyền giúp hãng thích nghi với tình hình mới, mang lại thu nhập, bổ sung dòng tiền qua đó góp phần cải thiện kết quả kinh doanh", Chủ tịch Đặng Ngọc Hòa nhấn mạnh.

Quý I/2024 lãi hơn 4.400 tỷ đồng

Ông Hòa dẫn chứng trong 3 tháng đầu năm nay, tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines đã khởi sắc khi đạt lợi nhuận sau thuế 4.441 tỷ đồng (quý cùng kỳ âm hơn 37 tỷ đồng). Trong đó, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 1.499 tỷ.

Đây cũng là mức lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý I cao nhất mà Vietnam Airlines đạt được kể từ khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần năm 2014.

“Lợi nhuận hợp nhất sau thuế khả quan như vậy là do Vietnam Airlines quyết liệt chỉ đạo Pacific Airline xóa khoản nợ gần 6.000 tỷ đồng đối với các chủ nợ quốc tế”, ông Hòa thông tin thêm.

Dù chưa có kết quả kinh doanh quý II, nhưng việc thị trường hàng không tiếp tục duy trì đà phục hồi chắc chắn sẽ giúp Vietnam Airlines có được kết quả kinh doanh tích cực trong 6 tháng đầu năm. Lãnh đạo Vietnam Airlines đánh giá hãng sẽ cán mốc lợi nhuận dương trong năm 2024.

Chúng tôi hi vọng tình hình tài chính sớm có thay đổi tích cực, dòng tiền được bổ sung, cải thiện chỉ số tài chính sẽ sớm giúp cổ phiếu HVN trở lại mức an toàn

Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa

Tại phiên họp này, Vietnam Airlines đã trình các cổ đông kế hoạch tái cơ cấu nguồn vốn giai đoạn 2024-2025 thông qua triển khai các phương án phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn hoặc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư mới.

"Chúng tôi sẽ triển khai ngay sau khi được phê duyệt. Quy mô, số lượng cổ phiếu phát hành sẽ công bố vào thời điểm thích hợp", ông Hòa thông tin với cổ đông.

Toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ bổ sung dòng tiền thiếu hụt phát sinh do dịch bệnh, hoàn trả một phần các khoản nợ được giãn hoãn trong giai đoạn Covid-19. Cùng với đó là triển khai một số dự án đầu tư trọng điểm.

“Chúng tôi hi vọng với tất cả những giải pháp nêu trên, nỗ lực hiện thực trong thời gian tới, Vietnam Airlines sẽ cân đối được thu chi, tái cơ cấu, khắc phục được việc lỗ lũy kế, âm vốn chủ sở hữu trong các năm tiếp theo.

Và khi tình hình tài chính có thay đổi tích cực, dòng tiền được bổ sung và cải thiện chỉ số tài chính như hồi trước dịch sẽ giúp cổ phiếu HVN sớm trở lại mức an toàn”, ông Hòa hứa với cổ đông.

Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Vietnam Airlines kỳ vọng lãi ròng hơn 4.200 tỷ đồng

Năm 2023, doanh thu hợp nhất Vietnam Airlines đạt 93.265 tỷ, cao hơn cùng kỳ gần 30%. Trong năm nay, tổng công ty đặt mục tiêu cân đối thu chi với nhiều giải pháp linh hoạt.

Pacific Airlines hoạt động lại với 3 tàu bay thuê từ Vietnam Airlines

Pacific Airlines sẽ khai thác các đường bay đi và đến sân bay Tân Sơn Nhất với 3 máy bay thuê từ Vietnam Airlines.

Vietnam Airlines chuẩn bị đón thêm 3 máy bay Airbus A320neo

Hãng dự kiến tiếp nhận chiếc đầu tiên vào đầu tháng 7, giai đoạn cao điểm nhất của mùa du lịch hè năm nay.

Hồng Nhung

Bạn có thể quan tâm