Vietnam Airlines dự kiến chấm dứt đà thua lỗ 4 năm liên tiếp với khoản lãi ròng hơn 4.200 tỷ đồng năm nay. Ảnh: HVN. |
Sáng 21/6 tại Hà Nội, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HoSE: HVN) - đã tổ chức phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024.
Đánh giá về bối cảnh kinh doanh năm nay, lãnh đạo Vietnam Airlines nhận thấy tình hình kinh tế - chính trị thế giới còn khó khăn. Các xung đột chính trị khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, làm giá nhiên liệu tiếp tục duy trì ở mức cao.
Khi giá nhiên liệu thay đổi sẽ làm chi phí khai thác của các hãng hàng không đội lên, tạo sức ép lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có Vietnam Airlines.
So với năm 2019, dự báo sản lượng đi lại của hành khách trên toàn cầu sẽ phục hồi. Tuy nhiên, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vẫn cần thêm thời gian. Tại thị trường Việt Nam, so với năm 2023, sản lượng hành khách dự báo tích cực hơn cả ở nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, yếu tố vĩ mô khiến thị trường còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường.
Lo thiếu tàu bay
Lãnh đạo Vietnam Airlines cũng bày tỏ lo ngại thị trường quốc tế đi - đến Việt Nam có thể chưa đạt được mức trước dịch do suy thoái kinh tế, xung đột chính trị và mất giá đồng tiền nội tệ tại các nền kinh tế lớn.
Thị trường Trung Quốc (khách hàng lớn thứ 2 của Vietnam Airlines) lại phục hồi rất chậm, mặc dù chính phủ nước này đã nới lỏng các chính sách xuất nhập cảnh từ đầu năm ngoái.
“Vấn đề cuối cùng nhưng là khó khăn lớn nhất, đó là về động cơ Pratt & Whitney trên các tàu bay A321/320 NEO gây ra tình trạng không ổn định, thiếu hụt nguồn lực tàu bay, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch khai thác, phục hồi và mở rộng mạng bay sau đại dịch”, lãnh đạo Vietnam Airlines bày tỏ.
Trong khi đó, giá nhiên liệu bay năm nay được xây dựng khoảng 104 USD/thùng và khoảng cách giữa dầu thô và nhiên liệu bay vào khoảng 30%.
Dựa trên các yếu tố vĩ mô kể trên, Vietnam Airlines đưa ra 2 kịch bản cho thị trường bay quốc tế (bao gồm cả thuê chuyến).
Ở kịch bản cao, dự kiến tổng lượng khách thị trường năm nay sẽ tăng gần 20% so với 2023 và phục hồi được 92% so với năm 2019.
Ở kịch bản yếu hơn, dự kiến tổng lượng khách thị trường chỉ tăng 13% so với 2022 và phục hồi được 87% so với 2019.
Với thị trường hàng không nội địa, Vietnam Airlines cho rằng các giải pháp vĩ mô được triển khai mạnh, kinh tế có dấu hiệu khởi sắc, các hãng có phương án bù đắp tải cung ứng có thể giúp tổng lượng khách thị trường tăng 2,5% so với năm 2023 và tăng 10% so năm 2019.
Trong kịch bản các giải pháp kích cầu có tác động chậm, sức mua của người dân chưa được cải thiện rõ rệt, các hãng không có phương án bù đắp tải cho phần thiếu hụt về nguồn lực tàu bay thì dự kiến thị trường giảm gần 6% so với năm 2023 nhưng vẫn tăng 1,3% so với năm 2019.
Kỳ vọng có lãi 4.200 tỷ đồng
Trên cơ sở nhận định trên, cùng với vấn đề thiếu hụt nguồn lực đội tàu bay, Vietnam Airlines cho biết sẽ chủ động triển khai sản phẩm quốc tế theo các định hướng lớn như dừng/giảm tần suất khai thác khai thác trên những đường bay chưa đạt hiệu quả cao.
Tiếp tục tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường thông qua việc mở các đường bay mới. Ngoài ra, các đường bay khác cơ bản duy trì tần suất khai thác như năm 2019.
Với thị trường nội địa, tổng công ty sẽ điều chỉnh lại tần suất cho phù hợp với nhu cầu thị trường nhằm đảm bảo cân đối hiệu quả và cố gắng bảo vệ các sản phẩm cốt lõi trong mạng bay nội địa.
Trong đó, duy trì, giữ thị phần chính của VNA Group trên các đường bay trục; tiếp tục tăng tải đường bay du lịch; điều hành tải linh hoạt nhằm đảm bảo hiệu quả.
Hoạt động khai thác thuê chuyến cũng được xây dựng trên cơ sở dự kiến về tiến độ phục hồi của thị trường Trung Quốc bao gồm thuê chuyến (chiếm 95% sản lượng thuê chuyến của Vietnam Airlines), mức độ phục hồi khoảng 37% so với năm 2019.
Năm nay, Vietnam Airlines đặt mục tiêu vận chuyển khoảng 22,64 triệu lượt hành khách, tăng gần 8% so với năm 2023 và bằng 99% năm 2019.
Chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 của Vietnam Airlines. Ảnh: HVN. |
Về kế hoạch tài chính, Vietnam Airlines cho biết sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng doanh thu và thu nhập, tiếp tục thực hiện quyết liệt việc quản trị và tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, đặc biệt là đội máy bay.
Hãng hàng không quốc gia Việt Nam cũng sẽ thực hiện thoái vốn tại Công ty TNHH Dịch vụ Hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS) để bổ sung thu nhập và dòng tiền. Trước đó, hãng đã đưa vào dự kiến kế hoạch 2024 thu nhập thoái vốn TCS khoảng 1.700 tỷ đồng trên cơ sở thận trọng về giá trị và tiến độ thoái vốn.
Với các kế hoạch kể trên, Vietnam Airlines kỳ vọng đạt mục tiêu cân đối thu chi năm nay. Trong đó, công ty dự kiến tổng doanh thu hợp nhất đạt 105.946 tỷ đồng, tăng 14% so với năm liền trước. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 4.233 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận riêng công ty mẹ đạt 105 tỷ.
Đáng chú ý, lãnh đạo hãng bay đánh giá tình hình dòng tiền năm 2024 sẽ rất khó khăn do nhiều khoản nợ tái cơ cấu đến hạn thanh toán trong năm, đặc biệt là từ tháng 7 khi các khoản vay tái cấp vốn bắt đầu đến hạn hoàn trả.
“Năm 2024, hãng đặc biệt chú trọng triển khai Đề án tái cơ cấu, với các giải pháp toàn diện về tái cơ cấu tài sản, nguồn vốn, danh mục đầu tư, tổ chức bộ máy và đổi mới quản trị doanh nghiệp. Mục tiêu lớn vẫn là giảm lỗ còn lại, tiến tới cân đối được thu chi trong năm 2024”, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết.
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.