Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Saudi Arabia 2017: Nghìn lẻ một đêm giữa bão tố Trung Đông

Phế truất thái tử, khủng hoảng Qatar, thanh trừng hoàng tộc..., Saudi Arabia đang trải qua hàng loạt biến cố với mong muốn đem lại sự đổi thay cho xứ sở "nghìn lẻ một đêm".

thai tu Saudi Arabia anh 1thai tu Saudi Arabia anh 2

thai tu Saudi Arabia anh 3

Một hôm, cô gái Sheherazade xin được vào cung và trở thành vợ của nhà vua, bất chấp sự phản đối của người thân. Để không bị giết, nàng kể chuyện cho nhà vua nghe, khiến ông hào hứng và muốn nghe tiếp phần còn lại của câu chuyện vào ngày hôm sau. Những câu chuyện ấy cứ thế kéo dài nghìn lẻ một đêm.

Đó là những câu chuyện đưa người nghe đến với xứ sở Arab xinh đẹp và trù phú cùng những con người giỏi giang, nhân hậu, dũng cảm và phi thường. Ở đó, người ta bắt gặp Alibaba, Aladin, Sinbad..., những vị anh hùng đem lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.

Ngày nay, vùng đất ấy một mặt vẫn đầy rẫy những anh hùng và con người tài giỏi, một mặt loay hoay quanh câu chuyện quyền lực, bạo lực cùng âm mưu tính toán đan xen giữa những giếng dầu. Saudi Arabia, nơi chứng kiến hàng loạt sự thay đổi trong năm 2017 với đủ hỉ, nộ, ái, ố,  chính là một ví dụ điển hình.

thai tu Saudi Arabia anh 4

Một đêm mùa hè, Thái tử Mohammed bin Nayef của Saudi Arabia bất ngờ được triệu tập đến gặp Quốc vương Salman bin Abdulaziz, tại tầng 4 của cung điện hoàng gia ở thánh địa Mecca.

Thái tử không trở về nhà sau đêm đó. Ông bị giam giữ và không thể liên lạc với bất cứ ai. Trong khi đó, quốc vương cử sứ giả đến nhà của từng thành viên trong Hội đồng Tận trung để có được sự đồng thuận của họ.

Sáng hôm sau, bin Nayef gặp quốc vương và em trai bin Salman. Họ chào hỏi và ôm nhau thắm thiết trước sự chứng kiến của hàng loạt phóng viên đang tìm cách ghi lại khoảnh khắc lịch sử: Mohammed bin Salman, hoàng tử 32 tuổi, chính thức trở thành tân thái tử Saudi Arabia, thay thế anh họ bin Nayef.

thai tu Saudi Arabia anh 5thai tu Saudi Arabia anh 6

Mohammed bin Salman sinh ngày 31/8/1985 và là con trai của Công chúa Fahda bint Falah bin Sultan bin Hathleen từ bộ lạc Ajman. Thời niên thiếu, ông từng là một trong 10 học sinh xuất sắc nhất của đất nước Saudi Arabia.

Thái tử 32 tuổi từng theo học ngành luật tại Đại học King Saud và tham gia hàng loạt chương trình đào tạo, huấn luyện trong suốt khoảng thời gian này. Sau khi tốt nghiệp, bin Salman làm chủ một vài công ty trước khi chính thức tham gia triều chính.

Điều kỳ lạ nhất ở đây chính là tuổi tác của tân thái tử. Ông trẻ hơn thái tử bị phế truất 25 tuổi. Ở một đất nước có 30 triệu dân và 70% dân số dưới 30 tuổi, vốn đang chịu sự cai trị của những người đàn ông lớn tuổi, sự vươn lên của bin Salman luôn khiến nhiều người đặt câu hỏi.

Trước khi trở thành người thừa kế ngôi báu, bin Salman đã nắm giữ nhiều vị trí quan trọng. Mới chỉ hai năm trước, ông được cha chỉ định làm bộ trưởng quốc phòng và nắm giữ vai trò then chốt đối với ngành công nghiệp khai thác và chế biến dầu mỏ, mũi nhọn của nền kinh tế Saudi Arabia. Thái tử luôn biết cách sử dụng danh tiếng của mình để củng cố quyền lực và nắm chắc ngai vàng trong tay.

Trong tư cách bộ trưởng quốc phòng, ông chịu trách nhiệm cho chiến dịch can thiệp quân sự của Saudi Arabia vào Yemen, chống lại lực lượng nổi dậy Houthi.

Suốt một năm qua, trong khi thái tử Mohammad bin Nayef hiếm khi xuất hiện trước công chúng, phó thái tử Mohammad bin Salman thường xuyên thực hiện những chuyến công du nước ngoài quan trọng. Nổi bật trong số đó là chuyến đi Washington D.C. để gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chuyến thăm Nhà Trắng của bin Salman đã tạo tiền đề cho chuyến thăm Saudi Arabia hai tháng sau đó của tổng thống Mỹ.

Chuyên gia Frederic Wehrey từ Viện Hòa bình Quốc tế Carnegie (Washington D.C.) nhận xét vị hoàng tử 31 tuổi đã nắm giữ "quyền lực và sự ảnh hưởng hiếm có trong một thời gian rất ngắn".

Trong thời gian vừa qua, một trong những minh chứng rõ nét nhất cho quyền lực và tầm ảnh hưởng của tân thái tử là vụ bắt giữ gây rúng động Trung Đông hồi đầu tháng 11.

thai tu Saudi Arabia anh 7

Cuối tuần đầu tiên của tháng 11, khách sạn Ritz Carlton ở thủ đô Riyadh của Saudi Arabia được phong tỏa. Cùng lúc đó, khu vực sân bay dành cho máy bay riêng của các thành viên hoàng gia cũng bị đóng cửa.

Chỉ vài giờ sau đó, Quốc vương Salman tuyên bố thành lập Ủy ban chống tham nhũng với mục tiêu trừng phạt “những kẻ dựa vào thế lực để biển thủ công quỹ”. Người đứng đầu ủy ban này, không ai khác, chính là Thái tử bin Salman.

Tiếp đó, hàng loạt thành viên hoàng gia và các bộ trưởng trong chính phủ Saudi Arabia bị bắt giữ. Nổi bật trong số đó là Hoàng tử Alwaleed bin Talal, người có tài sản lên tới 22 tỷ USD, được gọi là ông trùm kinh doanh ở Trung Đông. Truyền thông Saudi Arabia cho biết ít nhất 10 hoàng tử khác đã bị bắt giữ.

Tại đất nước Hồi giáo này, quốc vương là người nắm giữ mọi quyền lực. Các thành viên hoàng gia thường nhận được nhiều đặc quyền trong công việc làm ăn và kinh doanh. Nhiều người cho rằng quy tắc bất thành văn ở Saudi Arabia là các nhân vật đi theo đường lối của hoàng gia đều “bất khả xâm phạm”. Vì vậy, vụ thanh trừng này được coi là cú sốc lớn ở Trung Đông.

thai tu Saudi Arabia anh 8

"Đây dường như là bước đi cuối cùng của tân thái tử nhằm gạt bỏ những nhân vật có thể cản trở ông ấy", giáo cư Colin Kahn từ Đại học Georgetown nhận định về vụ bắt giữ được cho là nghiêm trọng nhất ở Saudi Arabia trong nửa thế kỷ qua.

Sau khi kế vị vào năm 2015, Quốc vương Salman ở tuổi "gần đất xa trời", dường như quyết định giao phó nhiều quyền lực vào tay con trai, người sẽ trở thành tân quốc vương trong tương lai gần.

Vụ bắt giữ hoàng gia hồi đầu tháng 11 không chỉ là bước đi nhằm củng cố địa vị cho tân thái tử mà còn là vụ tấn công mang tính công khai đầu tiên nhằm vào các thành viên hoàng gia Saudi Arabia, nơi những mối quan hệ nội bộ luôn được giấu kín.

Wall Street Journal cho biết chính phủ Saudi đặt mục tiêu thu giữ khoản tiền trị giá 800 tỷ USD từ 1.700 tài khoản ngân hàng sau vụ bắt giữ. Điều này cho thấy đây không đơn thuần chỉ là động thái nhằm gạt bỏ "chướng ngại vật" mà còn đem lại một nguồn thu kinh tế rất lớn cho đất nước vốn từng điêu đứng vì giá dầu.

Nhiều chuyên gia cho rằng vụ thanh trừng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến Saudi Arabia, bất chấp mục tiêu chống tham nhũng của tân thái tử và Quốc vương Salman.

Sự cứng rắn của bin Salman có thể nhận được phản ứng gay gắt từ các thành viên hoàng gia, dẫn tới những cuộc xung đột. Tân thái tử dường như đang cố gắng xây dựng hệ thống quyền lực đầy cứng rắn và kiên quyết, thứ có thể đem lại sự chủ quan trong mọi quyết định về sau và gây hoang mang cho các nhà đầu tư nước ngoài, vốn đã quen với phong cách làm ăn kiểu cũ.

Trong khi đó, Saudi Arabia dường như đang loay hoay với hàng loạt vấn đề từ đối nội tới đối ngoại: Nền kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào dầu mỏ đang hồi phục sau đợt biến động giá dầu năm 2015 khiến thâm hụt ngân sách lên tới 98 tỷ USD, tương đương 15% GDP; sa lầy trong cuộc chiến ở Yemen; thất bại trong việc cắt đứt quan hệ với Qatar và Iran đang ngày càng tìm cách gia tăng ảnh hưởng ở khu vực. Quốc vương tương lai đang là dấu chấm hỏi khiến nhiều người vừa vui mừng và cả lo lắng.

Tuy vậy, cuộc thanh trừng tham nhũng không phải điều không tưởng duy nhất xảy ra ở vương quốc này trong khoảng thời gian vừa qua.

thai tu Saudi Arabia anh 9

Một chiều tháng 10, phía ngoài một trung tâm mua sắm ở thủ đô Riyadh, Zeina Farhan đang lững thững đi với chiếc khăn trùm đầu quàng quanh vai. Cô giật thót rồi tê người trong sợ hãi khi thấy cảnh sát tới.

"Thưa bà, làm ơn trùm khăn lên tóc trong thời gian cầu nguyện", viên cảnh sát nói trong khi hạ cửa sổ ôtô.

"Tôi nói đồng ý, anh ta cảm ơn tôi rồi lái xe đi. Chỉ có vậy. Thật tuyệt vời".

Trước đây, một cuộc chạm trán như vậy có thể dẫn tới kết cục đáng buồn hơn rất, rất nhiều. Phụ nữ đi một mình và dám để lộ tóc ở nơi công cộng trong thời gian cầu nguyện có thể bị phạt tiền, thậm chí vào tù. Farhan đã chứng kiến những hình phạt đó suốt quãng đời mình.

"Sỉ nhục, ngục tù, đòn roi, hổ thẹn tột cùng", người phụ nữ 32 tuổi nói. "Điều tôi vừa trải qua cho thấy thật rõ rằng quá nhiều thứ đã đổi thay".

Đó chỉ là một trong hàng loạt những đổi thay lớn đánh vào mọi ngóc ngách tưởng như bất khả xâm phạm của xã hội Saudi Arabia. Vào năm tới, phụ nữ Saudi Arabia còn có thể được lái xe và tham dự các hoạt động thể thao, những buổi hòa nhạc sẽ được tổ chức và du khách sẽ được tới thăm các di tích cổ đại có từ trước thời kỳ Hồi giáo.

"Thay đổi" là từ được sử dụng một cách thận trọng tại vương quốc giàu có. Trong quá khứ, bất kỳ ý niệm nào về sự "tiến lên" cũng sẽ được gói gọn trong định nghĩa "cải cách".

thai tu Saudi Arabia anh 10thai tu Saudi Arabia anh 11

Sẽ chỉ là mơ mộng nếu mong đợi một cách tiếp cận tôn giáo không còn theo tư tưởng bảo thủ bắt rễ ở Saudi Arabia, nhưng nâng cao quyền phụ nữ rõ ràng đã phá vỡ những quy chuẩn này.

Và đó cũng lại chỉ là một nước đi trong kế hoạch của thái tử trẻ để phục vụ Tầm nhìn 2030 của Saudi Arabia, "một bước tiến lớn tới tương lai tươi sáng". Trong kế hoạch phục hưng kinh tế, quyền sẽ được trao nhiều hơn cho thế hệ trẻ, các tổ chức xã hội, và dĩ nhiên, phụ nữ.

Để phụ nữ đóng góp nhiều hơn cho phát triển thì cho phép họ lái xe là điều tất yếu. Sắc lệnh hoàng gia cho phép phụ nữ lái xe là một yếu tố bắt mắt trong chiến lược “trang điểm” quốc gia của bin Salman.

Tầm nhìn 2030 đã mang vẻ đầy tham vọng từ khi được công bố hồi năm ngoái, vào thời điểm bin Salman vẫn là phó thái tử và chưa có quyền kế thừa ngôi vương.

Chiến dịch được bắt đầu từ một chương trình PR nhẹ nhàng, nhằm cải thiện hình ảnh quốc tế có vẻ một màu của Saudi Arabia, bằng cách nhấn mạnh vào những yếu tố tích cực, hướng tới tương lai và nhu cầu của giới trẻ.

Cũng mới tháng 10, tại một cuộc hội thảo đầu tư quốc tế, được mệnh danh là "Diễn đàn Davos trên sa mạc", trước dàn khách VIP và một đoàn lớn các nhà báo nước ngoài, thái tử cũng thề sẽ đưa đất nước trở về với “Hồi giáo ôn hòa”.

“Những gì xảy ra trong vòng 30 năm qua không phải là đất nước Saudi Arabia. Những gì diễn ra ở khu vực trong 3 thập kỷ qua cũng không phải là Trung Đông", bin Salman phát biểu trong hội thảo. “Chúng tôi đơn giản chỉ đang quay về với điều mà chúng tôi đã theo đuổi, một quốc gia đạo Hồi cởi mở với thế giới và tất cả các tôn giáo".

Với tất cả những hứa hẹn đẹp đẽ, liệu Mohammed bin Salman có phải vị cứu tinh của Saudi Arabia, quốc gia luôn được nhìn nhận như một gã nhà giàu gia trưởng cùng cực?

Hashtag tuần qua: 'Trò chơi vương quyền' ở Saudi Arabia Quốc vương Saudi Arabia bất ngờ phế truất cháu trai và đưa con trai lên làm thái tử, trong bối cảnh Mỹ đang xích lại gần quốc gia này và cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh chưa hạ nhiệt.

thai tu Saudi Arabia anh 12

Hàng loạt biến cố và thay đổi ở Saudi Arabia là sự kiện quan trọng nhất trong khu vực Trung Đông kể từ khi IS đột ngột xuất hiện và chiếm đóng Mosul vào tháng 6/2014. Nhưng không giống việc IS chiếm Mosul, chính biến ở Saudi Arabia có thể để lại dư âm lâu hơn rất nhiều khoảng thời gian ba năm rưỡi, và tầm ảnh hưởng, đương nhiên, sâu sắc hơn nhiều đối với khu vực.

Tham vọng chính trị trong nước của Mohammed bin Salman và những động thái về đối ngoại được đặt trong bối cảnh bất ổn định sâu sắc, với quyền lực trong nước và trật tự khu vực đang biến chuyển khôn lường theo cách chưa từng thấy.

Dù có vẻ gây choáng ngợp, những gì thái tử Saudi Arabia làm gần đây thực chất chỉ là sự tiếp bước trên con đường lên đỉnh uy quyền từ năm 2015.

Trong nước, chiến lược chính trị táo bạo đó đã tương đối thành công - ít nhất trong tầm ngắn hạn. Trên trường quốc tế, những màn đánh cược đối ngoại như việc can thiệp vào tình hình Yemen hay phong tỏa Qatar nhanh chóng biến thành bãi lầy nguy hiểm.

Mohammed bin Salman dường như đang đẩy mạnh việc tạo ra một hệ thống quy tắc cá nhân hoá mà không có sự cân bằng và kiểm soát, vốn đã là đặc trưng cho hệ thống quản trị của Saudi Arabia.

Chính sách đối ngoại của Mohammed bin Salman cũng có tham vọng tương tự về tốc độ và quy mô như chiến lược trong nước, nhưng lại tạo ra những kết quả không như ý. Hai ví dụ rõ rệt nhất là chính sách đối với Yemen và Qatar.

thai tu Saudi Arabia anh 13thai tu Saudi Arabia anh 14

Sự can thiệp quân sự ở Yemen từ năm 2015 không gì khác hơn là một thảm họa. Cuộc chiến ở Yemen là "sản phẩm" của thái tử để thể hiện sự cứng rắn sau khi được bổ nhiệm làm bộ trưởng Quốc phòng. Không dấu hiệu của chiến thắng, bệnh viện và trường học bị ném bom tả tơi, dịch tả lan tràn.

Mỹ có thể thấy đây là cơ hội để bán thêm vũ khí cho Saudi Arabia, nhưng những nước khác trong liên minh quân sự, như UAE, thì chán nản với cuộc chiến đẫm máu vô nghĩa và chỉ muốn chấm dứt nó mà vẫn chưa có cách nào chấm dứt được.

Mới đây, cái chết của cựu tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh tiếp tục đẩy cuộc khủng hoảng vào ngõ cụt. Trước đó, nhà lãnh đạo này tuyên bố ông đã "đường ai nấy đi" với phe Houthi và ông muốn "bước sang trang mới" trong mối quan hệ với liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu. Động thái này biến mọi hy vọng của Saudi Arabia trong cuộc chiến dai dẳng ở Yemen tan thành mây khói.

Tương tự, liên minh "tẩy chay" Qatar do Saudi Arabia đứng đầu cũng không còn sức mạnh. Riyadh mong đợi Doha sẽ nghe theo đòi hỏi của mình mà ra mặt cứng rắn hơn với Iran. Nhưng không những điều đó không xảy ra, thậm chí Qatar còn trở nên thân mật hơn với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thách thức tư cách lãnh đạo của Riyadh.

Nhưng "yếu tố Mỹ" vẫn luôn rất quan trọng. Saudi Arabia khởi động màn đối đầu với Qatar bởi họ nghĩ mình có sự ủng hộ từ Tổng thống Donald Trump. Con rể tổng thống, Jared Kushner, được cho là đóng vai trò quan trọng trong sự kiện này.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã gọi Kushner là "đứa trẻ hết sức ngớ ngẩn cố thực hiện chính sách đối ngoại". Ông và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã ủng hộ Qatar, một đồng minh và trung tâm của các hoạt động quân sự của Mỹ ở Trung Đông và cân bằng chính sách của Washington trong vấn đề này.

Phần phụ cho bộ phim truyền hình kịch tính ở Saudi Arabia là một màn tấn công bằng tên lửa từ Yemen của phiến quân Houthi. Riyadh cáo buộc Iran, vốn hậu thuẫn Houthi, và gọi đây là "hành động gây chiến". Chưa hết, Thủ tướng Lebanon Saad Hariri tuyên bố từ chức ngay tại Riyadh với một bài phát biểu chống Iran, điều có thể gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị chấm dứt chiến dịch quân sự chống lại lực lượng vũ trang Hezbollah ở Lebanon.

Những thay đổi trong nước và thụt lùi trong đối ngoại của Saudi Arabia, một trong những trụ cột lớn nhất Trung Đông, khiến cho tương lai chính trị khu vực trở nên khó đoán định. Hơn bao giờ hết, vị thái tử trẻ tuổi Mohammed bin Salman cần nhiều hơn một cái đầu lạnh giữa mịt mù bão cát sa mạc Arab.

thai tu Saudi Arabia anh 15

Vào đêm thứ tư, từ rất sớm trong nghìn lẻ một đêm Arab diệu kỳ, nàng Sheherazade kể cho nhà vua nghe câu chuyện về vua Vân Nam và viên tể tướng độc ác.

"Sự áp chế ẩn trong mỗi trái tim, quyền lực làm lộ nó và sự yếu đuối che giấu nó", nàng ôn tồn.

Ở Saudi Arabia, sau tất cả những gì đã xảy ra trong chỉ vài tháng qua, sự áp chế không còn ẩn trong tim Mohammed bin Salman nữa.

Saudi Arabia và 3 ngày chấn động Trung Đông Saudi Arabia đang trong những ngày chao đảo bởi tên lửa tấn công thủ đô, một hoàng tử tử nạn, nhiều hoàng tử cùng các nhân vật quyền lực bị bắt trong chiến dịch chống tham nhũng.

Công nhận Jerusalem, TT Trump châm lửa 'thùng thuốc nổ Trung Đông'

Nhiều quốc gia Trung Đông và thế giới Arab đồng loạt cảnh báo việc Tổng thống Trump dự kiến công bố Jerusalem là thủ đô của Israel sẽ gây ra làn sóng bạo lực mới ở khu vực.

Muôn đời chia rẽ, Iran bất ngờ đoàn kết chống TT Trump và Saudi Arabia

Trước những chỉ trích liên tục từ Tổng thống Trump và đối thủ Saudi Arabia ngày càng phô trương thanh thế, người Iran đang đồng lòng đoàn kết ủng hộ chính phủ “chống mọi kẻ thù".

Hoa Hạ - Thế Long

Đồ họa: Châu Châu - Ảnh: Getty

Bạn có thể quan tâm