Nhà Trắng ngày 5/12 (giờ địa phương) ra thông báo cho biết Tổng thống Donald Trump đã trao đổi với 5 nhà lãnh đạo các nước Trung Đông về "những quyết định liên quan đến vấn đề Jerusalem".
Nhà thờ Vòm Đá thiêng và khu vực Thành Cổ ở Jerusalem. Ảnh: Reuters. |
Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Trump cũng khẳng định với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Palestin Mahmoud Abbas, Quốc vương Jordan Abdullah, Quốc vương Arabia Saudi Salman và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi về cam kết của Mỹ trong việc thúc đẩy đàm phán hòa bình Israel - Palestine.
Dự kiến ông Trump sẽ sớm ra tuyên bố chính thức vào ngày 6/12 (giờ Mỹ). Tuy nhiên, việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và di chuyển trụ sở đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv đến thánh địa này không chỉ phá vỡ chính sách hàng thập kỷ qua của Mỹ mà còn có nguy cơ châm ngòi khủng hoảng và làn sóng bạo lực mới ở Trung Đông.
Nguồn gốc xung đột
Vấn đề Jerusalem chính là trọng tâm của xung đột dai dẳng giữa Israel và Palestine. Nếu như Israel nhận được sự hậu thuẫn của Mỹ thì Palestine lại nhận được sự ủng hộ của toàn bộ phần còn lại của thế giới Arab và Hồi giáo.
Thành phố Jerusalem, đặc biệt là vùng Đông Jerusalem, là nơi quy tụ của nhiều địa điểm linh thiêng với 3 tôn giáo: Do Thái, Hồi giáo và Thiên chúa giáo.
Jordan từng chiếm đóng Đông Jerusalem, nhưng sau đó quyền quản lý rơi về tay chính quyền Israel sau chiến tranh Trung Đông giữa Israel và thế giới Arab vào năm 1967. Kể từ đó, Israel xem cả thành phố này là thủ đô không thể chia tách của họ.
Cảnh sát Israel tuần tra trên đường phố ở Đông Jerusalem. Ảnh: AFP. |
Trong khi đó, phía Palestine tuyên bố Đông Jerusalem chính là thủ đô của nhà nước tương lai. Thỏa thuận hòa bình Israel - Palestine 1993 nhấn mạnh quy chế cuối cùng của thành phố này sẽ được thảo luận ở giai đoạn cuối của các cuộc hòa đàm.
Tuy nhiên, chủ quyền của Israel với Jerusalem chưa bao giờ được cộng đồng quốc tế thừa nhận; dù phần lớn trụ sở đầu não của Israel gồm tòa nhà quốc hội, dinh tổng thống, văn phòng thủ tướng và các bộ, ngành... đều đặt ở Jerusalem. Tất cả các quốc gia, bao gồm Mỹ, đều đặt tòa đại sứ quán ở Tel Aviv.
Dẫu vậy, Israel vẫn tiến hành xây dựng hàng chục khu tái định cư làm nơi ở cho khoảng 200.000 người Do Thái ở Đông Jerusalem. Dĩ nhiên, đây là hành động phi pháp khi dựa trên luật pháp quốc tế.
Phá vỡ chính sách của Mỹ
Năm 1995, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật đại sứ quán Jerusalem, kêu gọi Washington di chuyển tòa đại sứ từ Tel Aviv sang Jerusalem, qua đó công nhận thành phố này là thủ đô của Israel. Về lý thuyết, đạo luật buộc chính phủ phải chấp hành.
Trên thực tế, một điều khoản trong luật đã cho phép các tổng thống được trì hoãn việc thực thi cứ mỗi 6 tháng "vì lợi ích an ninh quốc gia". Các đời tổng thống Mỹ gồm Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama đều ký hoãn phê chuẩn đạo luật theo chu kỳ 6 tháng.
Thủ tướng Israel cố gắng vận động Tổng thống Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Ảnh: AP. |
Đối với nước Mỹ, những hậu quả từ việc công nhận Jerusalem bao gồm cản trở việc phục hồi hòa đàm Trung Đông; thổi bùng lên sự phản đối khu vực khiến các binh sĩ và viên chức ngoại giao Mỹ tại đây rơi vào thế nguy hiểm; tiếp tay cho những chiến dịch tuyên truyền của các nhóm phiến quân và Iran.
Những nhóm phiến quân Hồi giáo như Al-Qaeda, phong trào Hamas và Hezbollah từ lâu đã tận dụng sự nhạy cảm của cộng đồng Hồi giáo với vấn đề Jerusalem để kích động tinh thần chống Israel và chống Mỹ trong khu vực.
Dù ông Trump đã khẳng định ngay từ chiến dịch tranh cử là sẽ đưa sứ quán Mỹ đến Jerusalem, ông phải miễn cưỡng trì hoãn việc này lần đầu tiên vào tháng 6. Nửa năm trôi qua, tổng thống đương nhiệm cho thấy ông không muốn kéo dài việc này nữa và cần bắt tay hành động.
Nguy cơ bạo lực ở Trung Đông
Các nguồn tin Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump dự định công khai tuyên bố Jerusalem chính là thủ đô của Israel; tuy nhiên trì hoãn việc di chuyển tòa đại sứ.
Tất cả những lãnh đạo Trung Đông đã nhận cuộc gọi từ ông Trump, ngoại trừ thủ tướng Israel, đều đồng thanh cảnh báo bước đi đơn phương này của Mỹ sẽ làm trật bánh đoàn tàu nỗ lực hòa bình nhiều năm qua, đồng thời gây ra cơn chấn động khu vực.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas không chỉ cảnh báo về "những hậu quả nguy hiểm đối với tiến trình hòa bình, an ninh và ổn định khu vực", mà còn cầu viện Giáo hoàng Francis và các nguyên thủ Nga, Pháp và Jordan cùng can thiệp.
Tổng thống Trump đặt tay lên Bức tường Than khóc, một địa điểm linh thiêng ở Jerusalem, trong chuyến công du Israel hồi đầu năm. Ảnh: AP. |
Các lãnh đạo Palestine thậm chí kêu gọi "3 ngày cuồng nộ" để phản đối dự định của Mỹ. Sự việc nghiêm trọng đến nỗi Bộ Ngoại giao Mỹ phải ban hành cảnh báo đi lại đến khu Bờ Tây và Thành Cổ ở Jerusalem.
Quốc vương Jordan Salman thì nhấn mạnh với Tổng thống Trump rằng bất kỳ thông báo nào về vị thế của Jerusalem "sẽ thổi bùng ngọn lửa với tất cả người Hồi giáo trên toàn thế giới".
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan dù không được ông Trump trao đổi về vấn đề Jerusalem cũng cảnh báo sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel nếu Mỹ quả quyết hành động. "Công nhận Jerusalem chính là vượt qua mọi lằn ranh đỏ", ông nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tình báo Israel, ông Israel Katz, khẳng định: "Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho tất cả tình huống, bao gồm đối phó với làn sóng bạo lực nếu Tổng thống Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Và nếu Abbas đi đầu trong sự bạo lực này thì đó sẽ là sai lầm lớn nhất của ông ấy".