Tại quảng trường nhộn nhịp nhất ở Tehran, nhiều hàng dài thanh thiếu niên xếp hàng, cầm cờ chiến thắng, chụp hình bên dưới một tấm biển hiệu lớn. Nhân vật trong biển hiệu là một thanh niên trẻ, trong trang phục binh đoàn Vệ binh Cách mạng Cộng hòa, chìa tay kêu gọi người dân Iran tham gia chung con đường.
Chàng thanh niên ấy tên Mohsen Hojaji, 26 tuổi, là một trong số hàng nghìn người Iran từng đi và về giữa chiến trường Iraq và Syria những năm gần đây. Tuy nhiên, sau khi bị bắt làm tù binh và bị phiến quân IS xử tử vào tháng 8, hình ảnh Hojaji đã được chính phủ Iran dựng lên thành anh hùng chiến tranh, khuấy động làn sóng chủ nghĩa dân tộc đang hình thành ở nước này.
Phụ nữ Iran mang di ảnh của Hojaji trong buổi tang lễ quy mô được tổ chức dành cho anh. Ảnh: NYT. |
Sau nhiều năm hoài nghi, nhạo báng hoặc quay lưng với những vấn đề chính trị, tinh thần chủ nghĩa dân tộc đang lan truyền giữa tầng lớp trung lưu Iran nhanh như cơn sốt. Nguyên nhân chính của sự thay đổi được cho là vụ Tổng thống Trump đắc cử và Saudi Arabia, đối thủ “không đội trời chung” của Iran, đang muốn trở thành nước có sự ảnh hưởng thống trị ở khu vực.
Phẫn nộ vì Trump
Người Iran thường xuyên nghe thấy từ chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông Trump mà vị ứng viên luôn lên án thỏa thuận hạt nhân Iran là “thỏa thuận tồi tệ nhất mà Mỹ từng ký”; đồng thời cam kết sẽ phá vỡ nó.
Đến năm 2017, dân Iran theo dõi trong sợ hãi khi Tổng thống Trump ký với Saudi Arabia hợp đồng bán vũ khí trị giá hơn 100 tỷ USD và còn tham gia một điệu nhảy múa kiếm truyền thống ở Riyadh.
Gần đây, những chính sách đối ngoại của Thái tử Mohammed bin Salman trẻ tuổi được cho là thiếu kinh nghiệm và nóng nảy, vội vàng.
Giữa những lo ngại đó, người Iran tin rằng đây là thời điểm họ đáng tự hào nhất, khi đội quân do Iran dẫn đầu đã đóng vai trò lớn trong chiến dịch tiêu diệt phiến quân IS ở Iraq và Syria, qua đó gia tăng thanh thế của Iran trong khu vực.
Dù Iran cũng có nền công nghiệp điện ảnh và âm nhạc đặc sắc, hai nhân vật nổi tiếng và được mến mộ nhất hiện nay không phải là diễn viên hay ca sĩ nào. Mà đó là Tướng Qassim Suleimani, lãnh đạo chiến dịch quân sự cấp khu vực của Iran, và Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif được cho là đại diện của một Iran khôn ngoan, thấu đáo và chừng mực.
Nói cách khác, dường như Tổng thống Trump và Saudi Arabia “vô tình” giúp chính phủ Iran nhanh chóng đạt được điều mà họ đã nỗ lực bao lâu nay: sự ủng hộ rộng rãi của công chúng với quan điểm cứng rắn chống Mỹ và Saudi Arabia, và Iran là một quốc gia vững mạnh đủ khả năng chống lại mọi kẻ thù.
Tổng thống Trump luôn đe dọa và chỉ trích Iran. Ảnh: AP. |
Những hạt mầm của chủ nghĩa dân tộc ở Iran được gieo lên từ sau cuộc bầu cử năm 2013, khi nhân vật ôn hòa là Hassan Rouhani đắc cử tổng thống. Đó là tia hy vọng mỏng manh đầu tiên của tầng lớp trung lưu thành thị Iran, kể từ sau những vụ đàn áp biểu tình mạnh tay trong phong trào phản đối kết quả bầu cử năm 2009.
Tổng thống Rouhani đã thực hiện được lời hứa khi mang lại thỏa thuận hạt nhân quốc tế giúp Iran thoát khỏi những vòng kim cô cấm vận đang siết chặt nền kinh tế và đời sống nước này. Khi thỏa thuận ký kết năm 2015, người Iran từng vỡ òa vui sướng khi đất nước của họ cuối cùng có thể trở lại “bình thường”.
Tuy nhiên, đến thời chính quyền Trump, Washington và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis vài lần tỏ quan điểm cho rằng Iran như là nguyên nhân chính của mọi rắc rối ở Trung Đông.
Làn sóng chủ nghĩa dân tộc
Trong bài phát biểu hồi tháng 10, khi Tổng thống Trump công bố về chiến lược của ông với Iran, ông đã gọi dàn lãnh đạo nước này là “sự cầm quyền độc tài thuộc về những kẻ giết người”, cáo buộc họ “gieo rắc chết chóc, hủy diệt và hỗn loạn khắp hành tinh”.
Nhưng điều khiến người dân Iran phẫn nộ nhất là khi ông gọi Vịnh Ba Tư là “Vịnh Arab”.
Chỉ trong vài phút, tất cả truyền thông Iran đăng lời phản đối cách gọi tên này của Tổng thống Trump.
Chính phủ Iran triển khai những mô hình vũ khí khắp các thành phố lớn để nâng cao tinh thần người dân. Ảnh: NYT. |
Hai tiếng sau, Tổng thống Rouhani đăng đàn phản bác lại bài phát biểu của ông Trump, bác bỏ mọi cáo buộc từ nhà lãnh đạo Mỹ. “Làm sao mà một tổng thống lại không thuộc tên quốc tế của một vùng vịnh lịch sử? Chính Vịnh Ba Tư này gần đây không may phải ‘đón tiếp’ những tàu hải quân Mỹ liên tục. Ông Trump nên hỏi các vị tướng của ông rằng bản đồ Mỹ ghi tên vùng vịnh này như thế nào?”, ông Rouhani nói.
Người Iran cũng “tấn công” các tài khoản mạng xã hội của Tổng thống Trump, để lại gần 3 triệu bình luận về Vịnh Ba Tư hoặc những lời chỉ trích ở trang Instagram của ông.
Những tháng gần đây, chính phủ Iran liên tục có những chiến dịch khuấy động làn sóng ái quốc trong nhân dân, qua đó củng cố thanh danh của Tehran. Họ cho dựng những mô hình tên lửa ở các khu vực trọng điểm tại thủ đô để trẻ em và người dân có thể chụp ảnh cùng. Lãnh đạo tối cao Iran, Ayatollah Ali Khamenei, người vốn rất ít khi bình luận về âm nhạc, gần đây cho biết một bài hát ái quốc của Iran chính là bài hát yêu thích của ông.
Tin tức những vụ thử nghiệm tên lửa của Iran luôn được dân chúng hoan nghênh đầy phấn khởi. “Họ cho rằng đó là biểu hiện của sự mạnh mẽ và an toàn”, Hamidreza Jalaeipour, giáo sư ngành xã hội học, nói. Theo ông, chính sức ép từ Mỹ và Saudi Arabia đã tạo nên tinh thần chung “chúng ta cùng chống lại kẻ thù” trên khắp Iran.
Trong những ngày thương tiếc và vinh danh Hojaji, anh Morterza Hosseinzadeh, 33 tuổi, thường xuyên tham gia để bày tỏ lòng kính trọng. Anh vận bộ đồ đen, cầm bức ảnh lớn của liệt sĩ trẻ hòa vào đám đông.
“Có rất nhiều người giống như tôi từng không quan tâm đến nhà nước này. Nhưng hôm nay chúng tôi đoàn kết lại vì mục tiêu lớn hơn. Một người Iran đã thiệt mạng, trong khi tổng thống Mỹ đang làm tan nát trái tim chúng tôi vì những lời đe dọa và miệt thị. Nếu chúng tôi phải chọn phe thì tôi đương nhiên đứng về đất nước mình”, anh Hosseinzadeh nói.
Trong khi đó, Hamidreza Taraghi, nhà phân tích chính trị quan điểm cứng rắn, cho rằng “nhờ có Tổng thống Trump và những phát biểu đầy kinh ngạc và sai sự thật của ông ta đã chứng tỏ quan điểm lâu nay của chúng tôi là đúng, rằng nước Mỹ không thể tin được”.