"Quân đội cùng cảnh sát sẽ báo thù cho những người đã nằm xuống (ở Sinai) và đảm bảo an ninh cũng như ổn định bằng vũ lực trong thời gian ngắn sắp tới", Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi tuyên bố đanh thép trên sóng truyền hình sau vụ tấn công đẫm máu nhất lịch sử nước này.
Thế nhưng, không ai dám chắc rằng kịch bản tệ hơn nữa sẽ không xảy ra. Mồi lửa âm ỉ từ lâu vừa bùng lên ở Sinai có thể kéo theo đám cháy lớn cho cả khu vực.
Trong những năm qua, bán đảo Sinai là điểm nóng vì tình trạng bất ổn liên tục gia tăng do hoạt động của các nhóm phiến quân, bao gồm một tổ chức chân rết của Nhà nước Hồi giáo (IS). Căng thẳng thường diễn ra giữa các nhóm phiến quân Hồi giáo chủ yếu là người Bedouin và lực lượng an ninh Ai Cập.
Dùng vũ lực để khuất phục đứa con bất trị có thể lại chính là đổ thêm dầu vào lửa.
Từ chốn nghỉ dưỡng bình yên
Bán đảo Sinai, một phần lãnh thổ Ai Cập nằm giữa Biển Đỏ và Địa Trung Hải, được mô tả như chốn nương náu cho những người đã quá quen với sự tiện nghi của thế giới văn minh hiện đại. Vùng hoang mạc cát bụi này của thế giới quyến rũ khách du lịch với vẻ đẹp hoang dã khác xa sự nhộn nhịp của những thành phố lớn phát triển của phương Tây hay thậm chí ngay cả thủ đô Cairo.
Ở đây có địa hình khiến người ta phải choáng ngợp: những đỉnh núi cao tới 2.000 m, những con sông khô cằn trơ nhìn thấy đáy, ánh dương chói lóa mắt người và những bóng râm mát lành. Đó là một cảnh quan đẹp như tranh vẽ níu kéo bước chân của khách du lịch từ mọi nơi trên thế giới.
Trên những con đường mòn, dễ dàng bắt gặp những bộ xương phơi trắng của lừa và dê. Nhưng vùng đất này không phải là một nơi khô cằn thiếu vắng hoàn toàn hơi thở sự sống. Những tán cây nở hoa vẫn đâm xuyên ngạo nghễ trên nền đất khô cằn.
Khu nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh trên bán đảo Sinai. Ảnh: Telegraph. |
Nằm dưới chân núi Sinai là Tu viện thánh Catherine, một trong những tu viện Cơ đốc giáo cổ kính nhất thế giới cũng là điểm tham quan nổi tiếng nhất của bán đảo Sinai. Mỗi năm, hàng nghìn người hành hương mộ đạo không quản khó nhọc tìm về với những bức tường cổ hơn 1.000 năm tuổi của tu viện này.
Bán đảo Sinai là nhà của khoảng 7.000 người du mục Bedouin. Những người Bedouin hiện đã từ bỏ lối sống du mục xưa cũ và kiếm sống chủ yếu dựa vào du lịch. Tuy nhiên, đối với những người đến với bán đảo Sinai, sự tồn tại của người Bedouin đại diện cho sức hấp dẫn trầm lắng và tĩnh lặng mà thường khó tìm thấy trong nhịp sống ồn ào đô thị.
“Mọi người đến đây vì họ muốn tìm một cái gì đó khác với những gì họ quen. Đó là sự bình an và yên tĩnh, cái cách chúng tôi có thể yên lặng mà ngắm nhìn các ngôi sao tỏa sáng vào ban đêm. Dù là ai đi nữa, đến một thời điểm nào đó trong đời cũng sẽ khao khát một sự yên tĩnh như vậy," Aaron Avitsur, một khách du lịch Israel trả lời Al-Monitor.
Tới vùng đất dữ
Sự bình yên của Sinai bị phá vỡ sau cuộc khủng hoảng chính trị năm 2011 và tiếp sau đó là việc ông Abdel Fattah al-Sisi, một người theo chủ trương bài Hồi giáo, lên làm tổng thống vào năm 2014.
Chính sách mạnh tay đối với người Hồi giáo của ông al-Sisi đã gây bất mãn trong cộng đồng này và thúc đẩy sự lớn mạnh của nhiều nhóm cực đoan, trong đó đáng kể nhất là Ansar Bayt al-Maqdis mà sau này đổi tên thành Sinai Province vào năm 2014.
Sinai trở thành chiến trường của bạo lực sau khủng hoảng chính trị 2011 tại Ai Cập. Ảnh: Anadolu. |
Quyết định đổi tên được đưa ra sau khi Ansar Bayt al-Maqdis cử người tới “móc nối” với lãnh đạo IS và thề trung thành với tổ chức này. Thỏa thuận giữa hai bên đã dẫn tới tuyên bố thành lập chi nhánh của IS ở Sinai. Ansar Bayt al-Maqdis nay có đối tác trong cuộc kháng cự với Tổng thống al-Sisi trong khi IS có chỗ đứng ở vùng hoang mạc khô cằn nhưng có vị trí chiến lược kẹp giữa 2 châu lục Á - Phi.
Sau cái bắt tay giữa IS và Sinai Province, thế giới choáng váng chứng kiến các vụ tấn công tại bán đảo này gia tăng cả về số lượng và độ phức tạp, phần lớn nhằm vào các mục tiêu quân đội hoặc cảnh sát Ai Cập. Theo thống kê, tính riêng trong nửa đầu năm 2015, hơn 700 vụ bạo lực diễn ra tại khu vực này với con số thiệt mạng lên tới hàng trăm.
Trước vụ tấn công nhà thờ Hồi giáo Al Rawdah ở Bir al-Abed hôm 24/11, chuỗi vụ tấn công đồng loạt hồi đầu tháng 7/2015 nhằm vào hàng chục mục tiêu của cảnh sát và quân đội gần thành phố Sheikh Zuweid ở Bắc Sinai được coi là vụ đụng độ đẫm máu nhất trong lịch sử với hơn 100 người thiệt mạng.
Và nhiều người cũng vẫn chưa quên thảm kịch chiếc máy bay Airbus A321 của Nga bay từ Sharm el-Sheikh (Ai Cập) đến thành phố Saint Petersburg (Nga) gặp nạn trên bán đảo Sinai ngày 31/10/2015. Chiếc máy bay nổ tung trên bầu trời không lâu sau khi cất cánh. Toàn bộ 224 người có mặt trên chuyến bay thiệt mạng.
Bán đảo 'tràn ngập vũ khí'
Thảm kịch Airbus A321 đã trở thành một quả bom ném vào cộng đồng quốc tế. Quan hệ Nga - Ai Cập trở nên căng thẳng, các chiến dịch điều tra quốc tế được thành lập và lãnh đạo từ khắp nơi trên thế giới đồng loạt lên tiếng.
Trong một tuyên bố đăng tải sau vụ việc, Sinai Province đã dõng dạc tuyên bố: “Những người lính của Khilafah đã có thể bắn hạ một máy bay của Nga trên vùng trời của Wilayat Sayna (tên khác của Sinai Province)”.
Mặc dù giới chức Nga và Mỹ đều bác bỏ giả thuyết những kẻ khủng bố nắm trong tay tên lửa có khả năng bắn hạ chiếc máy bay ở độ cao 9.000 m và nghiêng về khả năng một vụ cài bom, vụ máy bay Airbus A321 đã khiến nhiều người phải giật mình đặt câu hỏi về năng lực quân sự của Sinai Province.
“Bắt tay với IS giúp Sinai Province có nguồn quỹ dồi dào và còn được tiếp cận với nhiều loại vũ khí cao cấp”, Fox News dẫn lời Tony Schiena, nhà nghiên cứu ở công ty quân sự tự nhân MOSAIC.
Đó là chưa kể Bán đảo Sinai còn là một “thiên đường vũ khí”. Những nguồn tin địa phương miêu tả đây là nơi đủ mọi loại vũ khí, từ súng cầm tay tới tên lửa đất đối không vác vai được mua đi bán lại trong các cuộc đấu giá bí mật, với sự tham gia của những người mua bí ẩn đến trong những chiếc xe thùng. Số vũ khí này được lấy từ các kho chứa bị cướp phá ở Libya, hoặc có thể chảy lậu từ Iran qua Dải Gaza.
“Khu vực đó (Sinai) ngập ngụa vũ khí,” Scott Stewart, Phó Giám đốc phụ trách phân tích chiến thuật tại công ty phân tích thông tin STRATFOR có trụ sở ở Texas, Mỹ, cho biết. Ông nói rằng nhiều loại vũ khí hạng nặng, gồm cả pháo phản lực, đã được buôn lậu qua khu vực này.
Veryan Khan, thuộc Công ty Phân tích và Nghiên cứu về Chủ nghĩa khủng bố, cho rằng những kẻ khủng bố ở Sinai đang ngày càng trở nên liều lĩnh hơn nhờ nắm trong tay các vũ khí hạng nặng. Theo bà Khan, cứ 5 ngày trôi qua, một vụ tấn công lại xảy ra ở Sinai và các tay súng thậm chí nhắm vào các ngôi làng ở gần những thành phố lớn.
“Các vụ tấn công do chúng (Sinai Province) thực hiện dần trở nên chính xác và được điều phối tốt hơn. Chúng sử dụng chiến thuật chiến tranh du kích và các chiến thuật đặc biệt mang 'phong cách IS', như huy động nhiều kẻ đánh bom tự sát tấn công cùng một mục tiêu”, ông Schiena nói.
Sự bất lực của chính phủ
Ổn định tại Sinai là một ưu tiên chủ chốt đối với Ai Cập, đặc biệt với Tổng thống al-Sisi, người đã cam kết tiêu diệt khủng bố và đảm bảo ổn định tại quốc gia châu Phi này. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của Cairo, phần lớn bán đảo Sinai vẫn ở trong tình trạng vô chính phủ.
"Sinai trở thành điểm hoạt động chủ chốt của khủng bố vì tình trạng vô luật pháp, vô chính phủ. Đây là nơi quyền lực của chính quyền Ai Cập bị giảm sút”, James Philips, nhà nghiên cứu cấp cao tại bộ phận phân tích các vấn đề Trung Đông của Quỹ Heritage, nói.
Giao tranh giữa phe thánh chiến và quân chính phủ thường xuyên diễn ra tại Sinai. Ảnh: AP. |
Giới quan sát cho rằng vấn đề nằm ở chính sách chống khủng bố mang tầm nhìn ngắn hạn của Ai Cập. Tổng thống al-Sisi quá tập trung vào việc tiêu diệt khủng bố trong khi bỏ bê những chiến lược phát triển kinh tế, chính trị và xã hội đối với Sinai.
Kết quả là ở Sinai tồn tại một sự phát triển khập khiễng. Trong khi miền Nam hân hoan đứng trên đầu ngọn sóng đầu tư du lịch nhờ vào những khu nghỉ dưỡng nổi tiếng (nổi tiếng nhất là Sharm al-Sheikh, cũng chính là điểm xuất phát của chiếc máy bay xấu số Airbus A321), phần phía Bắc của bán đảo lại hầu như bị ngó lơ.
Sự bất mãn của một bộ phận người dân Sinai đã thúc đẩy tâm lý kháng cự lại chính quyền và nghiêng về phía các nhóm vũ trang có thể cung cấp tài chính cho họ dựa vào những tuyến đường buôn lậu. Giới lãnh đạo địa phương ngày càng gặp khó khăn trong việc kết nối với người dân và đối mặt với cảnh xói mòn quyền lực. Trong khi những lực lượng cực đoan như Sinai Province lại có cái cớ tốt để tuyển mộ thành viên mới và cực đoan hóa cư dân Sinai.
Trong khi đó, chính sách thù địch người Hồi giáo của chính quyền al-Sisi liệt phong trào Anh em Hồi giáo (MB) của cựu Tổng thống Morsi vào danh sách “tổ chức khủng bố”. Các vụ bắt giữ hàng loạt, những án tử hình liên tiếp, cùng những chiến dịch quân sự của hính phủ Ai Cập chống lại người Hồi giáo, chỉ càng thúc đẩy quyết tâm và nỗ lực của phe thánh chiến.
Ngay cả trên chiến trường, quân đội Ai Cập cũng không giành được lợi thế chiến lược trước phe thánh chiến trên địa hình hoang mạc đồi núi của Sinai vốn là “sân nhà” của những tổ chức như Sinai Province.
Ngòi nổ của Trung Đông
Giới chuyên gia cảnh báo nếu không sớm có được một giải pháp dài hạn, bán đảo Sinai có thể từ một ngòi nổ âm ỉ trở thành quả bom rung chuyển toàn Trung Đông.
Trong một thời gian dài, Israel vẫn luôn theo dõi diễn biến bất ổn tại Sinai với con mắt dè chừng. Quốc gia này có 200 km đường biên giới với Ai Cập chạy qua Sinai và thường xuyên thấp thỏm đối với những giao tranh xung đột liên miên phía bên kia đường biên trong khi lực lượng Chính phủ Ai Cập loay hoay tìm kiếm phương án tái lập ổn định tại khu vực này. Vịnh Aqaba nằm về phía Đông Bán đảo Sinai còn là tuyến đường duy nhất để Israel ra được Biển Đỏ.
Israel vì thế thường xuyên duy trì hợp tác tình báo và chống khủng bố với Ai Cập, thậm chí ủng hộ và hỗ trợ các chiến dịch quân sự của Cairo tại đây, hoàn toàn bỏ qua cam kết phi quân sự khu vực Sinai ký kết giữa hai nước trong Hòa ước Trại David năm 1979.
Nhưng không chỉ quốc gia láng giềng như Israel lo lắng về Sinai. Vùng đất này còn được coi là chìa khóa cho ổn định khu vực. Tầm quan trọng chiến lược của Sinai nằm ở việc tiếp giáp Kênh đào Suez, một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất đối với thương mại quốc tế. Khoảng 8% thương mại toàn cầu đi qua kênh đào nổi tiếng này, bao gồm 3% nguồn cung cấp dầu toàn cầu.
Ở một phạm vi lớn hơn, vị trí chiến lược nằm ở rìa của Vùng Levant, Vùng Vịnh và Bắc Phi khiến Sinai trở thành điểm trung chuyển lý tưởng cho các nhóm chiến binh và buôn lậu vũ khí. Nếu khu vực này thực sự rơi vào tầm kiểm soát của thế lực thánh chiến cực đoan, đây sẽ là mối đe dọa đối với sự ổn định của toàn bộ Trung Đông nói riêng và thế giới nói chung.