Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sóng ngầm và những cú sốc ở Bộ Ngoại giao Mỹ

Niềm tin giảm sút, sốc... là cảm giác của nhiều nhà ngoại giao Mỹ trước sự lãnh đạo của Ngoại trưởng Tillerson khi ông chủ trương cắt giảm nhân sự và không lắng nghe ý kiến của họ.

Trong số những viên chức tại Bộ Ngoại giao có thể gặp “rủi ro” vì chiến dịch cắt giảm nhân viên mà Ngoại trưởng Rex Tillerson khởi xướng, quyền Cục trưởng Cục An ninh Ngoại giao Ben A. Miller được cho là người ít có khả năng bị nhắm tới nhất.

khung hoang bo ngoai giao My anh 1
Ngoại trưởng Rex Tillerson đang gặp nhiều chỉ trích vì bị cho là làm suy yếu hoạt động ngoại giao Mỹ. Ảnh: AP.

Trước đây, các nghị sĩ đảng Cộng hoà nhiều lần tấn công cựu ngoại trưởng Hillary Clinton vì cho rằng bà không chú tâm nghiêm túc đến vấn đề an ninh cho các cơ quan ngoại giao, từ sau vụ tấn công lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, Libya, năm 2002. Quốc hội thậm chí đã thông qua luật cho phép quan chức phụ trách an ninh cấp cao nhất ở Bộ Ngoại giao được quyền tiếp cận trực tiếp ngoại trưởng.

Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu sau khi nhậm chức, nguồn tin của báo New York Times cho biết Ngoại trưởng Tillerson liên tục bác bỏ đề xuất, đôi lúc là khẩn cấp, của Cục An ninh Ngoại giao khi đơn vị muốn trao đổi với ông. Cuối cùng, ông Miller buộc phải viện dẫn luật thì mới được gặp ông Tillerson.

Theo nhiều cựu quan chức bộ này, ông Miller chỉ được cho phép 5 phút gặp mặt. Sau đó, ông bị gạt ra lề, gia nhập hàng ngũ những quan chức cấp cao được cho “nghỉ hưu non”. 

Sự ra đi của ông Miller đánh dấu một mốc mới trong mối quan hệ ngày càng xa cách giữa ông Tillerson và nhân viên tại Bộ Ngoại giao. Hồi mùa xuân, những ý kiến còn lạc quan thận trọng dần chuyển sang nỗi lo lắng của những nhà ngoại giao về việc ông Tillerson chỉ bàn bạc và ra quyết định dựa vào nhóm cố vấn nhỏ, và không trao đổi nhiều với viên chức chuyên nghiệp. Đến mùa hè, việc ngoại trưởng quá chú trọng vào cải tổ bộ máy và “nâng cao tính hiệu quả” của Bộ Ngoại giao đã tạo ra làn sóng bất mãn ngầm.

khung hoang bo ngoai giao My anh 2
Ông Miller đã có kinh nghiệm tại Cục An ninh Ngoại giao gần 30 năm. Ảnh: securitymagazine.

Hiện nay, sự bức xúc không còn được giấu kín nữa mà đã được bày tỏ công khai. Những nhà ngoại giao sau khi rời cơ quan đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm, đánh động đến các nghị sĩ quốc hội.

Trong thư gửi ông Tillerson tuần trước, những nghị sĩ đảng Dân chủ tại Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện đã nêu việc "hơn 100 nhà ngoại giao chuyên nghiệp rời bộ từ tháng 1”, qua đó bày tỏ lo ngại “hành động cố ý nhằm loại bỏ những quan chức ngoại giao cấp cao”.

Thượng nghị sĩ John McCain (đảng Cộng hoà) và Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen (đảng Dân chủ) cũng gửi thư đến Ngoại trưởng Tillerson viết rằng “sức mạnh ngoại giao Mỹ đang bị suy yếu từ bên trong, trong các khủng hoảng toàn cầu phức tạp thì đang gia tăng từ bên ngoài”.

Từng là tổng giám đốc tập đoàn Exxon Mobile, dưới con mắt một nhà quản trị doanh nghiệp kỳ cựu, ông Tillerson công khai quan điểm Bộ Ngoại giao là một bộ máy cồng kềnh; và những công việc ngoại giao thường ngày mà các nhân viên cấp thấp hơn đang thực hiện là không hiệu quả. 

Ông Tillerson đặt mục tiêu giảm số lượng 25.000 nhân viên toàn thời gian của Bộ Ngoại giao đi 8%, tương đương 1.982 người.

Ngay cả trước thời điểm Tillerson được phê chuẩn, đội ngũ của ông đã tìm cách sa thải nhiều nhà ngoại giao cấp cao của bộ. Trong số này gồm ông Patrick Kennedy là người được Tổng thống George W. Bush bổ nhiệm chức thứ trưởng phụ trách quản trị và bà Kristie Kenney là một trong 5 đại sứ chuyên nghiệp (hàm cấp cao nhất) của Bộ Ngoại giao. 

Khi từ chức, ông Kennedy và bà Kenney đều không nêu rõ lý do.

Những tháng sau, ông Tillerson tiến hành chiến dịch cải tổ mà ông cho là quan trọng nhất. Ông đã thuê 2 công ty tư vấn để thực hiện nỗ lực này. Vị ngoại trưởng cũng cho tạm ngưng việc tuyển dụng mới, gần đây thậm chí đề xuất nếu nhà ngoại giao hoặc nhân viên nào tự nguyện nghỉ việc trước tháng 4/2018 sẽ nhận gói “hỗ trợ” cao nhất là 25.000 USD trước thuế.

Bằng cách này, Tillerson hy vọng đạt được mục tiêu giảm gần 2.000 viên chức cho đến tháng 10/2018.

khung hoang bo ngoai giao My anh 3
Toà nhà Harry Truman, trụ sở chính của Bộ Ngoại giao Mỹ tại Washington D.C. Ảnh: CT.

Làn sóng nghỉ việc để phản đối

Một trong những cách loại người mà đội ngũ của Tillerson sử dụng là từ chối chấp thuận những nhiệm vụ mà các nhà ngoại giao mong muốn, hoặc cắt giảm các phần việc của họ.

Đến nay, những nhà ngoại giao bị đẩy ra ngoài thường là các quan chức Mỹ gốc Phi hoặc gốc Latin, nhiều người là phụ nữ.

Nổi bật trong số này là bà Linda Thomas-Greenfield, nhà ngoại giao chuyên nghiệp từng là đại sứ Mỹ tại Liberia dưới thời Tổng thống George W. Bush và trợ lý ngoại trưởng phụ trách Vụ Châu Phi dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Các trợ lý của ông Tillerson từng đề nghị bà Thomas-Greenfield phải sớm rời đi, nhưng bà bác bỏ và khẳng định tiếp tục làm việc cho đến khi chính thức nghỉ hưu vào tháng 9 vừa qua.

“Tôi không nghĩ mình bị nhắm tới vì là người gốc Phi. Tôi cảm thấy bị gạt ra vì tôi là người chuyên nghiệp”, bà nói trên New York Times.

Đối với những người không bị miễn nhiệm thì “nghỉ hưu” là giải pháp nhiều người lựa chọn, khi họ thấy năng lực không có chỗ để phát huy; như trường hợp ông Miller.

Các viên chức ngoại giao vừa nghỉ hưu tháng 11 này gồm 26 vị lãnh đạo cấp cao, bao gồm hai quyền trợ lý ngoại trưởng mới ngoài tuổi 50.

Dưới thời ông Tillerson, số lượng nhà ngoại giao 2 hàm cao cấp nhất (tương đương tướng 4 và 3 sao trong quân đội) tại bộ dự kiến giảm từ 39 còn 19 vào ngày 1/12. Trong số 431 vị ở hàm tham tán công sứ (tương đương tướng 2 sao), 369 người vẫn đang ở lại trong khi 14 vị khác ám chỉ sẽ sớm rời đi.

Tuy nhiên, những quan chức “bổ nhiệm chính trị” (PA) lại chưa được chỉ định để tham gia bộ máy và lấp vào sự thiếu hụt này. Đến nay chỉ mới 10 trong số 44 vị trí PA cấp cao là đã có người đảm nhận.

“Dàn lãnh đạo rất quan trọng. Bộ Ngoại giao hiện có một khoảng trống rất lớn. Những nhân viên trẻ đang phải làm việc với sự thiếu tự tin và thiếu uy tín vốn thường đến từ đề cử của tổng thống và sự phê chuẩn của quốc hội”, bà Nacy McEldowney, cựu đại sứ vừa rời Bộ Ngoại giao sau 30 năm trong ngành, nói.

khung hoang bo ngoai giao My anh 4
Ông Tillerson phát biểu trước các lãnh đạo và viên chức Bộ Ngoại giao Mỹ khi mới chính thức nhận nhiệm vụ. Ảnh: NYT.

R.C.Hammond, người phát ngôn của Ngoại trưởng Tillerson, bác bỏ nhận định rằng việc các nhà ngoại giao rời cơ quan là gây ra tác động tiêu cực.

“Vẫn có rất nhiều người đủ năng lực đang thực thi các sứ mệnh ngoại giao Mỹ. Cho nên việc nói rằng Bộ Ngoại giao bị ‘rút ruột' là sự xúc phạm với họ”, ông này nói.

Các cựu quan chức ngoại giao không đồng tình với nhận định này.

“Nước Mỹ đang là tâm điểm của mọi khủng hoảng trên thế giới. Anh sẽ không thể hoạt động hiệu quả nếu không có những trợ lý ngoại trưởng và các đại sứ ở mỗi điểm nóng. Điều đó thể hiện sự coi thường công tác ngoại giao”, R. Nicholas Burns, thứ trưởng ngoại giao dưới thời ông Bush “con”, nói.

Dù chính quyền Trump xem căng thẳng hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên là một trong những ưu tiên hàng đầu, tổng thống đến nay vẫn chưa đề cử vị trợ lý ngoại trưởng phụ trách Vụ Đông Á hoặc chưa đề cử đại sứ mới ở Hàn Quốc.

Tương tự, dù chiến sự ở Syria tiếp tục diễn biến phức tạp hoặc Saudi Arabia và Iran có nguy cơ xung đột, Mỹ vẫn chưa có trợ lý ngoại trưởng cho vụ Cận Đông hay đại sứ ở các nước Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Qatar, Ai Cập…

Nhiều nhà ngoại ciao bày tỏ họ vô cùng sốc với ông Tillerson, một phần do họ từng đặt nhiều kỳ vọng vào ông.

Bà Hillary Clinton hay ông John Kerry từng không được lòng nhiều trong nội bộ Bộ Ngoại giao, do hai vị này được xem là chỉ quan tâm theo đuổi các mục tiêu cá nhân hơn là công việc thực sự của bộ. Những ngoại trưởng hình mẫu được cho là các ông Colin Powell, James A. Baker III và George P. Shultz…

“Tôi từng nói với mọi người rằng ‘Tillerson sẽ rất tuyệt. Ông ấy có thể giúp định hình Bộ Ngoại giao’. Nhưng rồi tôi đã thất vọng. Hoá ra họ không chỉ là những người không tin nước Mỹ nên nắm vai trò lãnh đạo mà còn hoàn toàn không có năng lực”, bà Dana Shell Smith, đại sứ Mỹ ở Qatar vừa kết thúc nhiệm kỳ hồi tháng 6, nói với New York Times.

Ivanka vướng vào căng thẳng giữa Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ

Ngoại trưởng Mỹ không cử quan chức cấp cao nào của Bộ Ngoại giao tháp tùng Ivanka Trump tham dự hội nghị tại Ấn Độ, giữa lúc có nhiều tin đồn về căng thẳng giữa ông và Nhà Trắng.

Ngoại trưởng Mỹ: Cấm vận Triều Tiên ‘đạt hiệu quả quan trọng’

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khẳng định những cấm vận áp đặt lên chương trình hạt nhân của Triều Tiên có hiệu quả, nhưng vẫn mong muốn giải pháp ngoại giao cho tình hình.


 

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm