Quân đội Mỹ đang đứng trước một đối thủ ít ngờ đến nhưng mang tới những đe dọa khôn lường, đó là những thiết bị bay không người lái nguyên mẫu dành cho giải trí được vũ khí hóa. Dù có giá chỉ vài trăm USD, những thiết bị này có thể phá hủy những hệ thống khí tài quân sự đắt đỏ nhất của Mỹ, theo Wall Street Journal.
Mối dọa từ UAV
Nhỏ gọn, rẻ tiền, các thiết bị bay không người lái đang trở thành đe dọa chiến thuật đáng lo ngại nhất với quân đội Mỹ kể từ sau làn sóng đánh bom bằng thiết bị nổ tự chế ở Iraq 15 năm trước, Tư lệnh Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ Kenneth McKenzie cảnh báo.
"Ngay lúc này, chúng ta có thể vào bất cứ siêu thị nào và mua được một thiết bị bay, sau đó vũ khí hóa chúng nhanh chóng. Đây là vấn đề rất đáng quan ngại", tướng McKenzie phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện.
Các thiết bị bay cũng có thể được mua nguyên chiếc trên Internet hoặc lắp ráp từ những bộ phận tháo rời đặt mua trực tuyến.
Các nhóm phiến quân như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hay phong trào Houthi ở Yemen thường xuyên gắn chất nổ vào các thiết bị bay để tấn công các phương tiện, công trình quân sự đắt tiền, cũng như nhiều cơ sở lọc dầu, bến cảng, sân bay dân sự của Mỹ và các đồng minh.
Thiết bị bay không người lái của phiến quân bị bắn hạ tại Iraq. Ảnh: Reuters. |
Trong năm 2021, các nhóm vũ trang Shiite do Iran hậu thuẫn bắt đầu đẩy mạnh các vụ tấn công bằng thiết bị bay. Nghiêm trọng nhất là vụ tấn công vào Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad và âm mưu ám sát thủ tướng Iraq tại tư dinh.
Hồi tháng 7/2021, một số thiết bị bay không người lái đâm vào một tàu thương mại trên biển Arab làm 2 thủy thủ thiệt mạng. Khu tổ hợp dinh thự của hoàng gia Saudi Arabia ở thủ đô Riyadh cũng trở thành mục tiêu tấn công.
Mới đây nhất, các phương tiện bay không người lái bị bắn hạ trên bầu trời sân bay Baghdad, tại các khu vực gần căn cứ quân sự trong các ngày 3/1 và 6/1.
Chiến tranh bất tương xứng
Ưu tiên của Washington luôn là đối phó đe dọa trong chiến tranh quy ước từ các đối thủ chính như Trung Quốc và Nga. Mỹ rót hàng tỷ USD cho các hệ thống quốc phòng tiên tiến, từ tên lửa tới tàu sân bay.
Bởi vậy, các loại vũ khí tự chế là một thách thức đặc thù đối với quân đội Mỹ. Khi đối mặt với hàng trăm, hàng nghìn thiết bị bay giá rẻ, các hệ thống phòng không truyền thống như tên lửa - có giá hàng triệu USD mỗi quả - trở nên không phù hợp.
Các vụ tấn công bằng thiết bị bay nhắm vào Saudi Arabia cho thấy sự bất tương xứng về chi phí giữa mối đe dọa tiềm tàng và hệ thống phòng không. Để ngăn thiết bị bay của đối thủ, Saudi Arabia phóng tên lửa đất đối không trị giá 3 triệu USD mỗi quả. Giờ đây, kho tên lửa đánh chặn của Riyadh đã sắp cạn.
Mỹ đã triển khai một số loại vũ khí để đối phó đe dọa từ thiết bị bay không người lái, nhưng không phát huy hiệu quả. Các thiết bị bay nhỏ di chuyển thấp, chậm, có thể đột ngột đổi hướng, làm khó các hệ thống radar vốn được thiết kế để phát hiện các máy bay, tên lửa kích thước lớn, bay nhanh và cao hơn.
Thiết bị bay gắn kèm thuốc nổ có thể gây đe dọa cho thường dân và cơ sở dân sự khi rơi xuống đất. Và nếu những thiết bị này được triển khai với số lượng lớn, chúng có thể đánh gục ngay cả những hệ thống phòng thủ tinh vi nhất.
Để cải thiện khả năng theo dõi và nhận diện thiết bị bay không người lái, quân đội Mỹ đang tìm cách kết hợp đồng thời dữ liệu từ radar, camera và máy quét tần số vô tuyến.
Lực lượng Mỹ lần đầu đối mặt các vụ tấn công bằng thiết bị bay cỡ nhỏ quy mô lớn ở Iraq năm 2016 do IS tiến hành. Lầu Năm Góc nhanh chóng trang bị vũ khí sử dụng công nghệ gây nhiễu tín hiệu giữa thiết bị bay và trạm điều khiển chúng.
Nhưng công nghệ gây nhiễu nhanh chóng lỗi thời. Các thiết bị bay sau đó được tăng cường khả năng chống gây nhiễu. Phiến quân cài đặt chế độ lái tự động cho thiết bị bay, giảm tối thiểu liên lạc bằng sóng vô tuyến.
Bên cạnh đó, công nghệ gây nhiễu cũng gây bất lợi bởi có thể vô hiệu hóa hoạt động của trang thiết bị quân đội đồng minh hoặc dân sự.
Hệ thống phòng thủ bằng laser của Raytheon. Ảnh: Raytheon. |
Hệ thống phòng thủ hứa hẹn nhất đến lúc này là vũ khí đánh chặn bắn ra năng lượng cao như sóng tần số siêu cao (vi sóng) hoặc laser, đốt cháy bảng điện tử, động cơ hoặc các bộ phận quan trọng khác của thiết bị bay.
Công nghệ vũ khí sử dụng năng lượng hứa hẹn về mặt chi phí. Dù mức đầu tư ban đầu cao, nhưng một khi đi vào vận hành, chi phí cho mỗi lần bắn chỉ bằng giá điện thông thường, Ron Dauk - giám đốc chương trình laser của Boeing - cho biết.
Tướng không quân Alexus A. Grynkewich, chỉ huy tác chiến Bộ Tư lệnh trung tâm Mỹ, cho biết công nghệ vũ khí năng lượng cho phép khai hỏa liên tục mà không cần quan tâm số đạn dược còn lại, bất kể đối thủ có bao nhiêu thiết bị bay.
Vũ khí năng lượng có nhiều kích cỡ và công suất khác nhau. Kord Technologies và Raytheon Technologies đã giành được một hợp đồng vũ khí laser 50 kilowatt lắp trên xe thiết giáp Stryker của Lục quân Mỹ.
Trong khi đó, Boeing và General Atomics đang hợp tác phát triển vũ khí laser 300 kilowatt có khả năng bắn rơi thiết bị bay không người lái, tên lửa và máy bay có người lái.
Chưa tìm ra lời giải
Thủy quân lục chiến và Không quân Mỹ đã bắt đầu triển khai các hệ thống laser của Boeing và Raytheon để bảo vệ an ninh các căn cứ quân sự tiền tiêu hoặc lắp trên phương tiện tác chiến gần mặt trận.
Tháng 12/2021, Hải quân Mỹ thử nghiệm vũ khí laser năng lượng cao trên tàu ở ngoài khơi Yemen, nơi phiến quân Houthi thường xuyên sử dụng thiết bị bay không người lái gắn thuốc nổ. Hải quân Mỹ sau đó tuyên bố đã đánh chặn mục tiêu thành công.
Hiện nay, Không quân Mỹ đang phát triển hệ thống vũ khí vi sóng năng lượng cao nhằm đánh chặn nhóm nhiều thiết bị bay cùng lúc, gồm chảo radar và pháo bắn vi sóng cỡ lớn. Trong thử nghiệm mới nhất, hệ thống của Không quân Mỹ bắn hạ 90% mục tiêu.
Tuy nhiên, vũ khí vi sóng cũng tác động tới những hệ thống khác, bởi vậy kém hiệu quả trong môi trường đô thị. Ngay cả trên địa hình bằng phẳng, chúng cũng có khả năng ảnh hưởng tới trang bị, vũ khí của quân đồng minh.
Trong khi đó, vũ khí laser hoạt động kém hiệu quả trong điều kiện trời mưa, tuyết, sương mù hoặc khói. Hơn nữa, tia laser có thể gây ra thiệt hại ngoài ý muốn nếu bị phản chiếu hoặc bắn trượt mục tiêu. Một nhược điểm khác là vũ khí laser chỉ có thể tấn công một mục tiêu mỗi lần khai hỏa và cần thời gian tập trung vào mục tiêu lâu hơn.
Hệ thống phòng thủ bằng vi sóng. Ảnh: AFP. |
Bởi không hệ thống đơn lẻ nào đủ khả năng bảo vệ an toàn cho các mục tiêu giá trị cao trong các điều kiện tác chiến đa dạng, thách thức mà quân đội Mỹ phải đối mặt là làm thế nào kết hợp hiệu quả các hệ thống vũ khí này.
Lầu Năm Góc hiện đặt mục tiêu cho ra đời một hệ thống cảnh báo sớm sử dụng nhiều công nghệ giúp xác định nguồn gốc, độ cao của thiết bị bay và đưa ra những lựa chọn đánh chặn phù hợp, tướng McKenzie cho biết.
Một mối đe dọa khác ngày càng lớn hơn là chiến thuật sử dụng đồng thời nhiều thiết bị bay điều khiển bằng AI để tấn công một mục tiêu. Nếu các thiết bị bay có nhiều kích thước và cơ chế hoạt động, sẽ cần nhiều loại vũ khí mới có thể ngăn chặn cuộc tấn công như vậy.
Austin Doctor, chuyên gia về chống khủng bố Đại học Nebraska, cho biết những tiến bộ trong công nghệ chống máy bay không người lái không giúp giải quyết hoàn toàn mối lo từ đòn tấn công sử dụng các thiết bị bay giá rẻ.
"Đây sẽ là cuộc chơi đòi hỏi sự thích ứng liên tục. Cuộc chiến giữa quân đội chính quy và các nhóm phiến quân, ở nhiều khía cạnh, đòi hỏi sự sáng tạo và dự đoán những bước đi kế tiếp của đối phương", ông Doctor nói.