Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Sàn TMĐT quản hàng giả, hàng nhái theo kiểu 'thả gà ra bắt'

Thay vì kiểm soát ngay từ khâu đầu vào, một số sàn TMĐT vẫn chọn đi sau người bán. Điều này khiến hoạt động hàng giả, hàng nhái trên không gian TMĐT vẫn còn bị động.

hang gia hang nhai tmdt anh 1

Hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) vốn nhen nhóm xuất hiện tại Việt Nam từ đầu những năm 2000. Nhưng phải 10 năm trở lại đây, TMĐT mới thực sự bùng nổ nhờ sự xuất hiện của hàng loạt sàn giao dịch như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo…

Hậu đại dịch, một nhánh khác của TMĐT là thương mại xã hội, tức hoạt động mua/bán trực tiếp trên các nền tảng truyền thông xã hội, với một số cái tên tiêu biểu như Facebook, Instagram hay mới đây nhất là TikTok cũng có thêm động lực phát triển mạnh mẽ hơn.

Bên cạnh những vấn đề nổi cộm như đảm bảo không gian mua sắm online an toàn hay nguồn thu thuế từ hoạt động giao dịch TMĐT, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc tràn lan vẫn là một trong những thách thức đối với chủ sàn lẫn cơ quan quản lý.

Liệu có tình trạng cố tình “thả”?

Sự đa dạng hàng hóa trên các sàn TMĐT là điều không thể bàn cãi. Nhưng cùng với đó, một mặt hàng, đặc biệt là hàng thương hiệu, liên quan đến thời trang, mỹ phẩm, lại được các tiểu thương online đưa ra nhiều mức giá khác nhau và điểm chung là rẻ chỉ bằng 1/2, thậm chí 1/3 so với niêm yết chính thức.

Bản thân người bán cũng không ngần ngại hé lộ về nguồn gốc sản phẩm, vốn được sản xuất chui tại các xưởng phía kia biên giới rồi nhập bằng đường tiểu ngạch để vào Việt Nam.

Bộ Công Thương cho biết tính riêng năm 2021, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phát hiện hơn 3.000 trường hợp kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thông qua TMĐT. Trong vòng 2-3 năm tới, tỷ lệ gian lận trên TMĐT được dự đoán có thể chiếm 50-60% tổng hình thức gian lận thương mại.

Trên thực tế, các sàn TMĐT đều triển khai biện pháp kiểm soát, phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc như thông qua báo cáo của người dùng, yêu cầu chủ gian hàng cung cấp giấy từ cần thiết hay tự thiết lập các kho hàng chính hãng. Song, tình trạng này không những được cải thiện mà còn trở nên phức tạp hơn, tập trung chủ yếu tại một số nền tảng lớn, mới nổi.

Chia sẻ với Zing, một lãnh đạo trong ngành đề nghị giấu tên tiết lộ các sàn TMĐT có xu hướng “dễ dãi” trong hoạt động đăng ký, mở shop cũng như khâu kiểm duyệt hàng hóa. Chính sự “dễ dãi” này thu hút đông đảo người bán, tạo sự đa dạng về sản phẩm và kéo người dùng đến với nền tảng.

Sàn thường kiểm soát chặt chẽ sản phẩm tốt, uy tín bằng các điều kiện kinh doanh như giấy phép, thử sản phẩm mới cho rao bán. Tuy nhiên, những mặt hàng bình dân lại được tạo cơ chế thông thoáng để thu hút thêm tiểu thương.

Vị này cũng nhấn mạnh mở đường cho hàng bình dân cũng là cách thu hút lượng khách hàng bình dân, có nhu cầu mua sắm những mặt hàng giá rẻ, chất lượng không đòi hỏi cao.

Trong một buổi đối thoại về chuyên đề chống hàng giả, hàng nhái trên sàn TMĐT, ông Vũ Anh - Giám đốc chiến lược sàn TMĐT Vỏ Sò - đánh giá việc cố gắng mở rộng quy mô, số lượng người bán của các sàn khiến các khâu kiểm soát, xác minh hàng hóa chưa được chặt chẽ, từ đó nảy sinh nhiều vấn đề nhức nhối.

Song song, tiêu chuẩn chất lượng của một sản phẩm cũng chưa được chú trọng, đảm bảo khiến người cuối cùng chịu thiệt thòi chính là người tiêu dùng.

Chấp nhận chạy sau

Trong khi đó, ông Đặng Đăng Trường - chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về TMĐT - tin rằng việc kiểm soát hàng giả, hàng nhái đúng là thách thức không dễ dàng đối với các sàn khi người bán có "nghìn kế" để lách qua tầm kiểm soát. Tuy nhiên, việc tồn tại thách thức này cũng có một phần nguyên nhân đến từ chính mô hình vận hành mà đa số các sàn thương mại điện tử hiện tại đang lựa chọn.

“Việc cố ý buông lỏng theo nghĩa làm lơ cho hàng giả, hàng nhái xuất hiện tôi khẳng định là không có. Quy trình xử phạt với các trường hợp người bán kinh doanh hàng giả, hàng nhái được các sàn áp dụng hiện nay đều rất chặt và bài toán giải quyết tương đối đau đầu. Việc hàng giả, hàng nhái lộng hành cũng ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của sàn, trong cả việc giữ uy tín với khách hàng lẫn các đối tác, nhãn hàng, nhà đầu tư”, ông Trường nhận định.

Các sàn nhìn chung đều đưa ra các chính sách chống hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc. Dẫu vậy, các chuyên gia cho rằng việc sàn vẫn duy trì chính sách “thả gà ra bắt” là một trong những nguyên nhân khiến hàng hóa trái pháp luật có đất sống.

hang gia hang nhai tmdt anh 4

Các sàn vẫn dựa vào khâu hậu kiểm để quản lý hàng giả, hàng nhái. Ảnh: Phương Lâm.

“Có thể nói đa phần các sàn chấp nhận sống với cơn đau đầu này và liên tục giảm nhẹ nó bằng những liều thuốc ngắn hạn. Cụ thể, có 3 trên 4 sàn TMĐT lớn nhất nước hiện nay (Lazada, Shopee, Sendo) hoạt động theo mô hình C2C nghĩa là họ mở cửa cho mọi cá nhân mở gian hàng và bày bán mà không cần đăng ký kinh doanh, không cần các loại giấy tờ chứng nhận sở hữu trí tuệ, đăng ký thương hiệu. Chỉ sau khi người bán đăng sản phẩm rồi thì các sàn này mới bắt đầu quét để phát hiện sai phạm hoặc với các trường hợp tinh vi thì phải đến lúc có khách hàng khiếu nại”, ông Trường lý giải.

Theo vị chuyên gia, điều này đồng nghĩa các sàn chấp nhận chạy theo sau người bán. Riêng Tiki là trường hợp cá biệt khi yêu cầu người bán phải trưng đầy đủ giấy tờ trước khi được phép mở gian hàng.

Đa phần các sàn chấp nhận sống với cơn đau đầu này và liên tục giảm nhẹ nó bằng những liều thuốc ngắn hạn

Ông Đặng Đăng Trường, chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về TMĐT

Tương tự, vị lãnh đạo giấu tên từng thừa nhận những rủi ro khi tạo điều kiện dễ dàng trong việc mở shop online. Về khâu kiểm soát hàng hóa, các sàn trước đó đều áp dụng chính sách hậu kiểm, tức khi hàng hóa lên sàn phát sinh vấn đề mới điều tra và xử lý.

Ông Trường đánh giá việc kiểm duyệt hàng hóa trên các sàn TMĐT sẽ ngày càng tốt hơn do sự tiến bộ của công nghệ cũng như quy định nghiêm ngặt của cơ quan chức năng.

Dù vậy, TMĐT không chỉ xoay quanh 4 sàn giao dịch chính. Thực tế cho thấy các kênh thương mại xã hội như Facebook hay đặc biệt là TikTok Shop cũng đang cố gắng gia tăng thị phần trong lĩnh vực này.

“Về bản chất, việc đăng bán sản phẩm trên các kênh này còn dễ hơn sàn truyền thống và hiện tại gần như chưa có một biện pháp chống hàng giả, hàng nhái nào. Khó khăn trong thời gian tới chắc chắn sẽ đến từ đây”, ông Trường nhấn mạnh.

Doanh thu TMĐT của Việt Nam có thể sớm vượt Thái Lan, ngang Singapore

Doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam vào năm 2025 được dự báo đạt 39 tỷ USD, chỉ đứng sau Indonesia trong khu vực Đông Nam Á.

Ngành thương mại điện tử thiếu nhân lực

Lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển nhanh và ổn định theo lộ trình 10 năm 2016-2025 nhưng còn đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến nguồn nhân lực.

Minh Khánh

Bạn có thể quan tâm