Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngành ngân hàng đi trước một bước trong chuyển đổi số

Đây là quan điểm của ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng - khi đánh giá về quá trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng tính đến nay.

Sự gián đoạn của đại dịch cho thấy vai trò của chuyển đổi số đối với ngân hàng và người dân. Ảnh: Chí Hùng.

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức buổi tọa đàm “Ngành Ngân hàng tiên phong chuyển đổi số: Để toàn dân tham gia, toàn dân hưởng lợi”. Đánh giá về quá trình chuyển đổi số tính đến nay, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng - cho rằng ngành ngân hàng là ngành đầu tiên đi trước một bước.

Thời gian qua, các ngân hàng luôn tập trung nguồn lực lớn gồm vốn, công nghệ, con người vào chuyển đổi số. Bản thân ngành ngân hàng cũng hưởng lợi khi chuyển đổi số thành công. Nhờ quá trình này, một số ngân hàng ghi nhận hệ số CASA lên đến 40-50%, từ đó thúc đẩy lợi nhuận trong giai đoạn dịch bệnh.

“Có lúc người ta không hiểu vì sao ngân hàng lợi nhuận cao thế trong bối cảnh dịch bệnh. Tuy nhiên, lợi nhuận cao như thế cũng là nhờ CASA lên đến 40-50%, góp phần nâng tỷ lệ lợi nhuận và người dân được hưởng lợi”, ông Hùng nhận định.

Khó khăn từ hành lang pháp lý

Dẫu vậy, xu hướng này đối với các ngân hàng thương mại cũng vấp phải nhiều khó khăn. Trên thực tế, việc hoàn thiện, bổ sung hành lang pháp lý trong giai đoạn ban đầu đã tạo lợi thế cho hoạt động chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng Luật Giao dịch điện tử có từ năm 2005, cách đây 17 năm nhưng chuyển đổi số chỉ thực sự mạnh và rõ ràng nhất khi triển khai trong giai đoạn Covid-19 hoành hành. Song, các tổ chức tín dụng đã phải chuẩn bị trước đó vài năm.

NHNN cũng đã có sự chủ động, nắm bắt được xu hướng thế giới, từ đó tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 35 để có thể triển khai. Đại diện Hiệp hội Ngân hàng tin rằng nếu không có Nghị định 35 mà chỉ dựa vào Luật Giao dịch điện tử, ngân hàng khó có thể triển khai các dịch vụ giao dịch tiện ích.

chuyen doi so ngan hang anh 1

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng ngành ngân hàng đã phải vượt qua khó khăn để đáp ứng yêu cầu, ứng dụng thực tiễn và triển khai theo khung quy định của pháp luật. Ảnh: Nhật Bắc/VGP.

Hiện nay khoảng 90% dịch vụ thanh toán liên quan đến tiền gửi đều có thể triển khai chuyển đổi số, phần còn lại là nghiệp vụ cho vay và dịch vụ khác liên quan đến các bộ ngành. Tuy nhiên, cho đến khi Luật Giao dịch điện tử được sửa đổi, bổ sung, Thông tư 39 không thể sửa đổi được.

Đồng quan điểm, TS Phạm Xuân Hòe chỉ ra 5 khó khăn cho quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng. Đầu tiên là vấn đề khung pháp lý như đại diện Hiệp hội Ngân hàng đề cập.

Thứ hai là vốn đầu tư cho công nghệ thông tin rất lớn. Theo khảo sát, có dưới 50% ngân hàng ra bỏ ra 3% chi phí đầu tư công nghệ thông tin trong khi khoảng 13% ngân hàng đầu tư trên 13%, con số không hề đơn giản.

Thách thức thứ ba là vấn đề đào tạo, tuyển dụng nhân sự về công nghệ thông tin. Thứ tư là vấn đề hacker tấn công trên không gian mạng và cuối cùng là mặt bằng nhận thức chung của đại bộ phận khách hàng về chuyển đổi số, sản phẩm số chưa theo kịp công nghệ phát triển ngày nay.

Một trong những quốc gia dẫn đầu ứng dụng ngân hàng số

Trước một số vụ việc như trục lợi, lừa đảo thông qua tin nhắn, hoặc mất tiền trong tài khoản, ông Hùng hy vọng các cấp, ngành và người dân hiểu và chia sẻ cho ngành ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

“Lỗi đó không phải là ngành ngân hàng, ngành ngân hàng đang phải chịu ảnh hưởng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp, kiến nghị với các bộ, ngành liên quan để có giải pháp phù hợp đảm bảo an toàn cho người dân”, ông Hùng lưu ý.

Cùng trao đổi về vấn đề này, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Lê Anh Dũng nhấn mạnh người dùng phải được cung cấp thông tin, kiến thức cũng như kỹ năng an toàn tài chính để sử dụng các sản phẩm số từ ngân hàng.

chuyen doi so ngan hang anh 2

Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Lê Anh Dũng. Ảnh: Nhật Bắc/VGP.

Bên cạnh đó, NHNN đang cùng Bộ Công An triển khai kết nối nền tảng dữ liệu đang có như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho quá trình định danh, xác thực điện tử chính xác và đưa ra những dịch vụ an toàn, tiện lợi, uy tín hơn.

Trong kỷ nguyên số, quá trình số hoá dữ liệu rất quan trọng. Ngành ngân hàng không chỉ cung cấp dịch vụ của chính ngân hàng mà còn ngoài ngân hàng thông qua việc tạo lập hệ sinh thái số để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ an toàn cho người dùng trên các thiết bị điện tử.

Tại buổi tọa đàm, ông Lê Anh Dũng dẫn số liệu 95% ngân hàng đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số cũng như chủ động nắm vững các công nghệ 4.0 như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn (Big Data)… để nâng cấp, cải thiện hệ thống công nghệ thông tin, sản phẩm, dịch vụ.

Ngành ngân hàng bước đầu đã đầu tư 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số và ghi nhận những kết quả tích cực. Bên cạnh đó, đại diện Vụ Thanh toán đánh giá Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu khi tỷ lệ tăng trưởng 40% trong thời gian ngắn.

Vietcombank, VietinBank và Agribank tăng lãi suất

Cuộc đua tăng lãi suất góp mặt thêm 3 “ông lớn” là Vietcombank, VietinBank, Agribank với biểu lãi suất huy động mới tăng tới 1,3 điểm %, mức tăng mạnh hơn nhiều ngân hàng tư nhân.

Doanh thu TMĐT của Việt Nam có thể sớm vượt Thái Lan, ngang Singapore

Doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam vào năm 2025 được dự báo đạt 39 tỷ USD, chỉ đứng sau Indonesia trong khu vực Đông Nam Á.

Minh Khánh

Bạn có thể quan tâm