Báo cáo tiền khả thi “chính xác chưa cao”
Trình bày báo cáo giải trình bổ sung về báo cáo đầu tư dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, ông Thăng cho biết: “Trong giai đoạn lập báo cáo tiền khả thi, khái toán chi phí được lập trên cơ sở suất đầu tư nên độ chính xác chưa cao. Giá trị khái toán tại thời điểm báo cáo Quốc hội cho cả dự án là 18,7 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 là 7,8 tỷ USD (tương đương khoảng 164.589 tỷ đồng)”.
Bộ trưởng Đinh La Thăng: "Trong giai đoạn lập báo cáo tiền khả thi, khái toán chi phí được lập trên cơ sở suất đầu tư nên độ chính xác chưa cao". |
“Sau khi rà soát và tính toán chi tiết hơn trên nguyên tắc áp dụng đơn giá của các dự án có quy mô và yêu cầu kỹ thuật tương tự đã và đang triển khai trên thế giới cũng như trong khu vực, giá trị khái toán rà soát lần này là 15,8 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 là 5,2 tỷ USD (tương đương khoảng 109.970 tỷ đồng)”, ông Thăng nói.
Như vậy, chỉ vài tháng sau kỳ họp Quốc hội, số vốn khái toán cho siêu dự án này đã giảm bớt 2,9 tỷ USD.
Về diện tích sử dụng đất cho dự án, bộ trưởng Thăng cho biết sau khi rà soát lại báo cáo đầu tư, nhu cầu sử dụng đất cho dự án là 2.750 ha (chỉ tính diện tích đất cần thiết cho các hạng mục hàng không thiết yếu của cảng hàng không, sân bay), không bao gồm diện tích đất cho quốc phòng (khoảng 1.050 ha) và đất dành cho các hạng mục phụ trợ và đầu tư xây dựng khu công nghiệp hàng không (khoảng 1.200 ha).
Nhiều câu hỏi cần giải đáp
Băn khoăn lớn nhất được Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển đặt ra cho siêu dự án này vẫn là cơ chế tài chính và hiệu quả đầu tư.
“Vấn đề cần đặt ra là thứ tự ưu tiên đầu tư trong điều kiện vốn liếng khó khăn. Chúng ta không làm được đường bộ cao tốc Bắc - Nam thì không thể nói gì đến công nghiệp hóa, rồi đường sắt cũ kỹ đã hàng trăm năm rồi… Chúng ta đặt trật tự ưu tiên nào? Như vậy thì sân bay có cần làm ngay không hay là để lại giai đoạn sau”, ông Hiển đặt câu hỏi.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách tiếp tục đặt hàng loạt vấn đề: Cơ chế tài chính nào cho dự án này? Cấp vốn không hoàn lại hay là cấp vốn cho doanh nghiệp kinh doanh? ODA vay về cho vay lại hay là cấp? Rồi nói đến vốn ngoài ngân sách thì có những khoản nào Chính phủ phải bảo lãnh hay không? Cơ chế quản lý, thu hồi vốn thế nào? Hiệu quả kinh tế của dự án ra sao? Đầu tư lớn như vậy thì khả năng thu hồi vốn thế nào?
“Xét cho cùng thì cũng là tiền ngân sách thôi. Ví dụ giai đoạn một 100.000 tỷ thì 12.000 tỷ là vốn ngân sách tập trung, ODA đi vay cũng là ngân sách, rồi đầu tư công tư kết hợp cũng là cần vốn ngân sách. Tôi tính ra giai đoạn một thì ngân sách phải bỏ ra 40.100 tỷ”, ông Phùng Quốc Hiển cho biết.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Chính phủ cần giải đáp rõ các vấn đề được đặt ra. “Ví dụ như tại sao số vốn khái toán lại giảm lớn so với lần báo cáo trước như vậy?”, bà Ngân nói.
“Trả lời rõ câu hỏi thứ tự ưu tiên, kế hoạch đầu tư các loại hình giao thông như thế nào? Làm rõ cơ chế tài chính, đặc biệt là phần ngân sách. Sự tác động đến nợ công của dự án này”, Phó chủ tịch Quốc hội nói thêm.