Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sân bay Long Thành có lợi thế dù khai thác muộn

Báo cáo giải trình bổ sung của Chính phủ nhìn nhận cả khó khăn lẫn thuận lợi của dự án đầu tư xây dựng cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

"Báo cáo giải trình bổ sung về báo cáo đầu tư dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành” do Bộ trưởng Đinh La Thăng ký gửi đại biểu Quốc hội khẳng định, dự án hạ tầng có quy mô lớn của Việt Nam. 

Đại diện Chính phủ nhìn nhận, trong giai đoạn hiện nay, khi nền kinh tế thế giới hồi phục chậm sau khủng hoàng, những bất ổn về an ninh, chính trị xảy ra nhiều nơi trên thế giới và trong khu vực sẽ là những tác nhân gây trở ngại không nhỏ cho Việt Nam trong việc huy động nguồn vốn ODA và vốn đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài cho dự án.

Phối cảnh sân bay Long Thành.
Phối cảnh sân bay Long Thành.

Về mặt nội tại, nền kinh tế nước Việt Nam hiện còn gặp nhiều khó khăn, cả nước đang tập trung tái cơ cấu nền kinh tế với một trong những trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công. 

Vì thế, Bộ GTVT đánh giá việc huy động một lượng vốn, tuy không quá lớn từ ngân sách Nhà nước để thực hiện các công việc, hạng mục bắt buộc phải dùng vốn ngân sách của dự án (như giải phóng mặt bằng, xây dựng nơi làm việc của hải quan, công an sân bay...) là một trở ngại đáng kể.

Phương án GPMB cho dự án cũng là một khó khăn khi ảnh hưởng tới việc đảm bảo đời sống, việc làm cho người dân.

Đối với việc hình thành cảng hàng không quốc tế trung chuyển, Bộ Giao thông đánh giá, việc này sẽ gặp khó khăn vì sau khi hình thành, cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ đưa vào khai thác sau các cảng hàng không trung chuyển lớn trong khu vực như : Chek Lap Kok (Hong Kong), Changi (Singapore), Suvarnabhumi (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia)...

Tiếp nhận tất cả các loại tàu bay hiện đại nhất

Dù vậy Bộ GTVT cho rằng về lâu dài Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ có nhiều lợi thế khi so sánh với các trung tâm trung chuyển trong khu vực. Về cơ sở vật chất, sau khi đầu tư sẽ đạt quy mô sân bay cấp 4F, Long Thành đủ điều kiện để tiếp nhận tất cả các loại tàu bay hiện đại nhất.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành được quy hoạch đủ diện tích cần thiết để phát triển thành một cảng hàng không hiện đại, phát triển các dịch vụ phi hàng không đa dạng, phong phú. 

Báo cáo của Bộ GTVT đánh giá "Sau khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đưa vào khai thác, khu vực lân cận có thể phát triển thành mô hình thành phố sân bay, bao gồm các trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch...

Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, đang quản lý điều hành 2 vùng thông báo bay Hà Nội và Hồ Chí Minh với những đường hàng không nhộn nhịp bậc nhất, là quốc gia có an ninh, chính trị ổn định; tốc độ tăng trưởng kinh tế, đầu tư, thương mại, xuất khẩu cao; tiềm năng du lịch to lớn, Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh trong việc phát triển một trung tâm trung chuyển hàng không. 

Liên quan đến vấn đề cơ cấu đầu tư và giải pháp huy động vốn sân bay Long Thành, báo cáo nêu: Khái toán tổng mức đầu tư ba giai đoạn của dự án là 18,7 tỷ USD. Giai đoạn một khoảng 7,8 tỷ, giai đoạn hai hơn 3,8 tỷ và giai đoạn ba hơn 7 tỷ USD (giai đoạn sau cùng có quy mô 100 triệu khách).

Tổng mức đầu tư sân bay Long Thành là 18,7 tỷ USD

Ngày 28/10, các đại biểu Quốc hội nhận được “Báo cáo giải trình bổ sung về báo cáo đầu tư dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành” do Bộ trưởng Đinh La Thăng ký.


Công Khanh

Bạn có thể quan tâm