Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quyền lực của các mạng lưới trong thời đại chúng ta

Chắc chắn là từ trước đến nay chưa bao giờ có các mạng lưới lớn đến mức như chúng ta thấy trên thế giới ngày nay.

Ảnh: Engadget.

Ngày nay, các mạng lưới dường như có mặt ở khắp mọi nơi. Trong tuần đầu tiên của năm 2017, Thời báo New York đăng 136 bài báo có từ “mạng lưới”. Chỉ hơn 1/3 số bài viết là về mạng truyền hình, 12 bài về mạng máy tính và 10 bài về các loại mạng lưới chính trị khác nhau, nhưng cũng có các bài về mạng lưới giao thông, mạng lưới tài chính, mạng lưới khủng bố, mạng lưới chăm sóc sức khỏe - chưa nói đến các mạng lưới xã hội, giáo dục, hình sự, điện thoại, phát thanh, điện và tình báo.

Đọc tất cả bài báo này rồi, chúng ta sửng sốt trước một thế giới “nơi mọi thứ được kết nối”, nói theo cách quen thuộc là vậy. Một số mạng lưới liên kết các chiến binh với nhau, một số khác kết nối các thầy thuốc và một số khác kết nối các máy rút tiền tự động. Có mạng lưới ung thư, mạng lưới thánh chiến, mạng lưới cá voi. Một số mạng lưới “rộng lớn” mang tính quốc tế, trong khi các mạng khác mang tính khu vực; một số vô hình, một số khác hoàn toàn bí mật. Có mạng lưới tham nhũng, mạng lưới đường hầm, mạng lưới gián điệp; thậm chí cả mạng lưới bán độ tennis.

Những kẻ tấn công các mạng lưới này chiến đấu với những người bảo vệ chúng. Và tất cả chúng được đưa tin nhanh chóng thông qua các mạng lưới trên mặt đất, xuyên đại dương và vệ tinh nhân tạo.

Trong tiểu thuyết Căn nhà lạnh lẽo (Bleak House) của Charles Dickens, sương mù giăng khắp nơi. Ngày nay, mượn lời của Dickens, các mạng lưới “giăng giăng khắp chốn”.

Tạp chí Harvard Business Review đã viết: “Không kết nối mạng lưới thì chỉ có thất bại”. Tạp chí này cũng khẳng định: “Lý do chính khiến phụ nữ tụt lại phía sau nam giới ở các vị trí lãnh đạo là do họ ít có khả năng tạo dựng các mạng lưới rộng lớn để hỗ trợ và thăng cấp bản thân thành nhà lãnh đạo tiềm năng”. Một bài viết khác của tạp chí này cho thấy “các nhà quản lý danh mục đầu tư của các công ty đầu tư tín thác đặt cược nhiều hơn, tập trung hơn vào các công ty mà họ có sự kết nối qua mạng lưới học hành” và những khoản đầu tư này có hiệu suất tốt hơn trung bình.

Tuy nhiên, không phải ai cũng từ bài báo này mà suy luận rằng mạng lưới “bạn học cũ (là nam)” là một thế lực tốt, đáng để các mạng lưới “bạn học cũ (là nữ)” ganh đua. Trong lĩnh vực tài chính, một số “mạng lưới chuyên gia” đã bị phát giác là nguồn giao dịch nội gián hoặc gian lận lãi suất. Người ta cũng đổ lỗi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 cho các mạng lưới: cụ thể, mạng lưới ngày càng phức tạp đã biến các ngân hàng thế giới thành một hệ thống toàn cầu lan truyền và khuếch đại những tổn thất từ các khoản thế chấp dưới chuẩn của Mỹ.

Thế giới được Sandra Navidi miêu tả trong cuốn sách Siêu trung tâm: Tinh hoa tài chính và các mạng lưới của họ thống trị thế giới như thế nào (Superhubs: How the Finacial Elite and their networks rule our world) có vẻ quyến rũ đối với một số người.

Theo cách nói của Sandra: “một số ít được lựa chọn (cô điểm qua 20 cá nhân) điều khiển tài sản quý giá độc nhất và quyền lực nhất: mạng lưới quan hệ đặc biệt rộng khắp trên toàn cầu”. Những mối quan hệ này được hình thành và duy trì ở một số ít các tổ chức: Viện Công nghệ Massachusetts, Ngân hàng Goldman Sachs, Diễn đàn Kinh tế thế giới, ba tổ chức từ thiện, trong đó có Sáng kiến Toàn cầu của Clinton và Nhà hàng Bốn Mùa ở New York.

Tuy nhiên, một trong những thông điệp cốt lõi của chiến dịch bầu cử thành công năm 2016 của Donald J. Trump là: Các tổ chức này chính là những “nhóm lợi ích toàn cầu” đứng đằng sau “giới lãnh đạo chính trị bất tài và tham nhũng” mà điển hình là Hillary Clinton, ứng cử viên bị ông đánh bại.

[...]

Tóm lại, chúng ta đang sống trong “thời đại mạng lưới”. Joshua Ramo gọi nó là “Thời đại của sức mạnh mạng lưới”. Adrienne Lafrance thì thích gọi là “Thời đại dây mơ rễ má”. Parag Khanna thậm chí còn đề xuất một môn học mới - “Kết nối học” - để vẽ lên bản đồ “Cuộc cách mạng mạng lưới toàn cầu”.

Theo Manuel Castells: “Xã hội mạng lưới đại diện cho sự thay đổi về chất trong trải nghiệm của con người”. Các mạng lưới đang biến đổi không gian công cộng và cùng với nó là chính nền dân chủ.

Nhưng tốt hơn hay tệ hơn? “Công nghệ mạng hiện tại… thực sự ủng hộ công dân”, Jared Cohen và Eric Schmidt của Google viết. “Từ trước đến nay, chưa bao giờ có nhiều người đến vậy được kết nối thông qua một mạng phản ứng tức thời”, với những tác động mang tính chất “thay đổi cuộc chơi” thực sự đối với chính trị ở khắp mọi nơi.

Một quan điểm khác là các tập đoàn toàn cầu như Google đang đạt được “sự thống trị về mặt cấu trúc” một cách có hệ thống bằng cách tận dụng các mạng lưới nhằm làm xói mòn chủ quyền quốc gia và các nền chính trị theo khuynh hướng tập thể mà nó đã biến thành khả thi.

Câu hỏi tương tự có thể được đặt ra cho tác động của các mạng lưới đối với hệ thống quốc tế: tốt hơn hay tệ hơn? Theo Anne-Marie Slaughter, hoàn toàn có lý khi định hình lại hệ thống chính trị toàn cầu bằng cách kết hợp “bàn cờ ngoại giao” truyền thống của các nước với “một mạng lưới gồm… các mạng lưới mới”, khai thác những lợi thế của các mạng lưới (như tính minh bạch, khả năng thích ứng và khả năng mở rộng).

Bà lập luận rằng các chính khách tương lai sẽ là “những người chơi chủ đạo của mạng lưới, những người nắm quyền lực và thực hiện vai trò lãnh đạo bên cạnh các chính phủ” bằng “các chiến lược kết nối”.

Parag Khanna mong đợi, với sự thích thú về một “thế giới chuỗi cung ứng”, ở đó các tập đoàn toàn cầu, siêu đô thị, “đô thị sân bay” và “các khối thịnh vượng chung tầm khu vực” tham gia vào một “cuộc chiến” không ngừng nghỉ nhằm giành các lợi thế kinh tế, nhưng (về bản chất) hòa bình giống như “một trò chơi khổng lồ gồm nhiều người chơi”.

Nhưng theo Joshua Ramo và cả thầy của ông là Henry Kissinger, chưa chắc những xu hướng như vậy có khả năng thúc đẩy sự ổn định toàn cầu. Kissinger viết:

“Sự phổ biến của các phương tiện liên lạc được nối mạng trong các lĩnh vực xã hội, tài chính, công nghiệp và quân sự đã và đang… cách mạng hóa các điểm yếu dễ bị tấn công. Vượt xa hầu hết quy tắc và quy định (và thực sự là sự hiểu biết về kỹ thuật của nhiều cơ quan quản lý), ở khía cạnh nào đó, nó đã tạo ra trạng thái tự nhiên… lối thoát mà, theo Hobbes, đã mang lại động cơ tạo ra một trật tự chính trị…

Bất đối xứng và một loại rối loạn trật tự thế giới “ăn sâu bám rễ” được hình thành trong mối quan hệ giữa các cường quốc mạng ảo cả trong ngoại giao và chiến lược… Thiếu quy định rõ ràng về một số quy tắc ứng xử quốc tế, một cuộc khủng hoảng sẽ nảy sinh từ những động lực nội tại của hệ thống".

Nếu “thế chiến mạng thứ nhất” đã diễn ra, như một số người tuyên bố, đó hẳn là cuộc chiến giữa các mạng lưới.

Viễn cảnh đáng báo động nhất là một mạng toàn cầu duy nhất cuối cùng sẽ khiến người tinh khôn Homo sapiens trở nên thừa thãi và sau đó bị tuyệt chủng. Trong tác phẩm Homo Deus, Yuval Harari lập luận rằng thời đại “các mạng lưới hợp tác đại chúng” ở quy mô lớn dựa trên chữ viết, tiền, văn hóa và ý thức hệ - sản phẩm của mạng lưới hệ thần kinh có gốc carbon ở loài người - đang nhường chỗ cho một kỷ nguyên mới của các mạng máy tính dựa trên các thuật toán của Thung lũng Silicon.

Trong mạng lưới đó, chúng ta sẽ nhanh chóng nhận ra vai trò của mình đối với các thuật toán không khác gì động vật đối với chúng ta ở thì hiện tại. Ngắt kết nối khỏi mạng này sẽ đồng nghĩa với cái chết cho từng cá nhân, bởi lẽ nó đang duy trì sức khỏe của chúng ta cả ngày lẫn đêm.

Nhưng kết nối rốt cuộc sẽ có nghĩa là sự tuyệt chủng cho cả loài người: “Những tiêu chuẩn được chính chúng ta coi trọng sẽ buộc chúng ta đi theo voi ma mút và cá heo sông Dương Tử mà chìm vào lãng quên”. Dựa trên đánh giá ảm đạm của Harari về lịch sử loài người, những điều trên dường như chính là sa mạc chết chóc của chúng ta.

Ngay cả khi không ngừng nói về các mạng lưới này, thực tế là hầu hết chúng ta chỉ có hiểu biết rất hạn chế về cách thức hoạt động của mạng lưới, sự kết nối mạng lưới và hầu như không biết chúng đến từ đâu.

Phần lớn chúng ta không nhận thấy các mạng lưới này lan rộng như thế nào trong thế giới tự nhiên, vai trò chính yếu của chúng trong quá trình tiến hóa của chúng ta và việc các mạng lưới này là một phần không thể thiếu đến nhường nào trong lịch sử loài người. Kết quả là, chúng ta có xu hướng đánh giá thấp tầm quan trọng của các mạng lưới trong quá khứ và giả định sai lầm rằng lịch sử không thể cho chúng ta biết thêm điều gì về chủ đề này.

Chắc chắn là từ trước đến nay chưa bao giờ có các mạng lưới lớn đến mức như chúng ta thấy trên thế giới ngày nay. Hay cũng không có dòng chảy thông tin - hoặc bệnh tật - lưu thông nhanh đến vậy. Nhưng quy mô và tốc độ chưa phải là tất cả.

Chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được các mạng lưới rộng lớn, nhanh chóng của thời đại chúng ta - đặc biệt là, chúng ta sẽ không biết liệu thời đại mạng lưới này sẽ mang tính chất giải phóng một cách đầy vui sướng hay đưa đến hiện tượng vô chính phủ đáng ghê tởm - nếu chúng ta không nghiên cứu các mạng lưới nhỏ hơn, có tốc độ chậm hơn trong quá khứ. Vì các mạng lưới như vậy có mặt ở khắp nơi. Và đôi khi, chúng thực sự rất quyền lực.

Niall Ferguson/NXB Thế Giới

SÁCH HAY