Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cách nước Mỹ ngăn chặn cuộc Đại Suy thoái lần hai

Lý do chính không có cuộc Đại Suy thoái lần hai là sau năm 2008, Bộ Tài chính Mỹ đã tìm cách ngăn chặn các vụ phá sản tài chính lớn hơn.

Ảnh: The Australian.

Sự kiện ngày 15/9 được nhiều người gọi là “vụ phá sản lớn nhất, phức tạp nhất, nhiều góc độ nhất và sâu rộng nhất từng được đệ trình tại Mỹ”. Thế nhưng, thật đáng kinh ngạc là các chuyên gia kinh tế tại Cục Dự trữ Liên bang (Fed) không thể lường trước suy thoái từ đây. “Tôi không nghĩ rằng chúng tôi nhận thấy có sự thay đổi đáng kể nào về triển vọng chung”, nhà kinh tế trưởng của Cục Dự trữ Liên bang David J Stockton báo cáo với Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) vào ngày 16/9, “và chắc chắn là theo dự báo… thì chúng tôi vẫn dự kiến tăng trưởng GDP sẽ tăng dần lên trong năm tới”.

Các sự kiện “đứt xích dây chuyền” sau này là cả một sự nhạo báng đối với tuyên bố này cũng như các tuyên bố tương tự nó. Chỉ một vài người trong phòng họp là có thể đánh giá được, ngay từ giai đoạn đầu này, bản chất tình trạng của Fed lúc đó. Theo lời của Eric S Rosengren ở chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang tại Boston:

"Tôi nghĩ rằng còn quá sớm để biết liệu những gì chúng ta đã làm với Lehman có đúng hay không. Với việc Bộ Tài chính không muốn bỏ tiền vào, chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Nhưng đó là sự đặt cược có tính toán. Nếu chúng ta gặp phải tình trạng tháo khoán trên thị trường tiền tệ hoặc nếu… thị trường repo (viết tắt của repurchase agreement hay thỏa thuận mua lại: thị trường vay ngắn hạn, chủ yếu dưới hình thức trái phiếu chính phủ) ngừng hoạt động, vụ cá cược đó có thể không được tốt lắm. Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã làm điều đúng đắn trong hoàn cảnh với những hạn chế gặp phải. Tôi hy vọng chúng ta sẽ vượt qua tuần này… chúng ta không nên ở trong tình trạng phải đặt cược cả nền kinh tế vào vào một hoặc hai tổ chức".

Mãi đến ngày 29/10, Ben Bernanke - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang - mới đưa ra lời ám chỉ đầu tiên về khả năng họ đang ở trong một cuộc khủng hoảng tương tự như những năm 1930. Và chỉ đến giữa tháng 12, một thành viên khác của FOMC mới dám gợi ý một cách rõ ràng rằng “chúng ta có thể có tỷ lệ vỡ nợ cao hơn thời kỳ Đại Suy thoái”.

Điều mà Fed đã không hiểu là mặc dù Giám đốc điều hành của Lehman - Dick Fuld - là một phần trong một mạng lưới bị cô lập tại Phố Wall, không được các đồng nghiệp của ông (bao gồm cả Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson, người trước đây là Giám đốc điều hành của Goldman Sachs) yêu quý, nhưng ngân hàng này là trung tâm quan trọng trong một mạng lưới tài chính quốc tế đã phát triển rộng lớn và dày đặc hơn bao giờ hết trong vòng 20 năm trước đó, nhờ vào sự kết hợp của toàn cầu hóa và Internet.

Một trong số ít các lãnh đạo ngân hàng trung ương hiểu được tầm quan trọng của sự thay đổi cấu trúc này là Andrew Haldane ở Ngân hàng Anh, người lập luận rằng một hệ thống thích ứng phức tạp đã được tạo ra có xu hướng khuếch đại biến động theo chu kỳ. Cái nhìn sâu sắc của Haldane dựa trên nghiên cứu của John Holland và những người khác về các hệ thống phức hợp.

Những hệ thống này, không giống với các hệ thống phức tạp đơn thuần, có xu hướng thay đổi theo những cách không thể đoán trước. Những “đặc điểm mới nổi” này là thứ còn thiếu trong mô hình của các nhà kinh tế Fed. Hiểu một cách đơn giản là kinh tế vĩ mô tiêu chuẩn đã bỏ qua cấu trúc mạng. Không ai nhận thấy rằng mạng lưới tài chính toàn cầu đã kết nối chặt chẽ đến mức tình trạng tài chính ảm đạm nhanh chóng chuyển từ một tổ chức sang nhiều tổ chức, nhưng lại cũng đủ thưa thớt cho nhiều tổ chức có tính đa dạng kém và không được bảo hiểm đầy đủ chống lại sự thất bại của một đối tác.

mang luoi xa hoi anh 1

Bong bóng kết nối mạng trong hệ thống tài chính quốc tế, từ bài thuyết trình năm 2011 của Andrew Haldane.

Với những lời huyênh hoang ảo tưởng về “sự bình ổn vĩ đại” mình đã đạt được chỉ vài năm trước khi thảm họa xảy ra, Cục Dự trữ Liên bang là một trong những kiến trúc sư của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Cũng phải ghi nhận công trạng của Chủ tịch Bernanke, việc ông nhanh chóng áp dụng các bài học từ thời kỳ Đại Suy thoái đã đảm bảo rằng các hậu quả kinh tế ít nghiêm trọng hơn nhiều so với thập niên 1930.

Bằng cách mua tất cả các loại tài sản trong giai đoạn đầu tiên của sự “nới lỏng định lượng”, và sau đó là sự phát hành một lượng lớn trái phiếu chính phủ trong giai đoạn hai và ba, Fed đã giúp kiềm chế khủng hoảng. Đây là một chiến thắng cho hệ thống thứ bậc trong quản trị tiền tệ, một sự thừa nhận rằng nếu để mặc nó thì mạng lưới tài chính quốc tế sẽ không thể tự sửa chữa.

Tuy nhiên, lý do chính không có cuộc Đại Suy thoái lần hai là sau khi mặc cho Lehman thất bại, Bộ Tài chính Mỹ đã tìm cách ngăn chặn các vụ phá sản tài chính lớn hơn. Các gói cứu trợ tài chính cho các doanh nghiệp như gã khổng lồ bảo hiểm AIG và các ngân hàng lớn khác, nhận được hơn 400 tỷ USD theo Chương trình Giải cứu Tài sản xấu, và đóng vai trò rất quan trọng trong việc ngăn chặn phản ứng dây chuyền mất khả năng thanh toán đã bắt đầu vào ngày 15/9. Việc các công ty này tiếp tục tự chi trả cho các lãnh đạo cấp cao của họ những món tiền thưởng bảy chữ số đã bị công chúng chỉ trích mạnh mẽ. Nhưng công chúng lẽ ra không nên ngạc nhiên. Tính mạng lưới của hệ thống tài chính thể hiện trong không chỉ một hình thức.

Giới tinh hoa kinh doanh Mỹ từ lâu đã là một nhóm gắn bó chặt chẽ, trong đó các ngân hàng là nguồn liên kết chính giữa các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, bao gồm cả chính trị. Một câu chuyện minh họa rõ nét cho cách thức hệ thống Mỹ hoạt động là sự nghiệp của Vernon Jordan, Jr , một luật sư người Mỹ gốc Phi tinh tế, người đã có tiếng tăm từ khi còn là một luật sư dân quyền ở Georgia trong những năm cuối cùng của tình trạng phân biệt chủng tộc.

Năm 1972, Jordan được mời tham gia hội đồng quản trị của Celanese, một nhà sản xuất đa dạng và chủ tịch của hãng này, John W. Brooks, sau đó đề cử ông tham gia hội đồng quản trị của Bankers Trust New York. Thông qua một thành viên hội đồng khác của Bankers Trust, William M. Ellinghaus, Jordan được tuyển vào hội đồng quản trị của chuỗi cửa hàng bách hóa J. C. Penney vào năm 1973.

Một năm sau đó, ông gia nhập hội đồng quản trị Xerox, nơi ông làm việc chung với Archie R McCardell, chủ tịch của Xerox, và Howard L Clark, giám đốc điều hành của American Express, hãng mà McCarrdell cũng có chân thành viên hội đồng quản trị. Được cả McCardell và Clark ủng hộ, Jordan tham gia hội đồng quản trị của American Express năm 1977.

Năm 1980, ông gia nhập hội đồng quản trị của công ty thuốc lá R. J. Reynold và năm sau, ông rời vị trí của mình tại Liên đoàn Đô thị Quốc gia (NUL) để gia nhập văn phòng Washington của công ty luật Akin Gump Strauss Hauer & Feld có trụ sở ở Dallas. Tình bạn thân thiết của Jordan với Bill Clinton, người ông gặp lần đầu ở NUL năm 1973, trở nên có ý nghĩa về mặt chính trị sau khi Clinton được bầu làm Tổng thống năm 1992, và Jordan nhanh chóng trở thành “Người Dàn xếp Cao cấp” trong hàng loạt vụ bê bối, đáng chú ý nhất là vụ bê bối với Monica Lewinsky. Năm 1999, Jordan rời Akin Gump Strauss để gia nhập chi nhánh New York của ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản Lazard.

Để so sánh, sự nghiệp của Timothy Geithner đi theo một con đường khác. Mẹ của ông, Deborah Moore, là hậu duệ của những người di cư Maynower. Ông học tại Đại học Dartmouth. Trước khi làm việc cho chính phủ, ông từng làm việc tại Kissinger Associates. Tuy nhiên, trên cương vị chủ tịch của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, Geithner có sự kết nối về mặt xã hội cũng như chuyên môn với các thành viên của giới tinh hoa tài chính.

Ví dụ, thông qua tư cách cùng là thành viên trong các tổ chức phi lợi nhuận như Câu lạc bộ Kinh tế New York hoặc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, Geithner có mối liên hệ cá nhân với các giám đốc điều hành cấp cao hoặc thành viên hội đồng quản trị của khoảng 21 công ty tài chính.

Theo một nghiên cứu kinh tế, những kết nối này rất có giá trị, theo đó các công ty có liên kết với Geithner có giá cổ phiếu tăng vọt khi có thông báo được đưa ra vào ngày 21/11/2008 rằng ông sẽ trở thành Bộ trưởng Bộ Tài chính dưới thời Barack Obama. Điều này không ngụ ý một hành vi không chính đáng nào, chỉ đơn giản là sự gần gũi với quyền lực được coi là quan trọng, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng.

Từng đóng một vai trò quan trọng tại Fed trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng, Geithner lên nắm quyền lãnh đạo tại Bộ Tài chính vào thời điểm nền kinh tế chưa rơi xuống đáy thấp nhất. Các nhà đầu tư sẽ ngây thơ nếu họ không coi sự liên kết chính trị giữa các công ty tài chính là quan trọng. Sự sụp đổ của Dick Fuld xảy ra chính xác bởi vì ông ta là một nút tương đối cô lập trong mạng lưới.

Niall Ferguson/NXB Thế Giới

SÁCH HAY