Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vụ phá sản ngân hàng và cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất nước Mỹ

Vụ phá sản của Ngân hàng Lehman Brothers ngày 15/9/2008 đã “tháo cũi sổ lồng” cho một trong những cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất trong lịch sử.

Ảnh: businessjournalng.

Theo nhiều cách, ảnh hưởng của ngày 11/9 không gây ra nhiều xáo trộn cho hệ thống tài chính và chính trị Mỹ như Al-Qaeda hy vọng. Đúng là hệ thống thanh toán đã bị gián đoạn, Sở giao dịch chứng khoán New York phải đóng cửa một tuần, giá cổ phiếu giảm mạnh và biến động tài chính tăng vọt. Việc đình chỉ vận tải hàng không cũng làm chậm các thủ tục thanh toán bù trừ và các hình thức giao dịch phi điện tử khác. Thế nhưng, tác động kinh tế của các cuộc tấn công này bị hạn chế bởi các tổ chức lớn đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho một tình huống như vậy và Cục Dự trữ Liên bang đã không ngần ngại tham gia nhằm duy trì thanh khoản thị trường.

Trong vòng vài tuần, cuộc khủng hoảng tài chính đã kết thúc. Tổng chi phí cho các cuộc tấn công tính về thiệt hại tài sản, dọn dẹp và tổn thất thu nhập được ước tính vào khoảng 33-36 tỷ USD. Chính quyết định đưa quân vào Iraq của chính quyền Bush - điều giới lãnh đạo Al-Qaeda không thể lường trước được - đã làm tăng các chi phí này lên gấp 100 lần, nếu người ta chấp nhận những ước tính cao nhất về chi phí của “cuộc chiến chống khủng bố”.

Ngược lại, Bin Laden dường như hướng đến một phản ứng dây chuyền nhiều hơn, trong đó cú sốc ban đầu của các cuộc tấn công sẽ có tác động lan truyền khắp hệ thống kinh tế Mỹ. Việc điều này không xảy ra cho thấy mạng lưới tư bản Mỹ có khả năng hồi phục cao hơn dự kiến của lực lượng thánh chiến.

Bị cắt đứt mạng là một khái niệm quen thuộc vào năm 2001. Năm 1996 đã xảy ra sự cố mất điện lớn ở miền tây nước Mỹ khi sự cố của một đường dây điện duy nhất ở Oregon đã làm hàng trăm đường dây và máy phát điện ngừng hoạt động, ảnh hưởng tới dịch vụ cung cấp điện cho 7,5 triệu người. Năm sau đó, toàn bộ hoạt động sản xuất của Toyota đã phải dừng lại sau khi một vụ hỏa hoạn phá hủy nhà máy của nhà cung cấp duy nhất một cấu phần quan trọng của phanh, làm gián đoạn hoạt động của khoảng 200 nhà cung cấp khác. Chỉ trong vài tháng trước sự kiện 11/9, ngày 18/7/2001, một vụ hỏa hoạn trong đường hầm đường sắt ở Baltimore đã khiến tốc độ Internet bị chậm lại do nó đốt cháy đường cáp quang thuộc một số nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn.

Điều tương tự xảy ra vào tháng 9/2003, khi toàn bộ lưới điện của Italy (ngoại trừ trên đảo Sardinia) bị sập sau khi một cái cây rơi vào đường dây tải điện cao thế giữa Italy và Thụy Sĩ. Một sự cố lan truyền thậm chí còn lớn hơn xảy ra vào tháng 11/2006, khi sự cố trên một dây cáp điện duy nhất ở vùng tây bắc nước Đức gây ra tình trạng mất điện ở tận Bồ Đào Nha. Dường như hệ thống tài chính lại là mạng lưới kiên cường hơn so với mạng lưới điện châu Âu, nếu không nói đến chính mạng lưới Internet.

Thế nhưng đó hóa ra cũng chỉ là một ảo tưởng. Vụ phá sản của Ngân hàng Lehman Brothers ngày 15/9/2008 đã “tháo cũi sổ lồng” cho một trong những cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất trong lịch sử và nếu không tính đến sự cố thị trường chứng khoán Phố Wall năm 1929, đã tiến gần nhất tới việc làm ngừng hoạt động của hệ thống tín dụng quốc tế trên toàn cầu.

Hơn nữa, phí tổn kinh tế vĩ mô của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu chắc chắn lớn hơn so với cuộc chiến chống khủng bố, đặc biệt là nếu chúng ta tính đến quy mô sản lượng sẽ được tạo ra nếu nền kinh tế thế giới tiếp tục đi theo xu hướng trước đó. (Ước tính hợp lý cho riêng nước Mỹ dao động từ 5,7 nghìn tỷ USD đến 13 nghìn tỷ USD, trong khi ước tính tối đa về phí tổn của cuộc chiến chống khủng bố là 4 nghìn tỷ USD). Tóm lại, sự kiện ngày 15/9 đã gây ra tác hại lớn hơn nhiều so với sự kiện ngày 11/9 xảy ra 7 năm trước đó.

Có thể tóm tắt nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính dưới sáu đề mục. Các ngân hàng lớn thiếu vốn đến mức nguy hiểm và họ khai thác các lỗ hổng pháp lý để tăng tỷ lệ đòn bẩy nợ. Các thị trường tràn ngập những chứng khoán bảo đảm bằng tài sản, chẳng hạn như nghĩa vụ nợ được thế chấp mà các cơ quan xếp hạng thường định giá sai.

Cục Dự trữ Liên bang cho phép chính sách tiền tệ lỏng lẻo quá mức trong giai đoạn từ năm 2002 đến 2004. Các chính trị gia đã tạo ra những động cơ ngu ngốc về mặt kinh tế cho người Mỹ nghèo để họ mua nhà. Các công cụ phái sinh như giao dịch hoán đổi tín dụng mặc định được bán ra trên quy mô lớn, dựa vào các mô hình rủi ro không thực tế.

Cuối cùng, dòng vốn từ các thị trường mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc, sang Mỹ đã giúp thổi phồng bong bóng bất động sản Mỹ. Có thể nói là cuộc khủng hoảng bắt đầu xảy ra khi bong bóng đổ vỡ: giá nhà hạ và việc vỡ nợ liên tục của các khoản thế chấp dưới chuẩn là những dấu hiệu của tình trạng ảm đạm tài chính ngay từ cuối năm 2006.

Thế nhưng, chính vụ phá sản của ngân hàng Lehman vào lúc 1h45 sáng thứ hai, ngày 15/9 chính là sự kiến biến tình trạng ảm đạm này thành cơn hoảng loạn toàn cầu. Việc công ty mẹ nộp đơn xin phá sản được tiếp nối bởi khoảng 80 vụ xin vỡ nợ của các công ty con ở 18 nước bên ngoài nước Mỹ. Trong hồ sơ phá sản chính, có khoảng 66.000 yêu cầu bồi thường - với số tiền vượt quá 873 tỷ USD - được đệ trình chống lại Lehman.

Niall Ferguson/NXB Thế Giới

SÁCH HAY