Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cấu trúc bất bình đẳng của Facebook

Facebook hứa hẹn sẽ tạo ra một thế giới kết nối của cư dân mạng. Nhưng cấu trúc của nó lại rất bất bình đẳng.

Ảnh: Medium.

Ảnh: Medium.

Facebook có 15.724 nhân viên và gần 2 tỷ người dùng, nhưng chỉ có một tỷ lệ nhỏ xíu của các nhóm này thực sự sở hữu cổ phiếu của Facebook. Bản thân Zuckerberg chỉ sở hữu hơn 28% cổ phần loại B của công ty. Những đồng sáng lập của ông là Dustin Moskovitz, Eduardo Saverin và Chris Hughes tổng cộng lại cũng chỉ sở hữu dưới 13%.

Các nhà đầu tư ban đầu là Sean Parker và Peter Thiel sở hữu tổng cộng 6,5%. Và hai nhà đầu tư ban đầu khác - Accel Partners, một quỹ đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon và Công ty Internet Digital Sky Technologies của Nga - mỗi công ty sở hữu lần lượt là 10% và 5,4%.

Chỉ còn lại năm thực thể khác - ba công ty liên doanh ở Thung lũng Silicon, Microsoft và Goldman Sachs - là sở hữu nhiều hơn 1%. Theo lời của Antonio García Martínez: “Bất kỳ ai tuyên bố rằng Thung lũng Silicon này là nơi tưởng thưởng cho tài năng thì chắc chắn đều là kẻ đã hưởng lợi kếch xù từ nó qua các phương tiện không có tính tưởng thưởng tài năng như sự may mắn, là thành viên trong một nhóm đặc quyền, hoặc nhờ một hành động bí mật hay trò tuyệt đối mờ ám nào đó”.

Nói cách khác, mạng xã hội toàn cầu được sở hữu bởi một mạng lưới độc quyền của những người trong cuộc tại Thung lũng Silicon.

Hậu quả xã hội của xu hướng hậu mã nguồn mở là hiện tượng các công ty độc quyền song mại (Microsoft và Apple) và gần như độc quyền (Facebook, Amazon và Google) là có thể dự đoán được cho dù điều này dường như là một nghịch lý. Thế giới được kết nối hơn bao giờ hết, như những hoạt náo viên cho các công ty này luôn khẳng định không biết mệt mỏi.

Mặc dù vậy, thế giới (trên một số khía cạnh) chưa bao giờ bất bình đẳng đến thế trong suốt một thế kỷ qua. Sáu trong số tám người đàn ông giàu nhất thế giới là Bill Gates (với tài sản cá nhân ước tính khoảng 76 tỷ USD), Carlos Slim (50 tỷ USD), Jeff Bezos (45 tỷ USD), Mark Zuckerberg (45 tỷ USD), Larry Ellison (44 tỷ USD) và Michael Bloomberg (40 tỷ USD).

Vận may của họ được xây dựng dựa trên (theo thứ tự) phần mềm, viễn thông, bán lẻ trực tuyến, mạng xã hội, phần mềm doanh nghiệp và dữ liệu kinh doanh. Lý do họ trở nên giàu có không phải vì họ là những “siêu sao” doanh nhân thế giới, mà là từng người một đã thành lập được một doanh nghiệp gần như là độc quyền.

Cũng giống trường hợp của Facebook, có hơn một tỷ người sử dụng Microsoft Windows, YouTube và Android - đó là còn chưa nói tới ứng dụng nhắn tin WhatsApp, được Facebook mua lại vào năm 2014. Những công ty gần-độc quyền này dường như có khả năng tạo ra những khoản đặc lợi khổng lồ cho những người nắm giữ cổ phần chính trong tương lai gần của họ.

Để đưa ra một ví dụ duy nhất: người ta dự đoán Google và Facebook sẽ tăng thị phần chung của hai công ty này trong tất cả các quảng cáo kỹ thuật số trong năm 2017 lên 60%.

Google có 78% quảng cáo tìm kiếm ở Mỹ. Facebook có gần 2/5 quảng cáo hiển thị trực tuyến. Sự thống trị này được chuyển thành doanh thu khổng lồ.

Facebook dự kiến sẽ kiếm được 16 tỷ đôla từ quảng cáo hiển thị trong năm 2017. Doanh nghiệp này hiện có giá trị khoảng 500 tỷ đôla, bao gồm một núi tiền mặt khổng lồ, cho phép Zuckerberg có thể mua lại bất kỳ đối thủ tiềm năng nào ở giai đoạn đầu (như Instagram, hiện có 600 triệu người dùng và WhatsApp, có hơn một tỷ người dùng).

Hơn nữa, sự thống trị ngành quảng cáo còn có một lợi ích khác. Trong 25.000 tìm kiếm ngẫu nhiên trên Google, quảng cáo cho các sản phẩm của Google đã xuất hiện ở vị trí nổi bật nhất trong hơn 90% số lần.

Thật đáng kinh ngạc nếu chúng ta xem xét chức năng mà các công ty này thực hiện. Google về cơ bản là một thư viện toàn cầu rộng lớn. Đó là nơi chúng ta cần đến khi tìm kiếm mọi thứ. Amazon là một khu chợ toàn cầu rộng lớn, nơi ngày càng có nhiều người trong chúng ta đến mua sắm. Và Facebook là một câu lạc bộ toàn cầu rộng lớn. Các chức năng kết nối mạng khác nhau mà các công ty này thực hiện không phải là mới; chỉ là công nghệ đã làm cho các mạng này vừa có quy mô khổng lồ vừa hoạt động rất nhanh.

Thế nhưng, sự khác biệt thú vị hơn là các thư viện và câu lạc bộ xã hội trước đây không kiếm được tiền từ quảng cáo: chúng là các tổ chức phi lợi nhuận, được tài trợ từ các khoản đóng góp hoặc đăng ký thành viên hoặc tiền thuế.

Một thực tế mang tính cách mạng là thư viện toàn cầu và câu lạc bộ toàn cầu của chúng ta đều được lắp đặt các bảng quảng cáo và chúng ta càng nói với chúng về bản thân mình nhiều hơn thì các quảng cáo sẽ càng hiệu quả và sẽ đưa chúng ta đến với khu chợ của Bezos với tần suất ngày càng nhiều hơn.

“Không phải hạng xoàng” là khẩu quyết của các nhà đầu tư khi họ nhắc đến FANG - tên viết tắt mà các nhà đầu tư gọi Facebook, Amazon, Netflix (công ty phim trực tuyến) và Google. Nhờ hiệu ứng “điều chỉnh cho phù hợp sẽ tốt hơn” khiến cho ngành công nghệ thông tin toàn cầu không còn tính quy mô, nghĩa là nó bị chi phối bởi một vài trung tâm siêu kết nối và lợi nhuận cho các doanh nghiệp này không giảm đi.

Niall Ferguson/NXB Thế Giới

SÁCH HAY