Chiều 24/6, Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 5. Theo đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ khẩn trương xử lý các bất cập trong tư vấn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, môi giới, bán chéo bảo hiểm nhân thọ khi xét duyệt hồ sơ vay vốn.
Bên cạnh đó, Quốc hội yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường quản lý, giám sát các thị trường tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản.
"Thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư; kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng sử dụng vốn; bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật...", Nghị quyết nêu rõ.
Về hạn mức tăng trưởng tín dụng, Quốc hội yêu cầu xây dựng tiêu chí, phương pháp xác định hạn mức này với các ngân hàng. Chính phủ được giao xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ kéo dài, ngân hàng, doanh nghiệp vi phạm, không để phát sinh tổn thất tiếp theo.
Chiều cùng ngày, Quốc hội cũng quyết định thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) quy định tại nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 1/7 đến hết năm.
Quốc hội cũng chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam giai đoạn 2021-2030 tương ứng với số lợi nhuận còn lại thực nộp ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2023 của ngân hàng, tối đa là 17.100 tỷ đồng.
Trước đó, phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội sáng 31/5, nhiều đại biểu quan tâm về vấn đề bảo hiểm nhân thọ thời gian qua. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) kiến nghị Bộ Tài chính thanh tra toàn diện hoạt động bảo hiểm nhân thọ, trong đó tập trung sản phẩm liên kết đầu tư.
Đồng thời kiến nghị Bộ Công an xem xét các đơn khiếu nại và xác minh làm rõ có hay không tội lừa đảo, lừa dối khách hàng. "Kiến nghị các công ty bảo hiểm rà soát lại các khâu của quá trình bảo hiểm về thiết kế hợp đồng, tư vấn bảo hiểm và ký kết hợp đồng và giải quyết khiếu nại của khách hàng", đại biểu đề xuất.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.