Chiều 19/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi). Tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về các quy định liên quan tới sàn giao dịch bất động sản.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) cho rằng nếu một sàn giao dịch hoạt động minh bạch, hiệu quả và đảm bảo điều kiện về pháp lý thì qua sàn sẽ chuyên nghiệp hơn, theo xu hướng chung của thế giới.
"Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, giao dịch qua sàn vẫn chưa quản lý được. Thực tế đã xuất hiện rất nhiều hiện tượng nhà đầu tư liên kết với sàn giao dịch để nâng giá, tạo ra những cơn sốt ảo và những nhu cầu không có thật để đẩy giá các dự án bất động sản lên cao, hoạt động không minh bạch", ông dẫn chứng.
Do đó, theo ông Hùng, hiện nay chúng ta vẫn quy định sẽ giao dịch qua sàn, tuy nhiên, quy định sẽ không bắt buộc, chỉ dừng ở mức khuyến khích. Nếu các sàn giao dịch dần dần đi vào hoạt động bài bản và có uy tín, minh bạch thì dù có mất thêm chi phí, người dân cũng sẽ tự nguyện tham gia.
Góp ý dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đặt vấn đề tại sao phải quy định thực hiện giao dịch bất động sản qua sàn. Trong khi, các luật có liên quan như Luật Doanh nghiệp đã quy định quyền của doanh nghiệp được tham gia, được tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh, ký kết hợp đồng.
Do đó, đại biểu đề nghị trao quyền quyết định giao dịch bất động sản cho nhà đầu tư, tạo cho họ một cơ chế thông thoáng, tự lựa chọn chứ không nhất thiết phải qua sàn.
Theo đại biểu Quốc hội, hiện nay chưa đủ cơ sở thực tiễn, an toàn pháp lý để giao dịch bất động sản qua sàn. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) cũng cho rằng cần tôn trọng quyền lựa chọn tham gia mua bán qua sàn giao dịch bất động sản của doanh nghiệp và người dân.
"Do đó, không nên quy định bắt buộc các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch bất động sản mà chỉ quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch kinh doanh bất động sản thực hiện thông qua sàn giao dịch bất động sản", ông đề nghị.
Bên cạnh đó, đại biểu tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị cần quy định chặt chẽ về điều kiện, quyền và nghĩa vụ của sàn giao dịch bất động sản, tạo cơ sở pháp lý cho sàn giao dịch bất động sản phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, uy tín, thu hút các bên tham gia giao dịch.
Tương tự, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) và đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) cũng cho rằng dự thảo luật không giải thích cụ thể về lý do các giao dịch bất động sản bắt buộc phải qua sàn, cũng chưa có thông tin về những nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tác động của quy định này.
Đại biểu cũng cho rằng chưa có lý do cụ thể để loại bỏ thủ tục công chứng bắt buộc đối với các giao dịch kinh doanh bất động sản, trong khi đây là công cụ rất phố biến, được nhiều quốc gia phát triển trên thế giới lựa chọn và ưu tiên sử dụng.
Còn về bản chất, theo các đại biểu sàn giao dịch bất động sản thiên về các dịch vụ mang tính chất môi giới, là cầu nối giữa bên bán và bên mua, sàn giao dịch bất động sản có xu hướng gắn kết và có mối liên hệ về lợi ích với các chủ đầu tư nhiều hơn là với người tiêu dùng.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...