Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quốc hội quyết định áp giá trần với vé máy bay, sách giáo khoa

Để ổn định thị trường, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, vé máy bay, sách giáo khoa tiếp tục được Nhà nước áp giá trần để có công cụ quản lý.

Trần giá vé máy bay hạng phổ thông nội địa dự kiến tăng từ 50.000 đồng đến 250.000 đồng, tùy đường bay. Ảnh: Lê Quân.

Trần giá vé máy bay hạng phổ thông nội địa dự kiến tăng từ 50.000 đồng đến 250.000 đồng, tùy đường bay. Ảnh: Lê Quân.

Chiều 19/6, Quốc hội đã thông qua Luật Giá (sửa đổi) với gần 93% đại biểu tán thành. Luật này có hiệu lực từ 1/7/2024. Trong đó, đáng chú ý, Nhà nước vẫn quy định khung giá với vé máy bay, sách giáo khoa.

Báo cáo tiếp thu giải trình trước đó của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết hiện có 6 hãng hàng không khai thác các tuyến nội địa, nhưng thực tế vẫn do 3 hãng lớn nắm thị phần, trong đó Vietnam Airlines khoảng 35%, Vietjet Air 40% và Bamboo Airways 16%.

Theo Luật Cạnh tranh, thị trường này có tính cạnh tranh hạn chế, do đó trước mắt vẫn cần công cụ quản lý giá dịch vụ hàng không nội địa để ổn định thị trường. Về lâu dài, khi các loại hình giao thông phát triển đồng bộ, nhiều lựa chọn, Nhà nước sẽ tính toán quy định giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa phù hợp.

Nếu không quy định giá trần thì đồng nghĩa với việc Nhà nước bỏ công cụ điều tiết giá. Các hãng hàng không hoàn toàn có thể đưa ra giá vé máy bay cao với hạng vé phổ thông.

Với mặt hàng sách giáo khoa, để ổn định thị trường đối với giá sách giáo khoa, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, Ủy ban Thường vụ đã xin Quốc hội cho phép chỉ quy định giá trần, không quy định giá sàn đối với mặt hàng sách giáo khoa.

Theo đó, luật thông qua thống nhất việc định giá tối đa (giá trần) đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa và sách giáo khoa.

Đối với mặt hàng sữa dành cho người cao tuổi và mặt hàng thịt lợn, qua rà soát Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất đồng ý không đưa 2 mặt hàng này vào danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.

Cụ thể, hiện nay mặt hàng sữa dành cho người cao tuổi có tính chất như một thực phẩm chức năng và xét về mức độ biến động giá, phạm vi ảnh hưởng, tác động thì mặt hàng này không lớn so với mặt hàng sữa dành cho trẻ em.

Với mặt hàng thịt lợn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc kê khai giá thịt lợn là khó khả thi khi có rất nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh; giá biến động từng ngày đối với mặt hàng này và các cá nhân kinh doanh cơ bản sẽ khó thực hiện quy định kê khai giá.

Theo quy định hiện hành, mặt hàng thịt lợn không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá và thực tế diễn biến thị trường trong thời gian qua cũng không đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đưa vào thực hiện bình ổn giá.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Bài liên quan

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm