Tại buổi thảo luận tại hội trường về dự án Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về các quy định liên quan tới sàn giao dịch bất động sản.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng quy định giấy xác nhận giao dịch qua sàn là cơ sở để các chủ thể tham gia giao dịch kê khai nộp thuế, đăng ký biến động, sang tên quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất... là thiếu căn cứ.
"Sàn giao dịch bất động sản không thể và không nên quy định giá bán làm cơ sở để tính thuế. Bởi lẽ, không thể xác nhận giá bán qua sàn là giá mua bán thực tế của các bên vì chủ thể hoàn toàn có thể khai giá giao dịch qua sàn thấp hơn giá trị thực, hoặc cao hơn giá trị thực vì mục đích trốn thuế, thậm chí là rửa tiền", ông nói.
Nhiều ý kiến trái chiều
Tương tự, đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) cũng bày tỏ băn khoăn với quy định bắt buộc giao dịch bất động sản phải qua sàn.
"Quy định như vậy không chỉ xung đột trực tiếp với Bộ Luật Dân sự về hình thức của giao dịch dân sự mà còn tạo ra những rào cản khi phát sinh thêm thủ tục xác nhận qua sàn giao dịch, phát sinh thêm chi phí lớn cho giao dịch bất động sản", đại biểu lý giải và đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc và làm rõ.
Cùng quan điểm, đại biểu Lã Thanh Tân (TP Hải Phòng) cho rằng việc quy định giao dịch thông qua sàn giao dịch bất động sản cần phải được phân tích sâu sắc, toàn diện ảnh hưởng đến các đối tượng có liên quan.
"Đặc biệt là liên quan đến các vấn đề đảm bảo công khai, minh bạch giá bán từ chủ đầu tư, giá qua sàn, tránh thông đồng, nâng giá ảnh hưởng tới các quyền của người mua, chi phí môi giới qua sàn", đại biểu nhìn nhận.
Trong khi đó, phát biểu tranh luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho biết ông không đồng ý với quan điểm của một số đại biểu khi cho rằng không nên giao dịch bất động sản qua sàn mà chỉ cần qua công chứng là đủ.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng dự án Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi cần quy định chặt chẽ về sàn giao dịch và môi giới bất động sản. Ảnh: Quochoi. |
"Bất động sản là hàng hóa rất quen thuộc với mọi người. Thế nhưng, khi được đưa vào giao dịch trên thị trường thì nó lại là một hàng hóa rất đặc biệt. Ngay với các đại biểu, xin hỏi bao nhiêu người tự đi mua bán bất động sản mà không cần nhờ đến người thứ 3", ông nói.
Vì vậy, theo đại biểu thị trường bất động sản gồm 3 bộ phận cấu thành: Người mua, người bán và người môi giới. Ba yếu tố này không thể thiếu khi cần có một thị trường hoàn chỉnh và dù không quy định nhưng trên thực tế khi đi giao dịch bất động sản, người dân vẫn tìm đến một người trung gian là môi giới.
"Trên thế giới, nhiều nước đã có quy định khắt khe đối với người môi giới, sàn giao dịch bất động sản. Do đó, người dân rất yên tâm với việc giao dịch bất động sản qua sàn giao dịch. Để thị trường bất động sản minh bạch, dự án Luật cần quy định chặt chẽ về sàn giao dịch và môi giới bất động sản...", đại biểu đề xuất.
Vì vậy, để minh bạch thị trường bất động sản, đại biểu Cường cho rằng quy định trách nhiệm của môi giới bất động sản phải mang tính pháp lý. Nếu như gặp rủi ro pháp lý, người môi giới phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
"Giao dịch bất động sản qua sàn để bảo vệ quyền lợi người dân"
Liên quan quy định bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn, phát biểu giải trình, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết việc quy định các giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai thực hiện thông qua sàn giao dịch nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 18. Đồng thời, đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, hoàn thiện cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố ở Việt Nam.
"Bên cạnh đó, nhằm tăng cường kiểm soát, công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi người dân trong giao dịch bất động sản nhưng không làm ảnh hưởng đến quyền tự do trong hoạt động, phương thức giao dịch bất động sản của người dân", Bộ trưởng nói.
Theo ông Nghị, Nhà nước cũng sẽ có công cụ quản lý thông tin về thị trường bất động sản, từ đó đưa ra các chính sách nhằm điều tiết kịp thời thị trường phát triển lành mạnh, ổn định.
Việc quy định giao dịch qua sàn không gia tăng chi phí bất hợp lý cho chủ đầu tư hay làm tăng giá bán.
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị
"Việc quy định giao dịch qua sàn không gia tăng chi phí bất hợp lý cho chủ đầu tư hay làm tăng giá bán. Hiện nay, chi phí quản lý, bán hàng của chủ đầu tư thường phải xác định khoảng 8-10% giá bán (bao gồm các chi phí nhân sự, quảng bá, truyền thông, hoa hồng). Chi phí này cũng là chi phí đã được các chủ đầu tư tính vào giá bán", Bộ trưởng nói.
Do vậy, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng chủ đầu tư có thể bỏ chi phí để tự tổ chức bán hàng hoặc thành lập sàn hay thuê sàn bất động sản để thực hiện. Việc này có khi còn tiết kiệm chi phí bán hàng cho chủ đầu tư vì các sàn bất động sản là đơn vị bán hàng chuyên nghiệp có sẵn dữ liệu khách hàng, có sẵn liên kết các sàn, các kênh tiếp thị, quảng cáo nên hiệu quả và hiệu suất cao hơn.
Qua nghiên cứu nhiều nước, giao dịch bất động sản cũng được thực hiện thông qua sàn bất động sản hoặc các đại lý môi giới. Giao dịch qua sàn sẽ đảm bảo công khai minh bạch, giúp ngăn chặn các hành vi lừa đảo, tránh rủi ro cho người dân.
"Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu để đảm bảo hoàn thiện quy định chặt chẽ, rà soát hoàn thiện trách nhiệm, nghĩa vụ của sàn giao dịch bất động sản", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.