Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận hội trường của Quốc hội về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết cơ quan soạn thảo đã có báo cáo dài 170 trang bước đầu nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại cuộc họp tổ.
Ông cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, rà soát quy định về tài chính đất, giá đất, đánh giá đầy đủ tác động nghiên cứu kỹ lưỡng chi phí đất đai. Bởi đây là chi phí đầu vào quan trọng của nền kinh tế, đảm bảo phù hợp với từng đối tượng, loại hình sử dụng đất, từ đó khơi dậy tiềm năng phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai và đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất, nhà đầu tư.
Bảng giá đất đầu tiên dự kiến xong trước năm 2026
Về nguyên tắc, phương pháp định giá đất, ông Khánh cho biết Luật Đất đai sửa đổi sẽ bỏ khung giá đất và thực hiện xây dựng bảng giá đất hàng năm. Khi Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực sẽ bắt đầu xây dựng bảng giá đất đầu tiên và dự kiến xong trước ngày 31/12/2025.
"Lần đầu tiên xây dựng bảng giá đất nên sẽ mất nhiều thời gian vì dùng nhiều phương pháp để có mức giá sát với thị trường. Sau khi có bảng giá đất, hàng năm sẽ cập nhật thay đổi dựa theo bảng giá này", lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.
Về phương pháp định giá đất, Bộ trưởng cho biết dự thảo đưa ra 4 phương pháp định giá đất là: So sánh trực tiếp, chiết trừ, thu nhập và hệ số điều chỉnh. Theo ông, bốn phương pháp này sẽ bao trùm được tất cả trường hợp của đất đai hiện nay.
"Với phương pháp so sánh trực tiếp sẽ sát giá thị trường. Hơn nữa, hiện nay có bảng giá đất hàng năm nên khi ký hợp đồng giao dịch, việc thu thuế sẽ căn cứ vào bảng giá đất hàng năm để thu, từ đó sẽ bớt hiện tượng giảm giá đất khi giao dịch, đảm bảo quyền lợi người mua, bán", ông Khánh nhìn nhận.
Còn phương pháp chiết trừ, theo Bộ trưởng sẽ chiết trừ phần tài sản trên đất và sau đó vẫn dùng phương pháp so sánh để tính. Còn phương pháp thu nhập, sẽ sử dụng cho các vùng đồng bào thiểu số, vùng đất khó khăn, vùng đất nông nghiệp. Còn phương pháp hệ số điều chỉnh để thuận lợi cho các khu vực ít có sự thay đổi, ổn định, đầu vào gắn với nguyên tắc thị trường.
"Định giá đất cụ thể sẽ tùy theo trường hợp, địa phương sẽ quyết định thực hiện phương pháp nào, đảm bảo công bằng, tránh tiêu cực, tham nhũng", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ưu tiên đấu giá đất
Về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho biết trong Luật Đất đai sửa đổi sẽ cố gắng đưa các điều khoản bảo đảm cho người dân có đất bị thu hồi có được nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Trong đó, để có cuộc sống bằng và hơn nơi ở cũ không phải chỉ về điều kiện sống về hạ tầng mà chọn vị trí của tái định cư, chọn vị trí vừa ở và vừa sản xuất rất quan trọng, phù hợp với phong tục tập quán, bản sắc văn hóa, phù hợp với tính cộng đồng, phù hợp với dân tộc.
"Chính quyền địa phương phải quyết định chúng ta tái định cư như thế nào, từ đó tham khảo đối thoại với nhân dân và chắc chắn sẽ xây dựng kết cấu hạ tầng tốt hơn nơi ở cũ", Bộ trưởng cho biết.
Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tránh tình trạng dự án treo, Bộ trưởng cho biết hiện nay theo Luật quy hoạch đã có quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch các vùng, các tỉnh và quy hoạch chung đô thị. Do đó, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ theo các quy hoạch này và đòi hỏi phải đảm bảo tính đồng bộ mới tránh tình trạng dự án treo.
Về giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng cho biết Luật Đất đai sửa đổi cũng sẽ cố gắng để quy định thu hồi đất của những đơn vị, tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp không hiệu quả để tập trung đất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Liên quan đến vấn đề giải quyết tranh chấp khiếu nại, tố cáo, giải quyết tranh chấp, Bộ trưởng nêu rõ phương châm khuyến khích giải quyết việc tranh chấp theo hướng hòa giải từ cơ sở, không để lên cấp cao hơn.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...
Đại biểu Quốc hội: Giá đất tiệm cận với giá thị trường là điều mơ hồ
Theo đại biểu Quốc hội, cơ sở để xác định giá đất tiệm cận với giá thị trường vẫn mơ hồ. Do đó, cần có dữ liệu tin cậy, hệ thống thu thập thông tin giá đất thị trường đồng bộ.
Nhiều băn khoăn về quy định giao dịch bất động sản phải qua sàn
Đại biểu Quốc hội đề nghị trao quyền quyết định giao dịch bất động sản cho nhà đầu tư, tạo cơ chế thông thoáng và không nhất thiết phải qua sàn.
Quốc hội quyết định áp giá trần với vé máy bay, sách giáo khoa
Để ổn định thị trường, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, vé máy bay, sách giáo khoa tiếp tục được Nhà nước áp giá trần để có công cụ quản lý.