Sáng 21/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Phát biểu góp ý về nguyên tắc xác định giá đất, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng quy định trong dự thảo luật chưa đủ điều kiện để thực hiện xác định giá đất trong đời sống thực tế.
Theo đại biểu, cơ sở để xác định giá đất tiệm cận với giá thị trường vẫn là điều mơ hồ, giá đất thời điểm 2023 khác nhưng sang năm 2024 lại khác, xác định như thế nào để không bị thất thoát là điều rất khó.
"Mặt khác, cần làm thế nào để việc xác định giá đất phải hài hòa được các lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Nếu theo phương án an toàn, tiền bồi thường sẽ quá lớn khó thu hút nhà đầu tư", vị đại biểu nhìn nhận.
Cần phải có dữ liệu giá đất tin cậy, đồng bộ
Theo đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất theo giá thị trường, bảo đảm rõ ràng, thể chế hóa đầy đủ, toàn diện theo yêu cầu của Nghị quyết 18.
"Muốn xác định giá đất tiệm cận thị trường cần phải có dữ liệu thị trường tin cậy, hệ thống thu thập cơ sở dữ liệu thông tin về giá đất thị trường đồng bộ trên cơ sở quy định pháp lý cụ thể", vị đại biểu nêu quan điểm.
Về phương pháp định giá đất, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) đề nghị tiếp tục đánh giá để quy định cho hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất vì hiện nay trong 4 phương pháp theo quy định hiện hành có vướng mắc, khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện.
Đại biểu cũng đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung, làm rõ, minh bạch nguyên tắc thị trường để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và người nhà đầu tư.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) đề nghị tiếp tục đánh giá để quy định cho hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất. Ảnh: Quochoi. |
"Bởi thực tiễn trong thời gian qua, việc bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi không chỉ ở vấn đề tính tiền bồi thường khi thu hồi đất mà còn ở phương pháp, phương án hỗ trợ tái định cư. Để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ", nữ đại biểu nói.
Đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) đề nghị cần phân loại đất đai thành 2 loại trong quá trình định giá đất. Loại 1, đất đai với quyền sử dụng đất là hàng hóa cần tính toán theo cơ chế thị trường với các phương pháp phù hợp. Loại 2, đất đai là tư liệu sản xuất cần tính toán theo khung giá để đảm bảo ổn định, công bằng, thu hút đầu tư...Vấn đề xử lý chênh lệch địa tô đối với đất đai của người dân đang tiềm ẩn nhiều bất công xã hội
Đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh)
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Văn Khải phản ánh vấn đề xử lý chênh lệch địa tô đối với đất đai của người dân đang tiềm ẩn nhiều bất công trong xã hội.
Ông dẫn thực tế đất nông nghiệp được mua gom, được đền bù với giá rẻ rồi chuyển đổi thành đất ở và đất thương mại, dịch vụ có giá cao gấp cả chục lần, thậm chí cả trăm lần.
"Vấn đề xử lý chênh lệch địa tô đối với đất đai của người dân đang tiềm ẩn nhiều bất công xã hội. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, người dân đã hy sinh đóng góp, giao quyền sử dụng đất, tài sản của mình cho Nhà nước, cho nhà đầu tư để xây dựng, phát triển hạ tầng, đô thị, đóng góp vào sự phát triển chung thì phải được hưởng lợi từ sự đầu tư, phát triển đô thị", đại biểu Khải nói.
Người dân mất hơn một năm để chuyển đổi mục đích sử dụng đất
Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) phản ánh thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất vẫn còn rất rườm rà, mất nhiều thời gian. Người dân phải mất hơn một năm để làm xong thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất kể từ khi đăng ký ở xã.
"Thực tế, nhu cầu của người dân về chuyển đổi mục đích sử dụng đất là rất lớn, và cần được thực hiện trong thời gian ngắn, không thể chờ thời gian hơn 1 năm, nên tình trạng cất nhà trước, làm giấy tờ sau diễn ra phổ biến", bà nói.
Người dân phải mất hơn 1 năm để làm xong thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất kể từ khi đăng ký ở cấp xã. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần có cách tiếp cận khác về quy trình, có giải pháp rút ngắn về thời gian trong tổ chức thực hiện để người dân tiếp cận ngay cơ hội.
"Khi chưa có quy hoạch ngắn hạn thì phải dựa vào quy hoạch dài hạn để giải quyết cho người dân. Khu vực đã quy hoạch là đất ở, thì khi người dân có nhu cầu, cần giải quyết ngay, không nên yêu cầu người dân đăng ký và chờ đợi thời gian dài đến khi có kế hoạch phân bổ mới giải quyết, trong khi thời gian là cơ hội của người dân", đại biểu nhìn nhận.
Góp ý về nguyên tắc đền bù, tái định cư, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho biết quy định trong dự thảo mới chỉ quan tâm tới thu nhập cụ thể chứ chưa quan tâm đến cuộc sống, sinh kế của người dân bị ảnh hưởng.
"Cần tìm hiểu các dự án thí điểm ở nhiều nơi, nhiều vùng trên cả nước, nghiên cứu kỹ Nghị quyết 18 để có giải thích hợp lý, đạt được sự đồng thuận từ cử tri, không nên bỏ nguyên tắc này ra khỏi nội dung về cơ chế giá đền bù", ông nói.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...