Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quốc hội không giám sát chuyên đề về Formosa

Dù được nhiều đại biểu đề nghị, song, trong chương trình giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2017 không có nội dung về môi trường và Formosa.

Chiều 27/7, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017.

Theo đó, hai trong bốn nội dung nhận được nhiều lựa chọn của các đại biểu để trở thành các chuyên đề giám sát gồm: việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 và việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Formosa đã làm cá chết thế nào? Cơ quan chức năng xác định công ty TNHH Hưng nghiệp Gang thép Formosa đã có hành vi xả thải ra biển có chứa độc tố vượt quá mức cho phép. Độc tố theo dòng hải lưu làm hải sản chết.

Vì sao không giám sát chuyên đề về Formosa?

Hai nội dung ít phiếu hơn, không được chọn là giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và xây dựng các chương trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng kinh doanh chuyển giao (BOT); thực hiện chính sách pháp luật đối với ngư dân và phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng an ninh.

Trong báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu do Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày có nhắc đến đề nghị giám sát về việc bảo vệ tài nguyên môi trường và giám sát việc gây ô nhiễm môi trường của tập đoàn Formosa gây ra tại một số tỉnh miền Trung.

giam sat chuyen de ve Formosa anh 1
Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc giám sát Formosa sẽ được thực hiện ở cấp Ủy ban của Quốc hội, thấp hơn cấp độ giám sát chuyên đề. Ảnh: Lê Hiếu.

 

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy vấn đề môi trường trong việc thực hiện các dự án trong nước và có vốn nước ngoài là vấn đề bức xúc, được dư luận rất quan tâm do việc thực hiện còn nhiều bất cập hạn chế. Ô nhiễm do tập đoàn Formosa gây ra không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm ngàn người dân khu vực miền trung mà còn tác động nhất định đến tình hình kinh tế xã trong cả nước.

Năm 2011, Quốc hội đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế làng nghề. Năm 2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tiến hành giám sát thực hiện chính sách về quản lý khoáng sản bảo vệ môi trường.

Các kết luận kiến nghị của các giám sát này đang được triển khai thực hiện. Với sự cố ô nhiễm môi trường do tập đoàn Formosa gây ra, thời gian qua, Chính phủ các cơ quan hữu quan đã tập trung triển khai và tiến hành nhiều giải pháp quyết liệt, phát hiện nguyên nhân, khắc phục hậu quả và đã đạt được kết quả bước đầu.

Theo ông Phúc, các cơ quan chức năng đang tiến hành làm rõ trách nhiệm, xử lý sai phạm của cá nhân, tập thể có liên quan. Ngay sau khi xảy ra sự cố, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường chủ động nắm tình hình, làm việc với các bộ ngành địa phương có liên quan để báo cáo kết quả, dự kiến cuối tháng 7.

"Trong thời gian tới, để có thêm cơ sở cho việc xem xét vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao cho Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường trực tiếp giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường khu công nghiệp và khu kinh tế ven biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, trong đó có hoạt động của tập đoàn Formosa để báo cáo kết quả cho Quốc hội để tiếp tục theo dõi giám sát", ông Phúc nêu giải trình.

Đại biểu đề nghị giám sát toàn bộ dự án

Trước đó, sáng 25/7, tại phiên thảo luận phiên thảo luận về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017, nhiều đại biểu đã đề nghị Quốc hội có nội dung giám sát về bảo vệ môi trường và Formosa.

Đại biểu Tô Văn Tám băn khoăn khi thuyết minh dự kiến chương trình năm 2017 không đề cập. "Tôi đề nghị nên có giám sát chuyên sâu riêng về môi trường, Formosa", đại biểu Tám nói.

giam sat chuyen de ve Formosa anh 2
Ông Trương Trọng Nghĩa là một trong số nhiều đại biểu nêu đề nghị cần có giám sát chuyên đề về môi trường và Formosa trong phiên thảo luận ngày 25/7 vừa qua. Ảnh: Quochoi.vn.

Trong khi đó, như lời đại biểu Trương Trọng Nghĩa, vài năm trở lại đây, đặc biệt đầu năm đến nay, "vấn đề môi trường khiến cử tri rất bức xúc, trong đó cụm từ Formosa được người dân nhắc đi nhắc lại".

Theo ông Nghĩa, "mấy tháng qua, người dân ăn không ngon, ngủ không yên. Những người có lòng yêu nước, quan tâm tới vận mệnh quốc gia đều băn khoăn lo lắng". Vấn đề đang gây bức xúc dư luận như vậy, nhưng ông đọc đi đọc lại 4 nội dung chuyên đề giám sát của Quốc hội, không thấy cụm từ "môi trường".

Còn đại biểu Vũ Trọng Kim cho rằng vụ cá chết hàng loạt do Formosa ở miền Trung vừa qua không chỉ là sự cố mà là thảm họa môi trường. "Thảm họa này bao giờ khắc phục xong, ai dám nói và nguy cơ còn không, nguyên nhân sinh ra còn không? Tất cả những vấn đề này còn đang ở phía trước", ông Kim đặt câu hỏi.

Toàn cảnh vụ cá chết hàng loạt tại miền Trung Chiều nay, 30/6, sau gần 3 tháng, nguyên nhân và thủ phạm gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung sẽ được công bố.

'Mấy tháng qua dân ăn không ngon, ngủ không yên'

"Mấy tháng qua, dân ăn không ngon, ngủ không yên. Những người có lòng yêu nước, quan tâm tới vận mệnh quốc gia đều băn khoăn lo lắng", đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói sáng 25/7.


Việt Đức - Công Khanh

Bạn có thể quan tâm