Câu chuyện môi trường và từ khóa "Formosa" dồn dập được các đại biểu đề cập tới trong phiên thảo luận về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017. Lý do được nhiều đại biểu nêu ra là trong chương trình giám sát dự kiến năm tới không có chủ đề này.
Bao giờ khắc phục xong thảm họa môi trường do Formosa?
Đại biểu Tô Văn Tám băn khoăn khi thuyết minh dự kiến chương trình giám sát năm 2017 không đề cập. "Tôi đề nghị nên có giám sát chuyên sâu riêng về môi trường, Formosa", đại biểu Tám nói.
Trong khi đó, như lời đại biểu Trương Trọng Nghĩa, vài năm trở lại đây, đặc biệt đầu năm đến nay, "vấn đề môi trường khiến cử tri rất bức xúc, trong đó cụm từ Formosa được người dân nhắc đi nhắc lại".
"Sự cố môi trường trong vụ Formosa ở Hà Tĩnh làm cho một bộ phận lớn cử tri băn khoăn, bức xúc, trong đó có nhiều người là cán bộ công chức, cán bộ lão thành, đương chức. Họ gặp và đề nghị tôi kiến nghị với quốc hội" – đại biểu Trương Trọng Nghĩa phản ánh.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa tại hội trường Quốc hội sáng 25/7. Ảnh: Quochoi.vn. |
Theo ông Nghĩa, "mấy tháng qua, người dân ăn không ngon, ngủ không yên. Những người có lòng yêu nước, quan tâm tới vận mệnh quốc gia đều băn khoăn lo lắng". Vấn đề đang gây bức xúc dư luận như vậy, nhưng ông đọc đi đọc lại 4 nội dung chuyên đề giám sát của Quốc hội, không thấy cụm từ "môi trường".
“Tôi đề nghị phải có chuyên đề thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư trong nước và nước ngoài liên quan đến việc phòng chống vi phạm pháp luật bảo vệ tài nguyên môi trường”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.
Đây không phải lần đầu tiên ông Nghĩa nêu chủ đề này tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới. Bên hành lang nghị trường, ông là đại biểu nêu đề nghị lập ủy ban lâm thời xem xét xử lý vụ Formosa.
Ý kiến này được đại biểu Vũ Trọng Kim nêu lại và bày tỏ sự tán đồng trong phiên thảo luận sáng 25/7. Theo ông Kim, vụ cá chết hàng loạt do Formosa ở miền Trung vừa qua không chỉ là sự cố mà là thảm họa môi trường.
"Thảm họa này bao giờ khắc phục xong, ai dám nói và nguy cơ còn không, nguyên nhân sinh ra còn không? Tất cả những vấn đề này còn đang ở phía trước", ông Kim đặt câu hỏi.
Một căn cứ nữa để ông Kim tán đồng với đề xuất này là ở đây không chỉ là vấn đề môi trường. Theo ông, giá thép so với năm 2008 "xuống ghê gớm", trong khi, để làm có kết quả thì không đơn giản. Đặc biệt, vấn đề an ninh, quốc phòng "không đơn giản" khi ở khu vực miền Trung chỉ có 50 km.
"Những lo lắng đó chúng tôi nghĩ chúng ta phải có câu trở lời xác đáng và phải đúng thời điểm, không được chậm trễ và phải rất nghiêm túc thì lâu dài hậu quả đó chúng ta mới có thể khắc phục được", ông Kim nói.
Quốc hội rà soát, cấp phép dự án ảnh hưởng môi trường, an ninh
Theo đại biểu Nghĩa, nhiều cử tri kiến nghị quốc hội phải giám sát toàn bộ dự án Formosa, vì đây là thời điểm thuận lợi, giám sát từ đầu sẽ thuận lợi.
Ông cũng cho rằng, trong sự cố môi trường xảy ra ở Hà Tĩnh, Chính phủ đã nỗ lực vào cuộc, bước đầu đạt kết quả. Nghị Quyết của Đảng quy định có sự phân công phối hợp giữa các cơ quan quyền lực của Nhà nước. Thời gian qua, người dân cũng đặt nhiều câu hỏi, tại sao đại biểu Quốc hội các tỉnh miền trung và Quốc hội chưa có ý kiến gì, hoặc chí ít có thông tin, dự kiến làm gì.
"Đối với nhận thức của nhân dân và cử tri thì vấn đề là rất nghiêm trọng và còn tồn tại đến 70 năm nữa. Chúng tôi cho rằng sự nhập cuộc của Quốc hội sẽ tiếp sức thêm cho Chính phủ. Nếu điều chỉnh kịp thời sẽ đáp ứng nguyện vọng tâm tư của cử tri, nhân dân…", ông Nghĩa nói.
Đề cập sâu về chủ đề này, vị đại biểu là luật sư này kiến nghị Quốc hội có giám chuyên đề: Các quy định pháp lý về trình tự thủ tục trách nhiệm trọng việc xem xét phê duyệt các dự án đầu tư nước ngoài, liên quan đến việc bảo vệ tài nguyên môi trường.
Theo ông, vừa qua nổi lên vấn đề quy trình, thủ tục, nhưng các quy trình thủ tục ấy có thể chưa hoàn chỉnh và có những sơ hở. Ví dụ có đánh giá tác động môi trường thì việc rà soát như thế nào. Những dự án đầu tư nước ngoài hàng trăm nghìn tỷ, tác động vào xã hội lớn, không thể nói việc này cứ để cho các tỉnh giải quyết, các bộ quyết mà Quốc hội không quan tâm.
"Tới đây chúng tôi kiến nghị phải sửa đổi luật, các dự án đầu tư tư nhân có ảnh hưởng đến môi trường, an ninh quốc phòng thì Quốc hội phải có giám sát, rà soát và cấp phép", đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.
Xin một phút để nói thêm sau lần phát biểu thứ nhất, đại biểu Trương Trọng Nghĩa "nhắc" Quốc hội, trong nhiệm kỳ này Việt Nam sẽ triển khai thi hành 2 hiệp định rất quan trọng là Hiệp định tự do với EU và hiệp định TPP. Và vì thế, vấn đề môi trường sẽ tác động thẳng vào phát triển kinh tế.
Việt Nam thương lượng, ký kết để mở rộng thị trường trên thế giới để hàng hóa tăng cường việc xâm nhập các thị trường, nhưng nếu không bảo vệ được môi trường thì có những luật chơi chung của quốc tế là hàng hóa của Việt Nam sẽ bị tẩy chay.
"Không phải vì chúng ta vi phạm luật của họ mà vì chính chúng ta không bảo vệ được môi trường của chúng ta, hàng của chúng ta không thể vào được các siêu thị, hoặc vào nhưng không cạnh tranh nổi với hàng của các quốc gia khác vì không bảo đảm sinh thái và môi trường. Do đó vấn đề môi trường không chỉ tác động vào đời sống của chính chúng ta, của nhân dân mà còn là vấn đề đóng góp vào phát triển và tăng trưởng kinh tế trong những năm sắp tới", ông Nghĩa nói.