Sự cố sập nhà hàng nổi khiến 2 người chết, 4 bị thương ở Vĩnh Hy (Ninh Thuận), gióng lên hồi chuông cảnh báo những hiểm họa tiềm ẩn từ những nhà hàng, bè đang tồn tại không phép ở khắp nơi.
Theo ông Huỳnh Ngọc Bông, Chánh văn phòng, Người phát ngôn UBND tỉnh Khánh Hòa, tỉnh này đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố rà soát tất cả hộ, đơn vị kinh doanh loại hình nhà hàng, bè nổi để báo cáo UBND tỉnh trình phương án đảm bảo an toàn trong thời gian tới.
Ông Đinh Vĩnh Tiền, Phó Trưởng ban Quản lý vịnh Nha Trang, cho biết hiện nay trên vịnh tồn tại rất nhiều nhà hàng dạng bè nổi kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Một bè nổi trên vịnh Nha Trang. Ảnh: An Bình |
“Nói nhà hàng cho sang chứ đây thực chất là các bè nổi, được người dân làm theo kiểu truyền thống. Về mặt chất lượng thì không có ai kiểm định. Còn chức năng hoạt động cũng chưa có cơ quan nào cấp phép. Vì vậy mức độ an toàn là không thể biết được”, ông Tiền nhìn nhận.
Ở Khánh Hòa khu vực tập trung đông bè nổi phục vụ du khách nhất là vịnh Nha Trang (TP Nha Trang) và vịnh Cam Ranh (TP Cam Ranh). “Ở đây tập trung đông du khách đến tham quan nên các chủ hộ nuôi cá bằng bè đã chuyển đổi công năng từ bè nổi nuôi cá sang kết hợp phục vụ du khách. Họ làm rất đơn giản bằng cách kết nối các thùng phi bằng nhựa loại 200 lít rồi lót ván phía trên để khách ngồi. Vừa là chỗ để gia đình sinh sống, vừa là nơi buôn bán”, ông Tiền nói.
Theo ông Trần Văn Hóa, Chủ tịch UBND xã Cam Bình (TP Cam Ranh), ngay sau vụ việc chìm nhà hàng nổi ở vịnh Vĩnh Hy, lãnh đạo TP Cam Ranh đã chỉ đạo tạm dừng hoạt động các nhà hàng, bè nổi ở đảo Bình Ba và đảo Bình Hưng.
“Ngay sau khi nhận chỉ đạo của lãnh đạo, chúng tôi đã phát đi thông báo đến các chủ bè nổi trong khu vực phải tạm dừng phục vụ khách. Bên cạnh đó xã cử lực lượng giám sát, không để du khách tự ý xuống các bè nổi trong khu vực quản lý. Hiện tất cả 28 bè nổi thuộc đảo Bình Ba và Bình Hưng đã nhận thông báo của xã về yêu cầu dừng hoạt động", ông Hóa cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Dần, Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Khánh Hòa, chức năng quản lý nhà hàng, bè nổi thuộc trách nhiệm của các huyện, thị, thành phố. Hiện nay các bè nổi được thiết kế không theo quy chuẩn, nên việc thẩm định chất lượng là rất khó.
“Bè nổi là loại hình dịch vụ tự phát và rất hút khách thời gian gần đây. Vì vậy, những ngư dân đã cải hoán bè nuôi cá thành bè nổi, luôn tiềm ẩn nguy hiểm. Những người chủ cũng chưa được đào tạo về nghiệp vụ đảm bảo an toàn tính mạng cho khách", ông Dần cảnh báo.
Theo UBND tỉnh, trước ngày 31/7, tất cả ban ngành, huyện, thành phố phải báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát loại hình kinh doanh nhà hàng, bè nổi. “Theo chỉ đạo thì sắp tới, sau khi kiểm tra, rà soát UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ tiến tới chấm dứt, cấm tất cả bè nổi hoạt động. Trong thời gian thực hiện tỉnh cũng sẽ có những phương án hỗ trợ cho các hộ dân kinh doanh loại hình trên", đại diện UBND tỉnh cho biết.