Ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine vào đầu tuần này, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh đã thống nhất về việc sẽ tung ra các gói trừng phạt kinh tế và cấm vận nặng nề đối với Moscow.
Các biện pháp bao gồm đóng băng tài khoản của các cá nhân và tổ chức có liên hệ với ông Putin, trừng phạt ngân hàng trung ương Nga và thậm chí là loại bỏ một số ngân hàng của nước này khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Người dân Nga tại trung tâm Moscow tuần này. Điện Kremlin đã thực hiện nhiều biện pháp để sẵn sàng giúp nền kinh tế chống chọi lại các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Ảnh: New York Times. |
Pháo đài kinh tế của Moscow
Rõ ràng phương Tây sẽ đối đầu với Nga không phải bằng súng ống hay tên lửa mà bằng những đòn trừng phạt kinh tế.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia được phỏng vấn bởi New York Times, nếu Mỹ và các đồng minh không thể đồng thuận trong việc thực hiện các biện pháp trừng phạt ở mức cao nhất với Moscow, thì tác động của việc cấm vận sẽ không thể làm khó được Tổng thống Putin.
Trong hơn một thập kỷ, điện Kremlin đã thận trọng thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm nợ công quốc gia, và yêu cầu ngân hàng trung ương Nga tích trữ lượng tài sản đủ lớn để đảm bảo giá trị của đồng rúp trong trường hợp lạm phát vì các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Điều đó có nghĩa là các lệnh trừng phạt mới được đưa ra bởi Mỹ, EU, Anh, Nhật Bản và nhiều nước khác sẽ khó có tác động đáng kể nào đến nền kinh tế Nga hoặc sự ổn định tài chính của nước này, ít nhất là trong vài năm tới.
Ông Hosuk Lee-Makiyama, Giám đốc Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế ở châu Âu (ECIPE - một viện chính sách độc lập ở Brussels), cho rằng kinh tế châu Âu đã phụ thuộc nhiều vào Nga hơn trong khi kinh tế Nga thì ngày càng tách biệt khỏi phương Tây.
Theo ông Lee-Makiyama, số tài sản ở Nga mà các doanh nghiệp EU sở hữu có giá trị vào khoảng 300 tỷ euro. Nhiều tập đoàn lớn của Anh cũng sở hữu nhiều tài sản ở Nga, ví dụ như tập đoàn dầu khí BP - đơn vị nắm 20% cổ phần tập đoàn dầu khí Rosneft.
"Nếu bạn đưa Iran hay Triều Tiên ra khỏi hệ thống tài chính quốc tế, bạn sẽ không phải đối mặt với những rủi ro như thế này", ông Lee-Makiyama nói.
Ý của chuyên gia này là việc loại các ngân hàng Nga khỏi hệ thống SWIFT sẽ không chỉ gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga, mà còn cho các tập đoàn châu Âu sở hữu tài sản ở Nga.
SWIFT là tên của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu - hệ thống giao tiếp bảo mật kết nối hàng nghìn tổ chức tín dụng trên thế giới, cho phép việc thanh toán xuyên biên giới diễn ra nhanh chóng và an toàn, giúp hoạt động thương mại quốc tế diễn ra một cách suôn sẻ.
Các công nhân lắp đặt đường ống Nord Stream 2 - dự án đưa khí đốt Nga tới châu Âu hiện đã bị chính phủ Đức đình chỉ hoạt động dù vừa khánh thành. Ảnh: Reuters. |
Mỗi ngày có hàng nghìn tỷ USD được giao dịch thông qua hệ thống này, nhưng SWIFT cũng có một đối thủ đáng gờm đó là CIPS (Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên biên giới) - được hẫu thuẫn bởi chính phủ Trung Quốc.
Nếu bị loại khỏi SWIFT, các ngân hàng Nga có thể sử dụng CIPS để thực hiện giao dịch trực tiếp với các đối tác. Hiện có 23 ngân hàng Nga là thành viên của hệ thống này.
Thế giới cần Nga hơn Nga cần thế giới?
Các nước G7 và EU cũng có thể cấm việc mua khí đốt và dầu mỏ từ Nga, nhưng các nhà phân tích trong lĩnh vực này thừa nhận rằng, mặc dù thị trường dầu mỏ có đủ nguồn cung để bù đắp cho lệnh cấm nhập khẩu từ Nga, nhưng khi đó giá dầu có thể lên tới mức 140 USD/thùng.
Trong khi đó, việc cấm nhập khẩu khí đốt từ Nga được cho là gần như không khả thi, vì có tới gần 40% lượng khí đốt mà châu Âu sử dụng có nguồn gốc từ nước này. Các nhà phân tích của ngân hàng Barclays cho rằng việc thay thế hoàn toàn 150-190 tỷ m3 khí đốt mỗi năm mà EU nhập khẩu từ Nga là điều không thể trong ngắn hạn.
Không chỉ vậy, một số nhà phân tích còn cho rằng Moscow có thể sử dụng sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng Nga như một đòn bẩy để phản công.
Ngân sách quốc gia thắt chặt của Nga có nghĩa là điện Kremlin có thể trang trải chi phí cho các hoạt động của chính phủ miễn là giá dầu ở trên mức 44 USD/thùng, và mức giá hiện tại thì đang gấp đôi con số đó.
Và dự trữ ngoại tệ khổng lồ của Moscow cũng có thể bù đắp sự mất mát trong trường hợp các nước không chịu mua dầu của Nga nữa.
Bà Emma Ashford, chuyên gia về an ninh làm việc tại tổ chức tư vấn chính sách Atlantic Council, nhận định Nga có thể tồn tại mà không cần xuất khẩu dầu trong vài năm, nhưng kho dự trữ năng lượng của châu Âu chỉ đủ dùng trong vài tháng.
Nga cũng là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về nhôm, đồng và các mặt hàng quan trọng khác, chưa nói đến lúa mì. Moscow có thể tin rằng thế giới cần Nga hơn là Nga cần thế giới.
"Tôi nghĩ đó là một phần lý do thúc đẩy các tính toán của Điện Kremlin", bà Ashford nhận định.
Khai thác lúa mì trên một cánh đồng ở Nga - nước xuất khẩu lúa mì nhiều nhất thế giới. Ảnh: Reuters. |
Chính phủ Nga cũng giảm việc sử dụng đồng USD trong thanh toán quốc tế và qua đó hạn chế đòn bẩy này của Washington.
Ngân hàng trung ương nước này cũng tích trự một lượng ngoại tệ khổng lồ và cắt giảm ngân sách để giữ nền kinh tế và các dịch vụ của chính quyền có thể tiếp tục hoạt động trong trường hợp bị cô lập. Ngành thương mại Nga cũng được định hướng để thay thế tối đa hàng hóa nhập khẩu từ phương Tây.
Theo ông Alexander Gabuev, nhà phân tích cấp cao tại Trung tâm Carnegie Moscow, các nhà kinh tế học Nga "rất tự hào, và có lý do để cảm thấy như vậy, với những gì họ đã làm để khiến nền kinh tế Nga miễn nhiễm với các lệnh trừng phạt".
Nợ ít, tiết kiệm nhiều
Chiếc khiên kiên cố nhất của Moscow trên mặt trận kinh tế là kho dự trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương nước này.
Quốc gia nào cũng phải dự trữ ngoại tệ để bù đắp thâm hụt thương mại và các khoản nợ. Hầu hết ngân hàng trung ương sẽ nắm giữ đồng dollar Mỹ, vì tính ổn định và khả năng thanh toán toàn cầu của đồng tiền này. Các nước phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng như Nga cũng thường tích trữ nhiều ngoại tệ hơn so với mức trung bình để thích ứng với biến động về giá cả.
Kể từ năm 2015, nguồn thu từ xuất khẩu khí đốt và dầu mỏ của Nga đã giúp nước này mở rộng khoản dự trữ ngoại tệ lên 631 tỷ USD, tương đương một phần ba GDP nền kinh tế. Đây là khoản dự trữ ngoại tệ lớn thứ 4 thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Nhật Bản và Thụy Sĩ.
"Đây là điều giúp ông Putin có thể tự do thực hiện các động thái chiến lược", ông Adam Tooze, sử gia kinh tế ở Đại học Columbia, nhận định.
Với khoản dự trữ ngoại tệ khổng lồ này, ngân hàng trung ương Nga sẽ có thể giữ ổn định đồng rúp để tránh lạm phát vì các lệnh trừng phạt.
Thêm vào đó, chính phủ Nga cũng cắt giảm chi tiêu công trong vòng 8 năm qua, và tỷ lệ nợ công của nước này chỉ ở mức chưa đầy 20% GDP.
"Sự cân bằng tài chính này có nghĩa là nước Nga của Putin sẽ không bao giờ phải trải qua khủng hoảng tài chính và chính trị toàn diện như từng làm rung chuyển đất nước hồi năm 1998", ông Tooze nói thêm.
Đồng USD chỉ chiếm 16% trong khoản dự trự ngoại tệ của Nga, với phần còn lại là euro, nhân dân tệ và vàng. Đây là một trong nhiều bước để tiến tới mục tiêu "phi đôla hóa" nền kinh tế, làm giảm khả năng của Washington trong việc sử dụng quyền kiểm soát của Mỹ đối với các giao dịch bằng đồng dollar để bóp nghẹt nền kinh tế Nga.
Cùng với đó, khoản nợ của các doanh nghiệp Nga cũng được tái cơ cấu bằng đồng rúp thay vì đồng USD.
Nhà máy lọc dầu của Gazprom Neft ở Omsk, Liên bang Nga. Ảnh: Reuters. |
Không chỉ tăng sức đề kháng cho nền kinh tế, ông Putin được cho là cũng chăm sóc tầng lớp tài phiệt Nga - bộ phận có ảnh hưởng lớn đến chính trị và kinh tế đất nước, để đảm bảo lòng trung thành của họ.
Sau khi phương Tây trừng phạt một số cá nhân người Nga vào năm 2014, những người này được chính phủ bù đắp bằng việc giao cho các hợp đồng xây dựng và năng lượng tại quê nhà.
"Điều này thực sự củng cố sự gắn kết của chế độ, bởi vì những nhân vật chủ chốt giờ đây không còn lựa chọn nào để trở lại bình thường với phương Tây", ông Gabuev nhận xét về các biện pháp trừng phạt nhắm vào giới thượng lưu Nga.