Theo các chuyên gia quốc tế, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau đại dịch Covid-19, việc Nga đưa quân vào Ukraine tiếp tục tạo ra nhiều rủi ro. Theo Bloomberg, xung đột Nga - Ukraine là cuộc chiến nghiêm trọng nhất ở châu Âu kể từ năm 1945.
Trước khi giao tranh bùng nổ, mối quan hệ căng thẳng giữa Nga, Ukraine và phương Tây đã đẩy giá năng lượng toàn cầu. Đỉnh điểm hôm 24/2, lần đầu tiên kể từ năm 2014, giá dầu Brent vượt qua mức 100 USD/thùng trong khi khí đốt tự nhiên tăng 62%.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong ngày 24/2 cũng công bố hàng loạt lệnh trừng phạt nhắm vào hệ thống ngân hàng Nga và khả năng giao dịch USD của nước này.
Kinh tế toàn cầu đang bị tổn thương
Các chính trị gia như ông Biden hiểu rõ biện pháp trừng phạt là tiếng nói thể hiện lập trường của Mỹ về vấn đề xung đột. Song, ngoài Nga, cái giá của lệnh trừng phạt với Mỹ không nhỏ.
Dịch Covid-19 để lại 2 điểm yếu là lạm phát cao và thị trường tài chính hỗn loạn cho nền kinh tế toàn cầu. Do đó, dư chấn từ cuộc xung đột tại Ukraine có thể “rót thêm dầu vào lửa”.
Vấn đề nguồn cung năng lượng là yếu tố chính tác động đến kinh tế toàn cầu. Ảnh: Bloomberg. |
Việc gia tăng chi phí cho nhiên liệu và sưởi ấm khiến người dân khó tiếp cận hàng hóa hoặc dịch vụ khác. Thị trường lao dốc còn phát sinh nhiều lực cản, ảnh hưởng đến dòng vốn và tâm lý tự tin của giới đầu tư, khiến các công ty khó huy động vốn hơn.
Ngoài ra, các ngân hàng trung ương đang đứng trước thách thức kép. Các tổ chức này phải thực hiện song song 2 nhiệm vụ là quản lý giá cả và giữ cho nền kinh tế phát triển.
Dự kiến, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ thời gian tới. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng ở Nga có thể xoay chuyển quyết định này.
Mức thiệt hại mà cuộc xung đột gây ra cho nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các lệnh trừng phạt từ phương Tây cũng như khả năng Nga đáp trả. Ngoài ra, làn sóng tị nạn của người Ukraine hay tình trạng tấn công mạng của Nga cũng là yếu tố có ảnh hưởng.
Cú sốc năng lượng
Bloomberg chỉ ra 3 kịch bản mà chiến tranh tác động đến đà tăng trưởng, lạm phát và chính sách tiền tệ. Đầu tiên, sự ổn định sớm được lập lại có thể ngăn chặn đà tăng giá của thị trường hàng hóa, giữ cho sự phục hồi của kinh tế Mỹ và châu Âu đi đúng hướng.
Ở kịch bản 2, việc kéo dài xung đột, phản ứng cứng rắn của phương Tây và tình trạng gián đoạn xuất khẩu dầu khí của Nga sẽ gây ra cú sốc năng lượng lớn. Đáng nói, ECB và FED khó có khả năng tăng lãi suất để thắt chặt chính sách tiền tệ.
Kịch bản xấu nhất xảy ra khi nguồn cung khí đốt của châu Âu đứt gãy. Điều này gây ra tình trạng suy thoái, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng và buộc các điều kiện tài chính phải được thắt chặt mạnh mẽ.
Ở tình huống một, dầu và khí đốt tiếp tục chảy. Đây là kịch bản lạc quan khi nguồn cung dầu và khí đốt có giá cả ổn định cũng như không bị gián đoạn. Khả năng sụt giảm liên tục trên thị trường theo đó được giảm bớt ngay cả khi các điều kiện tài chính tiếp tục thắt chặt.
Đồng RUB của Nga trượt giá mạnh sau khi Nga đưa quân vào Ukraine. Ảnh: Bloomberg. |
Điển hình, trong tuyên bố hôm 24/2, ông Biden cho biết mục tiêu trừng phạt chính sẽ là 5 ngân hàng Nga, bao gồm ngân hàng có tổng tài sản 1.000 tỷ USD Sberbank, quyền tiếp cận sản phẩm công nghệ và giới tinh hoa tại Nga. Theo phản ứng, giá dầu thế giới giảm tức khắc khi lĩnh vực cung cấp năng lượng của Nga không nằm trong nhóm bị trừng phạt.
Đối với châu Âu, Nga hiện là nhà cung cấp dầu và khí đốt chính.
Vào tháng Giêng, chi phí năng lượng tăng cao đã chiếm hơn 50% tỷ lệ lạm phát kỷ lục của khu vực đồng tiền chung EUR. Hợp đồng tương lai khí đốt tự nhiên châu Âu đạt đỉnh trên 140 EUR/megawatt hôm 24/2, tăng 62% trong ngày.
Cộng thêm hiệu ứng dầu mỏ, tỷ lệ lạm phát khu vực đồng EUR có thể chạm mức 3% vào cuối năm. Con số này thậm chí lớn hơn nếu tình trạng suy thoái bắt nguồn từ các lệnh trừng phạt Nga lan tỏa.
Dẫu vậy, khối này có khả năng thoát khỏi suy thoái và lộ trình tăng lãi suất của ECB vào tháng 12 vẫn còn hiệu lực.
Dù ở xa châu Âu, giá năng lượng vẫn là yếu tố đầu tiên tác động đến Mỹ. Giá xăng tăng cao cùng điều kiện tài chính vừa phải có thể kéo theo tăng trưởng. Quốc gia này có cơ hội vận chuyển nhiều khí đốt tự nhiên hơn sang châu Âu và kéo giá trong nước.
Nguồn cung gián đoạn
Chỉ số giá tiêu dùng CPI có thể vượt 8% trong tháng 2 và giảm xuống 5% vào cuối năm, vượt xa con số dự đoán 3,3%.
Tuy nhiên, FED vẫn còn kế hoạch tăng lãi suất vào tháng 3, không quá 50 điểm cơ bản, để kiềm chế lạm phát. Chủ tịch FED Cleveland Loretta Mester cho rằng đây là thời điểm phù hợp để có những động thái tăng lãi suất đầu tiên.
Với tình huống hai, nguồn cung cấp năng lượng bị gián đoạn. Hiện, một số chủ tàu chở dầu tránh nhận dầu thô của Nga cho đến khi các biện pháp trừng phạt rõ ràng hơn.
Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng hệ thống đường ống dẫn dầu và khí đốt chạy qua Ukraine gặp sự cố giữa bối cảnh giao tranh. Bất kỳ yếu tố gián đoạn nguồn cung đều có thể khiến cú sốc giá năng lượng trầm trọng hơn.
Giá khí đốt ở mức 180 EUR/mwh và giá dầu ở mức 120 USD/thùng có thể khiến lạm phát khu vực đồng EUR tăng gần 4% vào cuối năm. Việc châu Âu giữ nguyên mức lạm phát này sẽ ảnh hưởng đến GDP và lộ trình tăng lãi suất của ECB vào năm 2023.
Ở Mỹ, kịch bản này có thể đẩy lạm phát lên mức 9% trong tháng 3 và 6% vào cuối năm. Đồng thời, tình trạng bất ổn tài chính và suy giảm kinh tế do ảnh hưởng từ cuộc suy thoái tại châu Âu sẽ khiến FED mâu thuẫn. Điều này có thể giảm tốc độ quy mô tăng trưởng trong nửa cuối năm.
Giá dầu thế giới sẽ quyết định mức độ lạm phát tại Mỹ qua chỉ số CPI. Ảnh: Bloomberg. |
Trong tình huống ba, nguồn cung khí đốt bị cắt. Trước các lệnh trừng phạt từ Mỹ và châu Âu, Nga có thể trả đũa bằng cách cắt nguồn cung khí đốt sang châu Âu.
ECB ước tính cứ 10% nguồn phân bổ khí đốt bị ảnh hưởng sẽ làm giảm 0,7% GDP của cả khu vực sử dụng đồng tiền chung EUR. Nhân con số này với 4, tương đương 40% thị phần khí đốt của Nga đến châu Âu, nền kinh tế khối có thể chịu thiệt hại 3%.
Con số thực tế có thể cao hơn trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng. Điều này dẫn tới tình trạng suy thoái và ECB không thể tăng lãi suất trong tương lai gần.
Đối với Mỹ, tác động này có thể lan sang hệ thống ngân hàng. Trọng tâm của FED sẽ chuyển sang duy trì tăng trưởng.
Song, giá năng lượng tăng cao sẽ thúc đẩy tình trạng lạm phát, buộc Mỹ phải có động thái thắt chặt mạnh mẽ ngay cả trong một nền kinh tế yếu kém.
Không chỉ ảnh hưởng đến những nền kinh tế lớn trên thế giới, các quốc gia khác cũng sẽ cảm nhận được tác động của việc giá cả hàng hóa tăng đột biến, gồm cả lương thực lẫn năng lượng.
Một số nước như Saudi Arabia hay vùng Vịnh có thể nhân cơ hội này hưởng lợi. Nhưng, với hầu hết thị trường mới nổi vốn đang gặp nhiều thách thức để phục hồi, giá cả tăng và thâm hụt dòng vốn có thể giáng một đòn lớn và làm trầm trọng thêm nguy cơ khủng hoảng nợ hậu Covid.
Ngoài ra, FED ước tính các cuộc tấn công mạng có thể làm suy yếu hệ thống thanh toán tại 5 công ty cho vay lớn ở Mỹ, ảnh hưởng tới 38% tổng tài sản ngân hàng và dẫn đến rủi ro tích trữ thanh khoản hoặc vỡ nợ.
Dù vậy, trên hết, Nga vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nếu các biện pháp trừng phạt liên tục được đưa ra.