“Chúng tôi đồng lòng với đồng minh và đối tác quốc tế để đảm bảo Nga phải trả cái giá nặng nề về kinh tế và ngoại giao sau khi nước này tấn công Ukraine”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói trong một tuyên bố, theo Reuters hôm 25/2.
“Nếu cần thiết, chúng tôi sẵn sàng cho Nga chịu tổn thất nhiều hơn vì hành vi của nước này trên trường quốc tế”, bà nói thêm.
Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bị Mỹ trừng phạt trực tiếp. Ảnh: FT. |
Bộ Tài chính Mỹ cũng sẽ áp “lệnh trừng phạt ngăn chặn toàn diện” đối với Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), vốn thuộc sở hữu nhà nước, một người phát ngôn Nhà Trắng thông báo trên Twitter hôm 25/2.
RDIF là tổ chức tài chính hoạt động như một quỹ tài sản nhà nước, được thiết kế để thu hút vốn vào các lĩnh vực tăng trưởng cao.
Theo AFP, các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng bao gồm lệnh cấm di chuyển. Tổng thống Nga sẽ là mục tiêu có vị trí cao nhất bị Mỹ áp lệnh trừng phạt.
Đây là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm gây ra tổn thất cho nền kinh tế Nga, cũng như cho các thân tín của ông Putin sau quyết định tấn công Ukraine.
Lệnh trừng phạt trực tiếp của Mỹ được đưa ra chỉ ít lâu sau khi EU và Anh có động thái tương tự vào cùng ngày.
Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell nhận định đây là gói trừng phạt “nghiêm trọng nhất” mà khối này từng đưa ra.
Trong khi đó, chính phủ Anh ra lệnh đóng băng mọi tài sản của ông Putin và ông Lavrov.
Tuy nhiên, bất chấp việc tổng thống Ukraine kêu gọi khai trừ Moscow ra khỏi hệ thống giao dịch ngân hàng quốc tế SWIFT, nhiều quốc gia EU - bao gồm Đức, Hungary và Italy - vẫn do dự vì sợ Nga cắt nguồn khí đốt.