"Ông Putin đã lựa chọn tấn công. Và bây giờ, ông ấy và đất nước mình sẽ gánh chịu hậu quả", Tổng thống Mỹ Joe Biden nói, đồng thời đưa ra một loạt biện pháp sẽ "gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Nga".
"Chúng sẽ gây ra thiệt hại nặng nề với nền kinh tế Nga, ngay lập tức và sau này. Chúng tôi thiết kế các biện pháp trừng phạt có chủ đích, nhằm tối đa hóa tác động lâu dài đến Nga, trong khi giảm thiểu tác động với Mỹ và các đồng minh", ông Biden nói.
Tổng thống Biden cho biết trong đợt trừng phạt mới này, Mỹ sẽ không hành động một mình, mà 27 thành viên Liên minh châu Âu (EU) và các nước G7 sẽ cùng tham gia, theo CNN.
Mới đây, Nhật Bản cũng gia nhập danh sách mới nhất các nước tăng cường trừng phạt Nga, trong khi Trung Quốc lại có động thái hoàn toàn trái ngược.
Mỹ, EU và G7 cùng hành động
Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ có lệnh cấm xuất khẩu trong lĩnh vực công nghệ, điều mà chính quyền ông Biden cho rằng sẽ làm giảm khả năng phát triển năng lực quân sự và hàng không của Nga.
Ngoài ra, Mỹ cũng áp lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng Nga, các tỷ phú Nga và gia đình họ, cũng như những người thân cận với Điện Kremlin.
Ông Biden khẳng định lời đe dọa trừng phạt trực tiếp Tổng thống Putin vẫn còn "trên bàn đàm phán" và "không phải là một trò lừa bịp”. Tuy nhiên, ông đã không trả lời khi được hỏi tại sao vẫn chưa đưa ra động thái như vậy.
Mỹ vẫn chưa đi đến việc loại Nga ra khỏi SWIFT - hệ thống thanh toán tài chính toàn cầu, xử lý các giao dịch của khoảng 11.000 tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia. Ông Biden cho biết đây vẫn là một "lựa chọn", nhưng các đồng minh châu Âu đã phản đối động thái này.
Tổng thống Biden đã quyết định áp thêm lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Ảnh: CNN. |
Các mục tiêu trừng phạt mới không chỉ giới hạn ở Nga. Mỹ cũng áp lệnh trừng phạt lên một số cá nhân ở Belarus, bao gồm cả bộ trưởng Quốc phòng nước này, với lý do Minsk tạo điều kiện cho Moscow phát động tấn công.
Các đòn giáng mới nhất của Mỹ đối với Moscow từng được bảo lưu vì ông Biden hy vọng sẽ duy trì một số "đòn bẩy" trong việc ngăn cản tổng thống Nga tấn công toàn diện. Nhưng cho đến nay, những lời đe dọa trừng phạt kinh tế của phương Tây, cũng như chiến lược cung cấp thông tin về Nga, được cho là không hiệu quả.
Trước khi thông báo về các biện pháp trừng phạt mới, ông Biden đã trao đổi với các nhà lãnh đạo của nhóm G7 để thống nhất các phản ứng.
Các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp hôm 24/2 đã đồng ý áp đặt "hậu quả lớn và nghiêm trọng" đối với Nga sau khi tấn công Ukraine. Các biện pháp trừng phạt này nhắm đến lĩnh vực tài chính, năng lượng và vận tải cũng như kiểm soát xuất khẩu và tài trợ xuất khẩu, chính sách thị thực,...
Tuyên bố cho biết khối 27 quốc gia hiện sẽ xem xét áp dụng các biện pháp một cách "không chậm trễ".
Vào sáng 24/2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hứa sẽ "làm suy yếu cơ sở kinh tế và năng lực hiện đại hóa của Nga" sau cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine.
“Chúng tôi sẽ đóng băng tài sản của Nga trong Liên minh châu Âu và ngăn chặn sự tiếp cận của các ngân hàng Nga với thị trường tài chính châu Âu”, bà nói.
Trừng phạt nghiêm khắc, ngoại trừ Trung Quốc
Hôm 25/2, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố một gói trừng phạt "nghiêm khắc" nhằm vào các ngân hàng, thành viên trong nhóm thân cận nhất của Tổng thống Vladimir Putin. Gói này cũng ảnh hưởng tới những người giàu có, thích lối sống thượng lưu ở London.
“Về phần mình, hôm nay, Anh công bố gói trừng phạt kinh tế lớn nhất và nghiêm khắc nhất mà Nga từng thấy”, thủ tướng Anh tuyên bố.
Sau khi phương Tây bị chỉ trích vì các biện pháp trừng phạt yếu hơn trước đó, Thủ tướng Johnson cho biết các nhà lãnh đạo phương Tây đã đồng ý hợp tác để cái giá mà ông Putin phải trả về mặt kinh tế.
Một quan chức chính phủ Anh cho biết các biện pháp trừng phạt phối hợp giữa nhiều nước sẽ “đánh gục” nền kinh tế Nga trong vòng 12-18 tháng tới.
Hôm 24/2, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã công bố một loạt biện pháp trừng phạt "nghiêm khắc" mới nhằm vào các tổ chức của Nga, sau khi Tổng thống Vladimir Putin phát động tấn công Ukraine, theo CBC.
Các biện pháp kinh tế, được Canada phối hợp cẩn thận với các nước khác, sẽ kìm hãm nền kinh tế Nga khi các lực lượng của nước này tiến sâu hơn vào Ukraine.
Ông Trudeau cho biết Canada sẽ nhắm vào 62 cá nhân và tổ chức, bao gồm giới tinh hoa Nga và các thành viên gia đình của họ, tổ chức bán quân sự Nga Wagner Group và các ngân hàng lớn của nước này.
Canada sẽ ngay lập tức ngừng cấp giấy phép xuất khẩu cho các sản phẩm liên quan đến Nga và hủy bỏ các giấy phép hiện có.
Nhiều nước nhanh chóng tăng cường trừng phạt Nga sau khi nước này tấn công Ukraine. Ảnh: Reuters. |
Lệnh trừng phạt của Canada cũng nhằm vào các thành viên của Hội đồng An ninh Nga, bao gồm nhiều bộ trưởng của nước này.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 25/2 cho biết quốc gia châu Á này sẽ nhắm mục tiêu trừng phạt vào ba lĩnh vực, bao gồm các tổ chức tài chính và xuất khẩu thiết bị quân sự.
Nhật Bản cũng sẽ cố gắng hạn chế những tác động kinh tế từ cuộc khủng hoảng Ukraine, ông Kishida nói.
Trong một động thái trái ngược, Trung Quốc từ chối lên án cuộc tấn công của Nga vào Ukraine hôm 24/2, thay vào đó lặp lại lời kêu gọi các bên "thực hiện kiềm chế" và cáo buộc Mỹ "châm dầu vào lửa" trong căng thẳng.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói thêm rằng Bắc Kinh sẽ bắt đầu nhập khẩu lúa mì của Nga, một động thái có thể giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow.
Thỏa thuận nhập khẩu lúa mì được Nga và Trung Quốc đưa ra hồi đầu tháng, nhân dịp chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Bắc Kinh để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình và tham dự khai mạc Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh.
Trong khi đó, Đài Loan lên án hành động của Nga và tuyên bố sẽ tham gia cùng các nước để trừng phạt Moscow, nhưng chưa đưa ra thêm chi tiết.
Đài Loan là một vùng lãnh thổ tự trị mà Trung Quốc luôn xem là một tỉnh ly khai và không loại trừ khả năng dùng vũ lực để đoạt lấy. Việc Nga tấn công Ukraine cũng làm dấy lên câu hỏi về tương lai của Đài Loan.