Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phan Cuồng: 'Những câu chuyện ma dân gian luôn ám ảnh tôi'

Phan Cuồng là một trong những tên tuổi được nhiều độc giả trẻ biết đến hiện nay. Anh thu hút bạn đọc ở những trang viết kỳ dị và huyền thuật.

Cùng thời với Nguyễn Dương Quỳnh, Đinh Phương, Nhật Phi... cây bút trẻ Phan Cuồng hứa hẹn nhiều khởi sắc, đặc biệt ở thể loại anh đang lựa chọn ít nhiều điểm tô thêm màu sắc cho nền văn chương Việt.

Ghi dấu ấn nhất định trong lòng độc giả trẻ bằng hai tác phẩm Đại Nam dị truyện (2016) và Lý triều dị truyện (2017), những năm vừa qua cây bút 8X ấy vẫn lựa chọn trung thành với thể loại này.

Phan Cuồng chia sẻ về câu chuyện sáng tác và con đường văn chương mà anh lựa chọn.

Phan Cuong anh 1

Tác giả Phan Cuồng. Ảnh: NVCC.

Dị truyện cần sự khác biệt và sáng tạo

- Dị truyện là điểm nhấn phong cách sáng tác của anh (cho đến thời điểm này). Thể loại ấy có gây khó khăn gì với anh trong quá trình sáng tác?

- Rõ ràng, như đúng tên gọi, dị truyện cần phải có một độ... “dị”, một độ khác biệt nhất định. Tôi nghĩ nếu như câu chuyện không đủ sự khác biệt và sức sáng tạo thì “dị truyện” trong chính tên gọi của nó sẽ không còn tương xứng nữa. Cũng vì thế, mỗi ý tứ cho câu chuyện đều rất quan trọng và đáng trân quý.

Tôi luôn có một cuốn sổ ghi chép những ý tứ nảy ra trong đầu mình. Rất nhiều ý tưởng quan trọng trong các câu chuyện của tôi đều được lấy ra từ những ghi chép đó.

Chẳng hạn như món “âm dương ngư” trong Lý triều dị truyện xuất phát từ một món ăn có thật ở Trung Quốc. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác của mình khi nhìn thấy con cá miệng còn ngáp, nhìn mình chòng chọc mà thân đã chín trên các clip tôi từng xem.

- Đây có phải thể loại mà anh tự định hướng cho sự nghiệp sáng tác của mình không?

- Tôi viết theo dòng kinh dị, kỳ bí có lẽ xuất phát từ tâm lý rất chung của nhân loại. Đó là sự tò mò và sợ hãi về những gì mình không biết. Thêm vào đó, cũng như rất nhiều người, bản thân tôi có một sự hứng thú với những gì làm chúng ta sợ hãi.

Những câu chuyện ma dân gian được kể trong một không gian thích hợp luôn làm dấy lên cái thích thú, ám ảnh tôi đến kỳ lạ. Cùng với đó, những mẩu chuyện ngắn gọn, súc tích và đầy chất ma quái mà tôi được nghe kể từ hồi còn bé vẫn ám ảnh cho tôi đến tận bây giờ.

- Thế nhưng, thị hiếu độc giả trẻ hiện nay đa phần là sự nhẹ nhàng, tươi mới và gần gũi với đời thường. Anh có cho rằng ngôn từ và văn phong kể chuyện huyền bí đang là một “lối đi hẹp” dành cho mình hay không?

- Tôi không nghĩ vậy, trước hết, tôi phải viết cái tôi thích. Tôi nghĩ đó là giọng văn, cách kể và chủ đề mà tôi cảm thấy thích thú.

Thứ hai, tôi có thể cảm nhận được rõ nét sự đón nhận của độc giả cho dòng truyện kinh dị, ma mị, huyền bí với cách kể giả cổ như thế. Nhiều ý kiến bạn đọc cho biết văn phong và ngôn từ như vậy là rất thích hợp với chủ đề.

Phan Cuong anh 2

Bìa sách Đại Nam dị truyệnLý triều dị truyện. Ảnh: Nhã Nam.

Đưa yếu tố lịch sử vào văn học

- Vài năm trước đây khi “đứa con tinh thần” đầu tiên của anh trình làng, anh phải đứng trước nhiều ý kiến cho rằng tác phẩm của anh là “trái đạo đức xã hội”, “làm loạn nhận thức về lịch sử”. Anh đã vượt qua điều đó như thế nào?

- Lúc mới đầu cảm thấy bất ngờ, sau đó cảm thấy chạnh lòng, nhưng rồi tôi cũng quen và ý thức được rằng mình phải thận trọng hơn trong từng câu chữ. Tôi nhận ra có hai thái cực đối với việc đưa yếu tố lịch sử vào trong văn học: Một là nghiêm cẩn chuẩn chỉ. Hai là có thể mặc sức sáng tạo không giới hạn.

Bất cứ cực đoan nào cũng gây khó khăn cho người viết. Nếu đi theo hướng cứng nhắc thì khó (nhưng không có nghĩa là không làm được). Còn nếu để xây dựng được một cốt truyện gần gũi và hấp dẫn, mặc sức sáng tạo phi giới hạn thì lại dễ gây ảnh hưởng xấu về nhận thức lịch sử. Tôi cho rằng biên độ sáng tạo về các vấn đề lịch sử nên vừa phải và cần được cân đối, tiết chế.

Mỗi khi bắt đầu, tôi thường viết theo bản năng, trước hết là cho thỏa cái thú viết. Càng về sau tôi càng ý thức được việc mình phải cố gắng và cẩn trọng hơn trong nghiệp viết. Ví dụ như trong cuốn Lý triều dị truyện, bậc vĩ nhân Lý Thường Kiệt được nhắc đến nhưng hoàn toàn ở rất xa và những việc Ngài làm đều được lấy từ chính sử.

- Các tác phẩm của anh đều lấy bối cảnh lịch sử rõ ràng, nhưng anh thường chỉnh sửa các sự kiện lịch sử. Liệu đây có phải là điểm nhấn mà anh dụng công tạo nên không?

- Tôi muốn sử dụng lịch sử để tạo dựng bối cảnh và phông nền cho câu chuyện của mình vì nó rất thích hợp với các chủ đề tâm linh, huyền bí. Bản thân lịch sử đã là một kịch bản rất lớn và cực kỳ hấp dẫn, nhưng nó cũng còn tồn tại rất nhiều điểm mờ.

Trên cơ sở đó, tôi muốn xây dựng kịch bản cho từng câu chuyện nhỏ của mình trên “phông nền” ấy. Thực ra không chỉ lịch sử, tôi còn mong muốn câu chuyện của mình mang cả sắc màu văn hóa, phong tục, tín ngưỡng.

Thế nhưng thật đáng tiếc, một phần vì tôi khảo cứu chưa đủ sâu rộng, một phần khác nữa là vì các sách ghi lại lịch sử văn hóa của chúng ta đã bị thất lạc, mất mát nhiều, nhất là sau khi nhà Minh xâm lược, cho nên rất nhiều tiếc nuối còn đó.

Ví dụ như tôi rất muốn khảo cứu về việc khảo thí các võ sinh hoặc âm nhạc thời Trần cho cuốn sách đang ấp ủ nhưng khi tìm kiếm thì lại không thấy có nhiều tài liệu liên quan đến các vấn đề này.

- Những tác phẩm đi theo thể loại dị truyện trước đó cũng đã có những thành công nhất định. Anh làm thế nào để tác phẩm của mình không bị lép vế?

- Tôi học từ các bậc tiền bối rất nhiều, các cuốn Thần Hổ, Ai hát giữa rừng khuya… đều được tôi đọc hoặc nghe đi nghe lại nhiều lần. Đặc biệt, cuốn Ngậm ngải tìm trầm của Thanh Tịnh mà tôi được đọc lúc còn nhỏ đã thực sự ám ảnh một cậu bé tôi khi ấy. Tôi có mượn ý tứ này cho câu chuyện của mình.

Tùy người đọc sẽ cho rằng truyện tôi viết có sức hút hay không. Ở đây xin thay bằng việc làm thế nào tôi viết được đoạn mình tâm đắc, bởi vì đầu tiên bản thân mình phải cảm thấy thích cái mình viết thì may ra sau đó mới có thể tìm kiếm được một số người khác cùng thích nó.

Tôi có một đặc điểm là không thể lên các khung sườn khi viết. Tất cả các nỗ lực chuẩn bị dàn ý đều thất bại. Tất cả các đoạn tôi cảm thấy ưng ý nhất có lẽ là ở những lúc tôi viết tùy hứng và phá nát các dàn ý ban đầu. Nhưng tôi cho rằng, chính lúc đó là lúc tôi “phiêu” nhất và những cảm xúc khi ấy sẽ rất đáng trân quý cho mỗi người viết.

Kỳ vọng gương mặt trẻ ở Đại hội Hội Nhà văn

Nhiều đại biểu tham dự Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X bày tỏ mong muốn đội ngũ lãnh đạo, các ban ngành của Hội Nhà văn có thêm gương mặt trẻ.

Huế Trần

Bạn có thể quan tâm