Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những gương mặt triển vọng của văn chương Việt

Huỳnh Trọng Khang, Phan Cuồng, Phạm Thu Hà... là những cây bút trẻ, có nhiều hứa hẹn cho văn chương Việt.

Đó là những người trẻ theo đuổi nghề viết chuyên nghiệp, có một số tác phẩm ghi dấu ấn, hứa hẹn những sáng tác hay cho văn chương.

Huỳnh Trọng Khang

Tac gia tre anh 1

Tác giả Huỳnh Trọng Khang. Ảnh: FBNV.

Sinh năm 1994, tốt nghiệp Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM năm 2016, hiện làm việc trong ngành xuất bản. Huỳnh Trọng Khang gây tiếng vang ở tuổi 22 khi ra mắt tiểu thuyết Mộ phần tuổi trẻ. Tác phẩm được giải Phát hiện mới của giải thưởng Sách hay 2019.

Sau đó, Huỳnh Trọng Khang trình làng tiểu thuyết Những vọng âm nằm ngủ, tập thơ Mephy! Mephy! và một tiểu thuyết chuẩn bị ra mắt.

Miền Nam giai đoạn 1960-1970 là bối cảnh trong hai tác phẩm của Huỳnh Trọng Khang. Dù Mộ phần tuổi trẻ còn đôi chỗ chưa khớp lịch sử, song tác phẩm dựng lại không khí thời cuộc. Cả hai tiểu thuyết của anh đều khắc họa những day dứt của tuổi trẻ trong chiến tranh.

Đinh Phương

Tac gia tre anh 2

Bìa ba trong số những cuốn sách của Đinh Phương. Ảnh: Y. N.

Đinh Phương sinh năm 1989, tốt nghiệp khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội, hiện là biên tập viên văn xuôi tại tạp chí Văn nghệ Quân đội. Anh đoạt một số giải thưởng văn chương uy tín như: Giải nhì cuộc thi Truyện ngắn trên Văn nghệ Quân đội (2013-2014); giải khuyến khích cuộc thi Văn học tuổi 20; giải khuyến khích cuộc thi Truyện ngắn báo Văn nghệ (2015-2017).

Cuốn sách đầu tay của Đinh Phương phát hành năm 2014 (tập truyện ngắn Những đứa con của chúa trời, NXB Trẻ), sau đó lần lượt là các cuốn: Tiểu thuyết Nhụy khúc (2016, Tao Đàn), tập truyện ngắn Đợi đến lượt (2016, Nhã Nam), truyện dài Chuyến tàu nhật thực (2017, NXB Trẻ), tập truyện ngắn Mơ lam kinh (2018, Nhã Nam).

Đinh Phương có lối viết riêng, được nhà phê bình Trần Ngọc Hiếu gọi là “lối viết sương mù” nhẹ mà không loãng. Khó có thể tìm một cốt truyện cụ thể trong tiểu thuyết Đinh Phương, thay vào đó, người đọc sẽ gặp những mê dụ, huyền ảo, mịt mờ của ký ức. Ở đó, tất cả được cô đặc, tinh lọc, để cuối cùng đọng lại trong người đọc là một cảm giác.

Phan Cuồng

Tac gia tre anh 3

Hai cuốn sách ấn tượng của Phan Cuồng.

Sinh năm 1984, Phan Cuồng (Phan Chí Hiếu), lấy bằng tiến sĩ tại Canada. Cho đến nay, Phan Cuồng đã ra mắt hai tập sách: Đại Nam dị truyện (2016) lấy bối cảnh thời Lê Trung Hưng và Lý triều dị truyện (2017) bối cảnh thời Lý.

Khi Đại Nam dị truyện được phát hành, cuốn sách là đề tài bàn luận trên nhiều diễn đàn mạng. Dù ít xuất hiện, nhưng Phan Cuồng để lại dấu ấn riêng trong lòng độc giả.

Văn chương của Phan Cuồng đưa người đọc vào những vùng lễnh loãng của dã sử và chính sử. Những câu chuyện ma quái, phù thuật dân gian được bố cục, thêu dệt lại bởi một bàn tay khéo léo. Với lối viết, nội lực ấy, ngòi bút Phan Cuồng hứa hẹn sẽ có thêm tác phẩm hấp dẫn cho văn chương Việt.

Nguyễn Dương Quỳnh

Tac gia tre anh 4

Một số cuốn sách của Nguyễn Dương Quỳnh. Ảnh: FBNV.

Sinh năm 1990, Nguyễn Dương Quỳnh học mỹ thuật tại Nhật và Singapore, hiện làm việc tại Đại học Hoa Sen. Xuất phát là một người viết trên mạng, cô có nhiều tác phẩm được xuất bản như Đỏ, Thăm thẳm mùa hè (Nhã Nam), Thị trấn của chúng ta, Thỏ rơi từ mặt trăng (NXB Trẻ). Đầu năm 2021, Nguyễn Dương Quỳnh phát hành tập đầu trong loạt truyện fantasy Thiên cầu ma thuật. Tác phẩm của cô hướng tới độc giả trẻ.

Ngoài sáng tác, Nguyễn Dương Quỳnh cũng dịch một số tác phẩm như: Khi ta mơ quá lâu (Goh Poh Seng, Nhã Nam), Truyền kỳ thiên hà bốn chiếu rưỡi (Morimi Tomihiko, Thái Hà Book).

Nguyễn Dương Quỳnh lôi cuốn người đọc ở nhiều đề tài nội dung, từ những tác phẩm về hành trình trưởng thành của người trẻ tới những câu chuyện mang yếu tố huyền ảo.

Nhật Phi

Tac gia tre anh 5

Tác giả Nhật Phi. Ảnh: Cảnh sát toàn cầu.

Nhật Phi tên thật là Đỗ Minh Quân, sinh năm 1991, hiện làm việc trong ngành xuất bản tại Hà Nội. Khi là sinh viên Đại học Ngoại thương, Nhật Phi gây ấn tượng với Người ngủ thuê. Tác phẩm đã đoạt giải nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 lần V (năm 2014). Sau đó, anh cho ra mắt tập truyện Nhật ký một người cô đơn.

Ngoài sáng tác, Nhật Phi còn dịch thuật, với một số tác phẩm dịch đã ra mắt như: Bộ Học viện viễn thám (4 tập, NXB Kim Đồng), Hoàng tử trở lại (tác giả A.G Roemmers), Bob chú mèo đường phố (tác giả James Bowen), Tiền không mọc trên cây (tác giả Neale S. Godfrey)…

Tác phẩm của Nhật Phi gây ấn tượng vì đầy ắp trí tưởng tưởng, sự huyễn hoặc về xã hội đương đại thông qua lăng kính của một người trẻ.

Phạm Thu Hà

Tac gia tre anh 6

Tác giả Phạm Thu Hà. Ảnh: FBNV.

Sinh năm 1996, tốt nghiệp khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa, Phạm Thu Hà hiện làm việc ở Hà Nội. Viết chưa nhiều, nhưng các tác phẩm của cô đều được giới văn chương đánh giá cao.

Năm 2018, cô đoạt giải ba cuộc thi Văn học tuổi 20 với tiểu thuyết Sau những ngày mưa. Tác phẩm được đánh giá là “câu chuyện nhẹ nhàng, da diết và đầy nhân văn; mạch truyện chậm nhưng cuốn hút, để lại nhiều dư âm ngọt ngào cho độc giả”.

Phạm Thu Hà viết 5 truyện ngắn, trong đó có tác phẩm Người về Tranh Sơn đoạt giải nhì cuộc thi truyện ngắn Lửa mới trên tạp chí Văn nghệ Quân đội (2018-2019).

Cô chuyển ngữ hơn 10 cuốn sách, như: Không nhà (tác giả Tommy Orange), Giữa hai chúng ta (tác giả Sally Rooney), Tuổi trẻ rực rỡ (tác giả Renée Watson, Ellen Hagan), Hoàng tử rơm (nhiều tác giả, NXB Kim Đồng), Định giá tăng lợi nhuận (Peter Hill)…

Đức Anh

Tac gia tre anh 7

Tác giả Đức Anh. Ảnh: FBNV.

Sinh năm 1993 tại Nga, hiện làm việc trong ngành xuất bản tại Hà Nội. Đức Anh là tác giả các tiểu thuyết tâm lí, trinh thám như Tường lửa (2019), Thiên thần mù sương (2019), Đảo bạo bệnh (2020). Tiểu thuyết Đảo bạo bệnh của anh đoạt giải C cuộc thi viết Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống do NXB Công an Nhân dân tổ chức.

Tác phẩm của Đức Anh có ý tưởng lạ, mang yếu tố bất ngờ cho độc giả. Là người am hiểu thể loại văn học trinh thám, những tiểu luận của anh không chỉ cho thấy kiến thức, mà cả tâm huyết với văn chương.

Bài liên quan

Các nhà văn Âu Mỹ viết gì về tuổi trẻ?

Các nhà văn Âu Mỹ viết gì về tuổi trẻ?

Tuổi thanh xuân luôn được ca ngợi là quãng thời gian đáng quý trong đời người bởi nhiều lý do. Thế nên, mỗi nhà văn đã tìm được một cái cớ riêng để viết về nó.

Tần Tần

Bạn có thể quan tâm