Bản giới hạn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá là ấn phẩm bìa cứng, bìa sách bồi vải, tranh bìa thêu trên nền vải lanh. Bìa áo được in trên giấy mỹ thuật cao cấp, ép nhũ kim bạc và đỏ.
Sách Tiếng đàn môi sau bờ rào đá. Ảnh: Liên Việt. |
Cuốn sách sử dụng giấy cao cấp, cùng nội dung sách là 4 bức minh họa của họa sĩ Lê Thiết Cương và 4 bản viết tay của tác giả được in trên giấy dó.
Có tất cả 121 bản sách được thực hiện, trong đó 100 bản đánh số từ 01 đến 100, 10 bản đánh chữ cái tên “ĐỖ BÍCH THÚY”, 11 bản chữ cái “TIẾNG ĐÀN MÔI”. Theo Liên Việt, đơn vị thực hiện sách, sách chưa phát hành nhưng đã được đặt mua.
Bản giới hạn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá sẽ phát hành cùng 4 cuốn sách khác của nhà văn Đỗ Bích Thúy. Tác giả chia sẻ: “Chúng tôi thực sự đã chăm chút cho bộ sách này bằng tất cả tinh thần và cả mồ hôi, đôi khi nước mắt nữa”.
Bốn cuốn sách khác cùng phát hành dịp này sẽ được đặt trong một chiếc hộp, trên vỏ hộp có chữ “Về”. Đó là chữ mà họa sĩ Lê Thiết Cương đặt khi tham gia thực hiện bộ sách. Nó nói lên tinh thần sáng tạo chữ nghĩa của Đỗ Bích Thúy, dù đi đâu, làm gì vẫn luôn quay về với chính bản thân mình.
Truyện Tiếng đàn môi sau bờ rào đá in trong sách cùng tên, được phát hành năm 2005 bởi NXB Công an Nhân dân. Vào thời điểm ra mắt, cuốn sách được giới phê bình đánh giá cao, bạn đọc đón nhận nồng nhiệt. Tới nay, cuốn sách đã không còn trên thị trường.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy. Ảnh: FBNV. |
Tiếng đàn môi sau bờ rào đá kể câu chuyện tình yêu của nhân vật Pao, đồng thời nói về những lãng mạn, nhân văn của con người vùng cao nguyên đá. Tác phẩm được chuyển thể thành phim Chuyện của Pao năm 2006, đoạt 4 giải Cánh diều vàng.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy sinh ra ở Hà Giang, hiện làm việc tại tạp chí Văn nghệ Quân đội. Các cuốn sách của chị, ngoài tiểu thuyết Cửa hiệu giặt là, còn lại đều viết về vùng núi nơi chị sinh ra: Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, Chúa đất, Lặng yên dưới vực sâu, Tôi đã trở về trên núi cao…