Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hành trình trở về núi cao của người phụ nữ đẹp viết văn

Sách "Tôi đã trở về trên núi cao" của Đỗ Bích Thúy là những hồi ức trong trẻo, đẹp đẽ, nhưng cũng hết sức sâu lắng về miền núi phía Bắc.

Tôi đã trở về trên núi cao chắc chắn không phải tác phẩm quan trọng nhất trong sự nghiệp văn chương của Đỗ Bích Thúy. Nhưng đây chắc chắn là cuốn sách ý nghĩa, đánh dấu một chặng đường sống, một chặng sáng tác của nữ nhà văn.

Nơi mặt trời lên muộn nhất và đi ngủ sớm nhất

“Tôi đã trở về nơi tôi sinh ra/ Nơi mặt trời lên muộn nhất và đi ngủ sớm nhất/ Tôi đã trở về trên núi cao”. Ba câu trong bài Ngải đắng ở trên núi được chọn in ở đầu sách như lời đề từ cho chính tác phẩm Tôi đã trở về trên núi cao.

Lời đề từ ấy nói với những người chưa biết Đỗ Bích Thúy là ai, và xác quyết lại với những người đã quen thuộc rằng Đỗ Bích Thúy sinh ra trên núi, một phần tâm hồn chị để nơi vùng cao ấy.

Toi da tro ve tren nui cao anh 1
Đỗ Bích Thuý sinh ra tại Hà Giang, hiện là Phó Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội .

Đỗ Bích Thúy sinh ra và lớn lên tại Hà Giang, hiện làm việc ở Hà Nội. Tản văn Tôi đã trở về trên núi cao là cuốn sách thứ 19 của Đỗ Bích Thúy, đánh dấu 20 năm chị dịch chuyển từ miền núi về đô thị.

20 năm qua, mảnh đất Hà Giang nói riêng và vùng cao phía Bắc nói chung luôn chiếm tâm trí Đỗ Bích Thúy. Vùng đất in đậm trong các sáng tác của chị, từ truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá (dựng thành bộ phim đình đám Chuyện của Pao) tới các tiểu thuyết như Chúa đất, Lặng yên dưới vực sâu… đều viết về vùng cao phía Bắc.

Trên bìa của Tôi đã trở về trên núi cao có ghi thể loại sách là tản văn, nhưng các bài viết trong sách mang màu sắc tự sự, hồi ức. Hành trình trở về nơi sinh ra của Đỗ Bích Thúy là một chuyến đi trong tâm tưởng. Ở đó, người đọc được biết tới những nhân vật, cảnh vật gắn với kỷ niệm của Đỗ Bích Thúy, qua đó cảm nhận được vẻ đẹp của vùng cao.

Những cánh rừng ngút ngát nối liền ấy là nơi có tiếng gọi của chị Thủy - người chị gái đã đuối nước của tác giả - với tiếng gọi trong trẻo như kéo Đỗ Bích Thúy trở về.

Nơi đó là ngôi nhà nằm cạnh nghĩa địa với hàng rào dứa, ao cá, đàn lợn, bò tự do vào rừng ăn và chiều chiều nghe tiếng mõ trở về, là dòng suối mát chảy qua vườn nhà. Nơi đó là ngôi làng có những cô gái Tày da trắng xinh đẹp, những cô gái Dao khỏe khoắn, những bà già với câu chuyện ma, bùa chú…

Thiên nhiên vùng cao ấy là nơi “Ngàn năm mây phủ mây tan, ngàn năm tia sáng màu vàng cất lời chào rồi cất lời tạm biệt, núi vẫn đứng yên ở đấy, tuyệt đối tĩnh tại”. Con sông Lô khi hài hòa, khi ngầu đỏ vào mùa nước.

Và làn khói chiều nơi vùng rừng gợi bao thương nhớ: “Ngọn khói màu xanh, nhẹ bẫng như tơ, quẩn trên mái lá […] Ngọn khói len qua đầu hồi, vương vít mãi ở ngọn cây hồng nằm sát mái nhà, bị gió thổi cho loãng đi, tan đi. Nhưng cái mùi của khói thì quẩn mãi”.

Toi da tro ve tren nui cao anh 2
 Sách Tôi đã trở về trên núi cao .

Trong cuốn sách này không chỉ có những trang viết về vùng cao. Đỗ Bích Thúy còn dành những trang sách viết về Hà Nội. “Hà Nội, tôi muốn mình vừa xa vừa gần. Đủ gần để làm việc, kiếm sống. Đủ xa để không phải nhốt mình trong chật chội, ồn ào. Đủ gần để cảm nhận hơi thở của nó. Đủ xa để nhìn về, thấy những biến chuyển từng bước làm thay đổi dung mạo, hồn vía thủ đô”.

Nhưng cuốn sách không chỉ là những hồi ức, kỷ niệm của Đỗ Bích Thúy. Ở đó, mỗi sự việc, con người, cái cây, dòng suối… đều hiện lên qua chiêm nghiệm của nhà văn. Cái buồn thật sâu mà cũng thật trong trẻo hiện lên qua những bài viết như Nước mắt rơi trên bậu cửa, Cây cỏ vui buồn, Chờ bình yên quay về.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho rằng cuốn sách là tập giác ngộ của Đỗ Bích Thúy. “Chị nhìn lại rất nhiều câu chuyện trong cuộc đời của mình. Bao giờ cũng vậy, có những thông điệp nào đó, kinh nghiệm nào đó, chiêm nghiệm nào đó được rút ra”, nhà văn Nguyễn Văn Thọ nói.

Một cuốn sách đẹp, tử tế

Trong buổi ra mắt Tôi đã trở về trên núi cao (chiều 13/9 tại Hà Nội) họa sĩ Lê Thiết Cương - người phụ trách mỹ thuật cho cuốn sách - đã nói vì anh mà tác phẩm chậm ra mắt bảy tháng.

Nhưng thời gian đó là cần thiết, bởi “Viết một cuốn sách hay hay dở không dễ dàng gì. Công tác xuất bản để cho ra đời một cuốn sách không dễ dàng gì. Tôi vẽ, thiết kế cả ruột, bìa, minh họa sách đều không dễ gì. Nhưng làm những điều không dễ đó là để mang lại một cuốn sách tử tế cho độc giả”.

Toi da tro ve tren nui cao anh 3
Một minh họa trong sách của họa sĩ Lê Thiết Cương.

Họa sĩ Lê Thiết Cương đã kỳ công vẽ một bức tranh sơn dầu, sau đó chụp lại bức tranh đó đưa vào làm bìa sách. Bức tranh màu lam vẽ con đường về núi trập trùng ấy được họa sĩ tặng lại cho nhà văn trong buổi ra mắt sách.

Các tranh minh họa trong sách đều tối giản theo phong cách của Lê Thiết Cương. Chỉ đôi guốc mộc gợi nên câu chuyện tình cảm chân thành, một vài nét hoa văn gợi nhớ những bộ váy của các cô gái vùng cao, chỉ một dáng ngồi cong cũng gợi bao nỗi niềm ưu tư về nhân tình thế thái…

Không chỉ đẹp về phần thị giác, nội dung cuốn sách cũng mang tới cảm thức đẹp đẽ nơi người đọc. Các trang viết đẹp đến mức, nhà báo, biên tập viên Cao Hải Giang thốt lên: “Có quá nhiều trang viết đẹp, như một hóa thạch của đời sống đã đi vào tác phẩm này. Chúng chạm tới hết thảy những tha thiết trong ta về một tình yêu rộng lớn với con người, cuộc sống… Thúy - trong hành trình trở về trên núi cao - đã khiến tôi và chắc hẳn nhiều người nữa có được một cuộc trở về, sâu thẳm nhất là trở về với bản thể”.

Tần Tần

Bạn có thể quan tâm