Nhân vật chính của cuốn sách là Jonathan Noel, 53 tuổi, sống một mình trong một căn hộ nhỏ của Paris. Ông là bảo vệ của một ngân hàng, cách nơi ở khoảng 5 phút đi bộ. Ông không có bạn bè, không có bất kỳ mối liên kết nào với hàng xóm.
Ông tính toán rằng cho đến lúc nghỉ hưu, ông đã dành khoảng 75 nghìn giờ để đứng trên ba bậc đá cẩm thạch ở cửa ngân hàng. Ông cũng tin chắc, ông sẽ là người duy nhất ở Paris, thậm chí ở nước Pháp, đứng lâu nhất chỉ ở một vị trí.
Bìa sách Chỉ tại con chim bồ câu, bản dịch tiếng Việt. |
Ông sống một cuộc sống được lập trình sẵn, và mục đích của ông chính là duy trì trạng thái trật tự ấy cho đến khi cái chết mang ông đi. Nhưng, con chim bồ câu đã đột ngột xuất hiện trong cuộc đời ông.
Vào buổi sáng khi trông thấy con chim bồ câu bên ngoài cánh cửa phòng, ông dựng tóc gáy, mồ hồ vã ra đầm đìa, trái tim đập liền hồi, sợ hãi. Ông đóng sập cửa lại và ngã gục trên giường, như vừa trải qua một cơn đau tim hay đột quỵ.
Nỗi sợ hãi đã khiến ông quyết định chọn những đồ vật quan trọng nhất bỏ vào vali xách đến chỗ làm. Ông tính toán số tiền mình có được để đủ thuê khách sạn trong bao lâu. Và ông lấy hết sức can đảm để ra khỏi nhà, đến cơ quan ngày hôm ấy.
Câu chuyện kể tỉ mỉ những sự kiện diễn ra trong ngày con chim bồ câu xuất hiện của cuộc đời Noel. Thật tệ khi ông bắt đầu bứt rứt trong lúc đứng thực hiện nhiệm vụ, ông lơ đễnh trong sự bối rối đến mức không nhận biết chiếc xe quan trọng của ngân hàng xuất hiện đúng giờ như mọi ngày, rồi lại bần thần làm chiếc quần bị rách, phải đi khắp chốn tìm nhờ người khâu lại… Những sự kiện bất ngờ ấy từ lâu không xuất hiện trong cuộc sống của ông, khiến ông tưởng như đã chạm đáy sự tuyệt vọng.
Chim bồ câu đã trở thành một biểu tượng dị thường trong cuốn sách của Patrick Süskind. |
Trong đêm hôm ấy, khi phải ngả lưng ở khách sạn rẻ tiền, ông nhớ căn nhà, ông nhớ đời sống của mình, và trong khi nước mắt lưng tròng, ông đã quyết định ngày mai sẽ tự sát. Ông sẽ kết thúc đời mình ở đây, để không cho cuộc đời hành hạ mình thêm nữa.
Mọi sự đến nông nỗi này đều bởi tại con chim bồ câu. Chuyện thật quái gở. Một con chim bồ câu hiền lành, biểu tượng của hòa bình, có thể khiến đời một lão già tan bành đến thế sao. Sự phi lý ấy lại là chất đầy những thâm ý dẫn giải sự mông lung, đầy biến động của thế giới này.
Lão Noel trong Chỉ tại con chim bồ câu, có nhiều nét tương đồng với đời của Gregor Samsa trong Hóa thân của Kafka, Meursault trong Kẻ xa lạ của Camus, Roquentin trong Buồn nôn của Sartre, người kể chuyện trong The Raven của Edgar Allan Poe. Đột ngột vào một buổi sáng của cuộc đời, Gregor Samsa có thể biến thành con bọ, Meursault đã giết người, Roquentin chạm mặt với cây hạt dẻ… Mọi sự có lẽ đều bởi tính phi lý của đời người chăng?
Một ngày của Noel khép lại, ngày của sự xuất hiện con chim bồ câu ấy, và nửa đêm về sáng, khi ông quyết định đánh liều trở về để vĩnh biệt ngôi nhà, thì con chim bồ câu đã biến mất, hành lang đã dọn sạch, không còn dấu vết nào.
Ông lại bước vào căn phòng khép kín của mình, cuộc đời có lẽ lại quay về như cũ. Nhưng nỗi ám ảnh của câu chuyện kì dị này khiến độc giả có lẽ nhiều lần rùng mình nghĩ về biến động trong đời.
Tiểu thuyết Mùi hương đã ám ảnh độc giả khắp thế giới. Ảnh: Facebook Nhã Nam |
Câu chuyện Chỉ tại con chim bồ câu có thể là lời cảnh tỉnh về sự ơ hờ trần trụi ở đời sống xã hội hiện đại này, khi con người chọn cách khép chặt mọi cách cửa liên hệ với xã hội, cự tuyệt xã hội, sống qua ngày như cỗ máy, khước từ sự nghe, nhìn, đối thoại.
Hay nó là một lời biện hộ cho những kẻ cô lẻ trong đời, bị đời “tra tấn” đến độ phải chạy trốn, lựa chọn bỏ rơi thay vì trở thành kẻ bị bỏ rơi, bởi đã đầy những vết thương của li tán, phản bội. Cuộc đời trầm lặng tưởng mờ nhạt của lão Noel còn khiến độc giả phải trăn trở, ngẫm nghĩ rất nhiều.
Chỉ tại con chim bồ câu là cuốn tiểu thuyết ngắn của nhà văn Patrick Süskind, đã từng rất nổi tiếng với tiểu thuyết Mùi hương. Ông là một người sống khép kín. Năm 1987, ông từ chối tất cả các giải thưởng, né tránh các phương tiện truyền thông và từ từ rút khỏi công chúng. Patrick Süskind sống ở Munich và Pháp.