Trong số bạn văn của tôi ở Hà Nội, Đỗ Bích Thúy là nhà văn tôi thường coi là bạn văn tâm đắc. Sự tâm đắc không cứ là bất cứ cái gì cũng thản nhiên trùng hợp. Tôi là tạng viết đa nhân cách; những truyện ngắn dữ dội, ngôn ngữ trần trụi, gai góc, sần sùi như gạch ngói Thổ Hà, hay thô mộc như đá ong trong Nhà Ba hộ, Vàng xưa, không làm cô thích bằng những truyện ngôn ngữ dung dị, mạch văn thơ, êm chảy như Gửi đại tá chờ thư hay Cõi ảo.
Song cô bạn Thúy vẫn chấp nhận và cổ xúy các trang viết dữ dội của tôi. Đấy là một Đỗ Bích Thúy trượt qua cái bản ngã, cái tạng văn cô Thúy, đứng vững ở tư cách người biên tập, điều cần cho công việc đòi hỏi một biên độ rộng trong thẩm định chuyên nghiệp. Điều rất cần cho nghề, nhất là khi ở vai trò lãnh đạo một tờ tạp chí quan trọng khi cô, Đỗ Bích Thúy ở vai trò Phó tổng biên tập, cần con mắt tinh, chọn in những tác phẩm hay, đa phong cách, giúp cho việc xây dựng một tạp chí văn nghệ có uy tín lâu dài.
Đóa hoa ban thầm kín ở đất kinh kì
Chúng tôi cũng ít khi gặp nhau, cho dù có khi tôi ở Hà Nội tới 5 tháng, nhưng khi đã gặp nhau thì những chuyện về văn, về đời chả bao giờ chấm dứt, nếu một trong hai không ý thức phải dừng “tám“ chuyện, để bạn mình có thời gian đi làm những việc đang chờ đợi.
Đỗ Bích Thúy là người kín đáo, không phải dạng buôn dưa lê hay tán nhảm mất thời giờ. Bấy giờ, cô như đóa hoa ban thầm kín phơn phớt dịu dàng, chưa buông cánh, như một cô gái thiểu số chỉ im lặng nhìn, cần mẫn làm việc mà không nói nhiều trong cái phòng văn ở Lý Nam Đế. Nơi có treo tấm chân dung nhà văn Nga Aimatop khiêm tốn đen trắng. Sự e ấp ấy sẽ ngáng trở, nếu như ai đấy không kiên nhẫn, trong bước đầu muốn trở thành bè bạn Thúy.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy. |
Tôi nhớ năm ấy, Văn nghệ Quân đội tổ chức trại viết ở Đồ Sơn. Khi ấy cô Thúy chưa chồng. Một khuôn mặt xinh tươi, tràn đầy sức sống và đôi má như có phấn tuyết của những mùa sương giá giêng hai, trên các đỉnh núi cao cực Bắc mù xa. "Em Thúy ơi!", tôi trêu. Biên tập viên, Thượng úy Đỗ Bích Thúy im lặng và đôi mắt bồ câu không biểu cảm gì.
Trại viết ấy, tôi chỉ dự hai ngày rồi về Hà Nội, Thúy cứ bận suốt với nhiều việc sự vụ chăm lo trại viên, không có thời gian cho tôi làm thân, để có dịp nói rằng, tôi đã đọc cô Thúy trước đó hai năm trên nước Đức như thế nào; yêu mến một giọng trẻ, có sắc thái, trước cả khi chùm truyện cô được chính thức công nhận, đoạt giải nhất cuộc thi. Mãi sau này, một năm nữa, sau trại viết Đồ Sơn năm ấy, tôi mới gặp lại Thúy ở tòa soạn.
Tất nhiên, Thúy phải đón tôi ở trách nhiệm một biên tập viên với một bạn viết, nhất là tôi vừa giành giải Nhì không có giải nhất trong cuộc thi truyện ngắn. Bắt đầu là dè dặt với các câu chuyện quanh việc góp bài vở, sau chuyện cứ vỡ rộng ra, khi tôi bày tỏ các quan sát của tôi quanh mảng truyện của cô. Lại nhiều vấn đề quanh kĩ năng viết truyện ngắn, những hướng đi của nhiều cây bút trên thế giới đương đại...
Thúy lắng nghe. Từ đấy, sự chân thành của cả hai bên làm chúng tôi trở thành bạn văn của nhau. Và, có thể, vì tôi chân thành tin là: Một con người luôn mang theo quê hương, nơi miền sơn cước thăm thẳm nghèo khổ kia, về Hà Nội phồn hoa này, cả nỗi nhớ hằn gãy trên xương quai xanh Thúy gánh nỗi nhớ ở nơi sinh ra cô, cho cô hồn khí mà trở thành nhà văn, thì không khi nào là một kẻ vô tình, vô minh.
Văn chương Đỗ Bích Thúy phát lộ rực sáng từ cuộc thi truyện ngắn trên tạp chí Văn nghệ Quân đội 1998 - 1999. Một người sinh ra ở Hà Giang, gắn bó với nó, lớn lên đi làm báo lăn lộn với một nền văn hóa của nhiều sắc tộc, Đỗ Bích Thúy nổi trội ở cuộc thi năm ấy với chùm truyện ngắn: Sau những mùa trăng, Ngải đắng ở trên núi và Đêm cá nổi. Đặc biệt, sau cuộc thi không lâu, sự xuất hiện Tiếng đàn môi sau bờ rào đá khá thành công, càng bảo đảm bút lực của cô Thúy.
Truyện ngắn cô Thúy dự thi, rồi những sáng tác sau này tập hợp lại thành một số tập truyện ngắn như Sau những mùa trăng, Những buổi chiều ngang qua cuộc đời, Ký ức đôi guốc đỏ, Tiếng đàn môi sau bờ rào đá đã dâng hiến cho văn đàn Việt một cây bút mang đậm sắc màu, nổi trội và riêng biệt, một vẻ đẹp miền cực Bắc hiện đại: Những dấu vết mang thanh âm kỳ diệu âm vang sau bờ rào đá, bay trên những mái nhà khói bếp như mây.
Nó, chuỗi truyện ngắn ấy, không hoang sơ củi lửa như Tô Hoài thuở trước và sau 1954 nữa, truyện cô Thúy ngồn ngộn, hôi hổi bao nhiêu chất liệu đời sống của nơi mà các nhà văn hiện đại bấy nay, sau thế hệ Tô Hoài, dường như bỏ quên, sót lại bao điều chưa biết của nhiều sắc tộc Mông, Tày, Dao, La Chí, Pu Péo...
Hình ảnh vùng cao Hà Giang trong phim Lặng yên dưới vực sâu - phim do Đỗ Bích Thúy viết kịch bản. |
Những thân phận cuộc đời và khát vọng của con người trên rẻo cao của các vùng núi, mà tại đó văn minh đô thị là một thứ xa xỉ, vời vợi… là điểm có tính nhấn, lặp đi lặp lại, dễ nhận thấy trong các truyện ngắn và tạp văn của nhà văn trẻ này. Tạng văn của cô Thúy ở các truyện ngắn này mang màu sắc u buồn như điệu khèn Vợ chồng A Phủ năm nao của Tô Hoài, nhưng lại đầy những chi tiết làm nhiều người ở nhiều vùng đất, kể cả hải ngoại ấn tượng, tỉ như từ cái thìa gỗ, tỉ như từ tiếng đàn môi và những quan sát rất tinh tế, mà chỉ có một tâm hồn nhạy cảm mới có thể nhận ra.
Quan sát của cô Thúy ở con người và hoàn cảnh sống cũng thấy được rõ cái đẹp kỳ thú trong tâm hồn của người thiểu số và cái đẹp của mảnh đất hoang sơ, thậm chí lạc hậu. Chuyện của Pao sau này là phim thành công lớn, nó gợi cho các nhà làm phim rất nhiều khuôn hình đầy ngôn ngữ điện ảnh. Có cảnh dựng đẹp tới nao lòng. Phải chăng là sự chia sẻ từ nhà văn tới các nhà làm phim, đồng nhất từ cái đẹp trong tâm hồn con người và cảnh trí gợi cảm mà cô Thúy đã tạo nên dựng bằng ngôn ngữ hình ở nhiều truyện ngắn, khi lấy Tiếng đàn môi sau bờ rào đá làm trung tâm. [...]
Khảo sát văn xuôi ở các nhà văn nữ tiêu biểu 20 năm qua, có thể dễ nhận ra rằng, những truyện ngắn và cả những tạp bút, tạp văn sau này của Đỗ Bích Thúy đã tạo nên một khuôn mặt văn chương viết về cực Bắc không lẫn vào bất kỳ cây bút nào trước và sau cô, kể cả với nhà văn gạo cội chuyên viết về phía Bắc, có những tác phẩm lớn như nhà văn Tô Hoài.
Đỗ Bích Thúy là đóa hoa văn cực Bắc trong bàng bạc sương mù tháng ba bồng bềnh ngự trên núi non địa đầu tổ quốc. Nhà văn Đỗ Bích Thúy cùng trong chùm hoa lạ hiện đại đầy tính khác biệt, có thể hòa với văn chương thế giới, lại vẫn giữ, mang đậm sắc thái văn hóa vùng miền, đó là Nguyễn Ngọc Tư ở Nam Bộ, Trần Thùy Mai ở miền Trung, xứ Huế. Họ là một hiện tượng kì thú hấp dẫn của văn đàn nước ta hai thập kỉ qua.
Tự khám phá mình, thay đổi và lột xác
Đấy là một giai đoạn phát lộ tập trung chủ yếu ở truyện ngắn và tạp bút. Đỗ Bích Thúy tự khám phá mình ở hai mảng khác nữa. Năm nào chị cho ra mắt tiểu thuyết Bóng của cây sồi và kịch bản sân khấu Diễm 500 đô hay Quá khứ đòi nợ. Nhưng cả hai sự cố gắng này không vượt qua cái bóng đồ sộ của truyện ngắn. [...]
Nhưng con người vốn trầm tĩnh lại luôn gìn giữ ngọn lửa có bên trong một trái tim chưa hề nản.
Phải lột xác tự thay đổi!
Đỗ Bích Thúy trở về Hà Nội, tách rời mảnh đất đầy thương yêu, nơi hằn dấu xương quai xanh đòn gánh, nơi sinh ra một nhà văn. Sự trăn trở bấy nay suốt hơn 10 năm làm quen với vùng đất Hà Nội, ví cô tựa như cái cây bứng ra khỏi nơi sinh ra nó, trồng vào cái đất lạ kinh kì đô hội để cô Thúy có nhiều thời gian rơi vào im lặng. Có thể như vậy nữa khi nhiệm vụ mới Phó tổng biên tập và chức năng làm dâu Hà Nội với hai con gái đã làm dòng chảy văn chương trong Thúy có lúc lắng xuống chăng?
Tôi đã trở về trên núi cao - cuốn sách mới nhất của Đỗ Bích Thúy. |
Đỗ Bích Thúy vẫn viết nhiều truyện ngắn khác. Gần đây tác phẩm in nhiều kì trên Văn nghệ, truyện vừa Lặng yên dưới vực sâu là khoảng tiếp nối khai thác cái kho báu bất tận về một vùng đất quen thuộc. Lặng yên dưới vực sâu chín đằm về văn chương, những chi tiết sống và ám ảnh, cách dựng truyện khá hấp dẫn, lôi cuốn trong sự phân chia trường đoạn hiện đại, đầy tính điện ảnh mà vẫn thăm thẳm buồn về thân phận con người vùng cao.
Đỗ Bích Thúy vẫn trăn trở để lột xác. [...]
Hôm nay, khi Thúy hôm nay và Thúy ngày xưa cũng vẫn Đỗ Bích Thúy, mà hình thức ăn mặc và thể tài ở các trang văn Thúy đang thay đổi.
Với việc văn, truyện ngắn gần đây nhất: Chiếc hộp khảm trai, Đỗ Bích Thúy viết về một bà chị bên chồng ở Hà Nội. Truyện ngắn này là bước thay đổi rất khác, ngay cả khi so với vở kịch hôm nào cô viết về gái thị thành. Những chi tiết của nhân vật chứng tỏ sự quan sát rất tỉ mỉ, từ ngôn ngữ tới sắc thái đã lột tả chính xác một người đàn bà Hà Nội rất Hà Nội xa xăm.
Đây là sự thay đổi ở Đỗ Bích Thúy, sau 10 năm có dư, thâm nhập vào cái vùng văn hóa không hề dễ dàng, bởi vì Hà Nội và vùng văn hóa của nó vốn không phải nơi cô sinh ra lớn lên. Sau hơn 10 năm làm dâu Hà Nội mới nhập cuộc vào dân Thăng Long, để văn chương cô bắt đầu thật sự khoác lên trên con người văn cô Thúy, báo hiệu một bộ cánh mới từ những nhận thức mới.