Có một chàng trai đăng status trên trang cá nhân: “Gấu của em mê mệt một thằng Đức tên Dieter trong truyện 'Đừng bao giờ xa em'. Em phải tìm xem nó là thằng nào".
Đừng bao giờ xa em lấy bối cảnh truyện là bờ biển Normandie thanh vắng miền quê nước Pháp, nơi quân Đồng minh đổ bộ để giải phóng Pháp khỏi ách chiếm đóng của quân đội Hitler vào năm 1945.
Nàng Lisette de Valmy, cô con gái xinh đẹp 19 tuổi của ông bá tước là thành viên quân kháng chiến, đạp xe ven bờ biển vắng đầy gió và sương mù, căm thù nhìn mảnh đất quê hương bị giày xéo và lâu đài của dòng họ bị chia sẻ.
Nhưng tình yêu như trái phá con tim mù lòa, nàng đã bị cuốn hút, khuất phục và chiếm hữu bởi sỹ quan quân đội Đức Dieter Meyer, cũng đang là kẻ chiếm hữu toà lâu đài của dòng họ nàng.
Lòng yêu nước và căm thù quân địch khiến trái tim nàng bị giằng xé, nhưng cũng như bao cô gái trên đời này, tình yêu không bao giờ có chỗ cho lý trí.
|
Đừng bao giờ xa em là cuốn truyện liên quan đến hầu hết mọi thứ mà những người yêu nhau đều có thể phải trải qua: ham muốn, đau đớn, dối trá, ngoại tình... |
Đây là một cuốn tiểu thuyết tình cảm rất dễ đọc và hấp dẫn của nữ tác giả người Anh Margaret Pemberton, đầy đủ các yếu tố để có thể lấy nước mắt và sự khao khát thổn thức của toàn giới độc giả nữ.
Một cô gái Pháp với vẻ quyến rũ mong manh đặc Pháp, có tình yêu và sự đam mê sét đánh với ba chàng lính trận, hai Đồng minh và một phát xít, dưới bầu trời Normandie đầy lửa đạn.
Trong đó, cuộc tình với Dieter Mayer chỉ kéo dài 1/3 truyện, nhưng là cuộc tình kịch tích và thổn thức nhất, kết thúc bằng cái chết của viên sỹ quan Đức định chống lại Hitler này.
Những cung bậc cảm xúc được tác giả mô tả một cách tinh tế và gợi cảm. Chẳng hạn, khi mới gặp, cô gái Pháp để lộ bàn chân trần thanh mảnh trong đôi dép sandale, bước từ trên cầu thang xuống đã làm bùng nổ cảm giác khao khát của người sỹ quan Đức dạn dày chiến trận, xuất thân quý tộc, mê Zola và Verlaine. Một gã đàn ông thét ra lửa, thân hình rắn chắc, đôi mắt xám thép, mái tóc vàng như bắp, rối như lúa mì, đôi tay mạnh mẽ với những ngón dài đẹp đẽ…
Và những đêm yêu đương ngọt ngào trong ánh đèn vàng, nghe tiếng sóng vỗ bờ trong tòa tháp lâu đài cổ, “với tất cả khéo léo và kiên nhẫn của một người tình tuyệt vời, hắn từ tốn dìu nàng đến một xứ sở mà nàng chưa bao giờ mơ ước tới... Nàng không còn chút ý thức nào về sự tồn tại của mình. Nàng đang tan biến giữa lúc gọi mãi tên hắn".
Rồi chàng trai Đức đã ngã xuống, tiếp theo lại là một phi công Anh và một đại tá Mỹ, ai cũng yêu nàng cuồng nhiệt. Vòng đời vẫn cứ quay, Lisette theo chồng về Mỹ, dù yêu chồng, yêu San Francisco nắng ấm nhưng một nửa trái tim nàng vẫn để lại khu vườn hồng Normandie xứ sương giá, nơi đặt ngôi mộ Dieter của nàng.
Một câu chuyện tình yêu cảm động, kèm theo cách lồng bối cảnh chiến tranh khéo léo, tả cảnh tả tình rất gợi của nữ tác giả khiến tâm trí và tình cảm của người đọc cũng bị cuốn hút theo, vượt qua giới hạn của một câu chuyện giải trí đơn thuần.
Dù chưa bao giờ đặt chân đến châu Âu, người đọc vẫn có thể tưởng tượng bầu trời xám xịt giá lạnh vào mùa đông bên bờ biển Normandie, những rặng táo sum suê vươn mình đón nắng sau mùa sương giá, sóng biển vỗ ì ầm vào mạn đá cô đơn, mùa xuân rực rỡ với hoa hồng và hoa tầm xuân trong khuôn viên lâu đài cổ có ngọn tháp.
Ám hiệu đổ bộ lục địa trên radio lại bằng một câu thơ rất êm đềm của Paul Verlaine, thi sĩ Pháp thế kỷ 19: “Tiếng nức nở ngân dài của cây vĩ cầm mùa thu/Xé nát tim tôi bằng nỗi buồn đơn điệu” cũng làm không khí chiến tranh chỉ mang một vẻ bi lụy chứ không tàn khốc như sự thật. (Ngoài tên gốc Never leave me, tiểu thuyết này còn có một tên khác là The Violins of Autumn – Vĩ cầm mùa thu).
Mà xét cho cùng, trong chuyện này, đạn bom cũng chỉ làm bối cảnh cho yêu đương ngân tỏa rồi bung nở. Tuy nhiên, tác giả đã dành khoảng 150 trang để viết một bi kịch hôn nhân giữa Lisette và người chồng Mỹ Greg Dering, rồi chỉ giải quyết gọn trong 3 trang cuối.
Người đọc có thể mong đợi nhiều hơn thế bởi vì trình tự câu chuyện liên quan đến hầu hết mọi thứ mà những người yêu nhau đều có thể phải trải qua: cảm xúc và ham muốn thể xác, sự đau đớn, niềm dối trá trong hôn nhân, chuyện ngoại tình, tình yêu từ cái nhìn đầu tiên...
Nhưng đây vẫn là một cuốn sách rất mực “đàn bà“, được đánh giá cao trên tất cả các diễn đàn nữ giới từ Âu sang Á, vẫn luôn được in lại bằng nhiều thứ tiếng kể từ khi nó ra đời năm 1986. Ở Việt Nam, cuốn sách do NXB Hội nhà văn ấn hành, dịch giả Bích Thủy chuyển ngữ và đã được NXB Thời đại tái bản.
Loại tiểu thuyết tình yêu này luôn luôn có sức mê hoặc, cho phụ nữ thấy mình luôn hấp dẫn, luôn là trung tâm, luôn vuốt ve trìu mến hiệu quả được cái tôi đàn bà vốn thường chịu nhiều nỗi sầu trong đời thực.