Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc đời cơ cực của những bé gái Mông 13 tuổi đã thành đàn bà

Những người đàn bà sinh ra trên cao nguyên đá lưng còng gập vì lao động nặng, suốt đời không ai tặng quà, họ tự tìm nó trong cuộc đời khốn khó, chật vật, cực nhọc.

Tôi sinh ra ở một ngôi làng đã có hàng trăm năm tuổi, nằm trọn vẹn trong một dải thung lũng dài, dưới chân núi, với cánh đồng chạy ra tận mép sông Lô.

Những con suối nhỏ dẫn nước từ trong khe núi len lỏi qua những thửa ruộng bậc thang thấp, cung cấp nước cho đồng lúa. Làng chủ yếu là người Tày, lẫn một số hộ người Dao, Mông, và kha khá người Kinh từ Thái Bình, Nam Định lên khai hoang từ những năm 60 của thế kỷ trước.

Ở nơi đó, là muôn phận đàn bà cực khổ, là cuộc đời của những bé gái 13 tuổi đã đi lấy chồng...

Chuyện người đàn bà Mông đỡ đẻ cho vợ bé của chồng

Chúng tôi ở xa nhau, mỗi nhà cách nhau vài nghìn m2 là chuyện thường tình. Nhà tôi ở tít trong chân núi, đi dọc theo con suối mấy trăm mét mới ra tới quốc lộ.

Những nhà hàng xóm khác ở rải rác, có khi trên đồi, có khi sát mép sông, bắc loa gọi nhau mới nghe thấy. Ở lâu, hàng vài thập kỷ, nên rất thân thiết quấn túm. Và cũng vì quấn túm nên đôi khi cũng chẳng phân biệt đâu là bà Tày, đâu bà Kinh, đâu là bà Mông, đều nói tiếng Kinh cả. Những người phụ nữ người bản địa chỉ nói tiếng Tày, tiếng Mông khi chính họ gặp nhau mà thôi.

Than phan nguoi phu nu vung cao anh 1
Hình ảnh người phụ nữ vùng cao trên bìa sách Lặng yên dưới vực sâu của Đỗ Bích Thúy.

Hôm nay tôi kể chuyện một bà Mông. Bà Mông này quê tận Mèo Vạc, huyện xa nhất của Hà Giang. Bà tên May. Chồng bà là ông Chú. Ông Chú họ Giàng, bà họ gì thì tôi không rõ. Họ sống trong một ngôi nhà gần như giữ nguyên kiến trúc Mông, trình tường, nhưng lợp lá cọ. Trong nhà có hai buồng, gian giữa kê bàn ghế tiếp khách. Bếp nằm hẳn ra đầu hồi. Một cái bếp lò đắp bằng đất rất to, trên đó luôn có một cái chảo cũng rất to, đun cám lợn. Bếp nấu cơm thì nhỏ hơn, kê bên cạnh.

Bà May kém mẹ tôi vài tuổi. Khi tôi chín, mười tuổi thì bà khoảng 40-45 gì đó. Vợ chồng ông Chú, bà May không có con, do bà May không sinh nở được. Cái thời ấy, có lẽ cũng chẳng biết đến đi bệnh viện gặp bác sĩ là gì. Đẻ được thì nuôi, không đẻ được thì chịu vậy.

Đùng cái, ông Chú đi dân công làm đường giao thông, và đưa về một phụ nữ người Kinh. Bà này tên Hoa. Bà Hoa ở lại nhà bà May, và lần lượt đẻ 5 đứa con, gái trai đủ cả. Con gái lớn bằng tuổi tôi, tên Thương. Tôi với Thương chơi rất thân. Đi đâu cũng đi với nhau. Lấy củi, lấy rau lợn, vớt bèo, câu cá…

Tôi không rõ hồi đó vì sao mà bà Hoa lại không mấy khi ở nhà, hầu như chỉ thấy bà May. Nhà có hai căn buồng, buồng bên phải của bà May, bên trái của bà Hoa. Bọn trẻ gọi mẹ đẻ là mẹ Hoa, gọi bà May là mẹ Già. Bà Hoa đẻ một đàn con và thường xuyên vắng nhà, tất cả lũ trẻ ấy hầu như đều do bà May chăm sóc.

Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh bà May đằng sau địu một đứa, nách cắp một đứa, một đứa ôm chân ỉ eo khóc khi bà đang dùng một cái đũa cả to như cái đòn gánh để đảo chảo cám bốc khói nghi ngút trên bếp lò. Lũ trẻ cứ thế lớn lên trong vòng tay bà May, từng đứa từng đứa một, đi lấy chồng, đi bộ đội, lấy vợ… Ông Chú mất sớm vì ung thư gan, bà Hoa cũng mất. Còn lại trên đời chỉ là bà May và đàn con không phải do bà sinh ra.

Sau này, khi tôi gặp lại bà May, bà đã già, và có nguy cơ bị lũ con đẩy ra ngoài đường. Chúng đòi bán nhà. Tôi ngồi với bà ở nhà Thương, bà nói, chỉ có Thương là đứa duy nhất yêu thương, hiếu thảo với bà. Nhưng nó lại nghèo quá, lại là con gái.

Tôi luôn bị ám ảnh bởi cuộc đời của bà May. Một người đàn bà Mông, bước chân ra khỏi nhà theo chồng, đi một nơi rất xa. Chồng có vợ bé, vợ bé sinh con, bà nuôi nấng chăm bẵm bằng ấy đứa. Chấp nhận chia chồng với người ta. Không biết bao nhiêu đêm ròng bà nằm ngủ một mình trong căn buồng ấy, và cắn răng yên lặng nghe người ta rì rầm phía bên kia.

Không biết bà nghĩ gì khi tự tay đỡ đẻ cho cái người đã tự dưng xuất hiện trong gia đình. Và không biết, khi nhìn lại những năm tháng đã qua, chẳng còn lại gì, bà nghĩ gì về cuộc đời?

Những người đàn bà Mông lưng còng gập

Những người đàn bà Mông như bà May, hầu như đều chỉ có tuổi thơ là của mình, còn từ mười ba mười bốn tuổi, đủ tuổi gả chồng, thì đã trao cuộc đời mình vào tay người khác. Còn hơn cả câu ca dao “thân em như giọt mưa sa”.

Vì, cho dù là rơi vào gia đình nào, rơi vào vòng tay người đàn ông nào, thì cuộc đời cũng sẽ đều diễn ra như một kịch bản có sẵn.

Lấy chồng, sinh con, lao động cực khổ, niềm vui là những bữa ăn no đủ, những mùa đông đủ chăn áo ấm, là những đứa con lớn lên, lại lấy vợ lấy chồng, đàn cháu đông đúc.

Suốt cuộc đời, lúc nào cũng cắm cúi lao động, nên cái lưng chẳng mấy chốc mà còng gập xuống. Bạn sẽ rất dễ bắt gặp những người đàn bà Mông lưng còng. Năm mươi, sáu mươi đã bắt đầu còng, bảy mươi thì phải chống gậy mới đi được.

Ngày này qua tháng khác, gùi những gùi nặng giống má phân gio lên nương, gùi ngô, củi, thóc, bí về nhà. Không gùi thì địu con. Có khi sau lưng gùi nặng, trước mặt bế con. Cái lưng nào chịu nổi sự quá tải của lao động để mà không còng gập xuống?

Than phan nguoi phu nu vung cao anh 2
Phụ nữ vùng cao trong Lặng yên dưới vực sâu - phim truyền hình chuyển thể từ truyện của Đỗ Bích Thúy.

Trong gia đình, người đàn ông luôn giữ vai trò quyết định trong mọi vấn đề, sự việc. Họ chịu trách nhiệm về những việc lớn. Làm một ngôi nhà theo lối truyền thống rất vất vả, đấy là việc của đàn ông. Dẫn bò ra nương cày những miếng đất bé tí, đấy cũng là việc của đàn ông.

Còn lại, tất cả gieo trồng cấy hái thu gặt, đều thuộc về phụ nữ. Đàn ông xong việc lớn là uống chén rượu, nằm khoèo ra ngủ. Phụ nữ cứ việc làm công việc của mình, cho dù là nửa đêm mờ sáng mới xong cũng kệ. Phân chia rất rõ ràng.

Trong cuộc sống mà chỉ có lao động chân tay quần quật mới đủ ăn ấy, thì ai cũng vất vả. Nhưng người phụ nữ vất vả hơn ở chỗ họ phải sinh con, và làm lụng không kịp thở. Giờ văn minh còn đi trạm xá, chứ trước kia cứ việc đẻ ở nhà. Đến tháng, mỗi bà kiếm một chậu gio bếp, ngồi vào đấy. Đẻ xong, ở cữ chỉ có vài ngày lại lên nương.

Có người hỏi tôi, vậy họ có hạnh phúc không? Tôi nghĩ là có. Hạnh phúc của họ nằm ở những điều giản dị. Đêm đêm trước khi chui vào chăn thì chõ mèn mén đã đồ xong một lượt, chảo cám đầy đang ủ trên bếp, lũ con nằm im thin thít và chồng thì đã ngáy vang nhà. Mỏi mệt, nhưng hạnh phúc, vì thêm một ngày bình yên trôi qua.

Suốt cuộc đời họ, đến khi còng gập và qua đời, không biết đến một món quà. Không ai tặng quà cho họ, mà họ tự tìm thấy nó trong chính cái cuộc đời cực nhọc, khốn khó chật vật để tồn tại trên những triền núi đá ấy thôi.

‘Câu chuyện tùy nữ’ là tiểu thuyết được đọc nhiều nhất năm 2017

Nhờ có bộ phim chuyển thể mà cuốn tiểu thuyết viết năm 1985 của Magaret Atwood lại trở thành tựa sách phổ biến nhất sau 32 năm.



Nhà văn Đỗ Bích Thuý

Bạn có thể quan tâm