Tờ The Guardian đã ca ngợi The scarlet letter (Chữ A màu đỏ) của nhà văn Nathaniel Hawthorne là điển hình cho tiểu thuyết tâm lý Mỹ vào thế kỷ 19.
Lấy bối cảnh thành phố Boston, Mỹ thế kỷ 17, The scarlet letter kể về Hester Prynne, một người phụ nữ trẻ đẹp bị buộc phải mang mẫu tự A (viết tắt của Adultery, nghĩa là ngoại tình) màu đỏ thắm thêu trên ngực áo suốt đời vì bị khép vào tội ngoại tình – một tội mà xã hội thời bấy giờ kết án hết sức nghiêm khắc, thậm chí tử hình nếu không được khoan dung.
Hester đã có một mối tình cấm kị với mục sư Arthur Dimmesdale – vị giáo sĩ trẻ tài năng được cả cộng đồng kính trọng. Kết quả, cô mang thai và bị quy kết vào tội ngoại tình dẫn đến chửa hoang. Thế nhưng, Dimmesdale im lặng, không tiết lộ sự thật để bảo toàn danh dự và nhân phẩm của mình.
Tiểu thuyết The scarlet letter. |
Hester Prynne phải chịu đựng nỗi nhục nhã đau đớn. Còn Arthur Dimmesdale hàng ngày bị cảm giác tội lỗi và hối hận giày vò. Thế nhưng quần chúng không hề hay biết gì, vẫn sùng bái anh như một vị thánh sống.
Cho đến khi, một nhân vật khác xuất hiện, tạo nên bộ ba trong diễn biến xung đột của câu chuyện. Đó là chồng của Hester – một gã đàn ông già nua, dị dạng, mà cô không hề yêu. Lão đã sống cuộc đời lang bạt. Khi nhìn thấy vợ bị sỉ nhục 3 tiếng tại nhà thờ, lão bắt đầu săn tìm tình địch để báo thù. Lão đội cái tên giả Roger Chillingworthe, xuất hiện giữa cộng đồng Thanh giáo Boston với danh nghĩa là một thầy thuốc.
Còn Hester, cô đã dấu tranh đến cùng để thoát khỏi án tử hình. Cô giữ được mạng sống nhưng lại bị cả xã hội ghẻ lạnh, khinh bỉ cùng đứa con thơ. Tuy nhiên, nghị lực sống đã không cho phép Hester gục ngã. Cô vẫn đối đãi với người khác bằng tấm lòng nồng hậu và nhân đạo, tự nguyện làm một bà phước, tận tụy săn sóc cưu mang những người nghèo khổ, ốm đau.
The scarlet letter là cuốn sách có thể khiến mọi độc giả kinh ngạc bởi nó phơi bày sự thật trần trụi về một xã hội lạnh lùng nấp dưới vỏ bọc đạo đức, đồng thời, chứa đựng vô số chi tiết biểu tượng có ý nghĩa sâu sắc, kỳ lạ và ám ảnh.
Điều gây ấn tượng nhất trong cuốn tiểu thuyết là chân dung Hester Prynne – nhân vật được ca tụng là “nữ anh hùng thực sự đầu tiên của tiểu thuyết Mỹ”. Hester khiến độc giả liên tưởng đến số phận của Eva trong Kinh thánh.
Cái tài tình của Nathaniel Hawthorne là làm cho sự mê đắm trong tình yêu của cô trở nên cao quý, sự bất kham của cô trở nên đau lòng và sự yếu đuối của cô dễ tạo sự đồng cảm.
Cô là điển hình cho những người phụ nữ Mỹ có tư tưởng tự do, có ý thức đấu tranh với bản thân cùng bản năng của mình trong một xã hội lạnh lùng.
Hester Prynne là nhân vật được mệnh danh là "nữ anh hùng thực sự đầu tiên của tiểu thuyết Mỹ”. |
Hester đã phải trải qua một quá trình tự nhận thức và nghiệm ra lỗi lầm của mình. Cô trút bỏ đoạn tình cảm mê đắm với vị mục sư vô trách nhiệm – người yêu cũ đã quay lưng khi cô phải chịu nhục.
Nathaniel Hawthorne là bậc thầy trong nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật. Ông hiểu rõ bản năng tính dục, những cung bậc cảm xúc cũng như cái giá phải trả cho tình yêu đắt đến như thế nào. Hawthorne đã lột tả một cách tinh tế chuyển biến tâm lý của Hester khi đối mặt với vị mục sư kia: “Lúc trước họ đã biết nhau sâu sắc đến như thế nào nhỉ? Anh ta có phải là đàn ông không? Cô dường như không biết người trước mặt mình là ai”.
Hester cũng đã có một cuộc đấu tranh không khoan nhượng với sự vô cảm của con người và những định kiến trong xã hội Mỹ lúc bấy giờ - một xã hội lạnh lùng, vô nhân tính, bên ngoài đẹp đẽ nhưng thực chất sự mục ruỗng đã ngấm sâu vào gốc rễ bên trong.
The scarlet letter gửi gắm một niềm tin bất diệt rằng trong xã hội Mỹ thời kỳ đó - nơi kiểm soát quyền dân chủ một cách gắt gao, bất kì cá nhân nào cũng đều có quyền phục hồi quyền con người của mình, nếu người đó xứng đáng. Hester - người mẹ trẻ từng bị cả xã hội ruồng rẫy đã đấu tranh để trở lại với cuộc sống bình thường, thanh tẩy lỗi lầm của mình.
The scarlet letter xuất bản vào mùa xuân năm 1850. Nathaniel Hawthorne đã đặt nhiều kỳ vọng vào cuốn sách này. Khi giao bản thảo, ông khẳng định rằng có những phần của tiểu thuyết đã được viết theo một cách mạnh mẽ.
Tờ The Guardian dẫn một kỷ niệm về tác phẩm nổi tiếng của nhà văn tài ba này. Hawthorne kể với bạn bè rằng vào một đêm tháng 2 năm 1850, khi đọc phần cuối của cuốn tiểu thuyết cho vợ nghe, bà đã rất xúc động. “Tôi xem đây là một thắng lợi” - Nathaniel Hawthorne đã tự tin về “đứa con tinh thần” của mình. Và ông đã đúng.
The scarlet letter là một trong những tiểu thuyết bán chạy nhất những năm 1850. |
The scarlet letter ngay lập tức trở thành cuốn sách bán chạy hàng đầu. Nó là tác phẩm được in hàng loạt đầu tiên ở Mỹ với 2.500 bản bán hết trong vòng 10 ngày. Từ đó cho đến lúc Hawthorne mất, có tất cả 7.800 bản đã được bán ra. Cuốn sách đã thu hút nhiều tác giả nổi tiếng khác.
Nhà văn Henry James đã viết những dòng ca ngợi: “Cuốn tiểu thuyết thật đẹp, độc đáo và đáng ngưỡng mộ. Nó thuộc đẳng cấp cao nhất trong số những đóng góp mà tôi từng nói đến như dấu ấn tốt đẹp nhất của Hawthorne – một sự tinh tế và nhẹ nhàng khó có thể lý giải nổi. Nó chứa đựng sự quyến rũ và bí ẩn mà chỉ những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại mới có được”.